Nhân tố góp phần quyết định đến tốc độ phát triển kinh tế và tăng trưởng kinh tế ở Yên Bái
- Cập nhật: Thứ tư, 1/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trải qua 19 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Yên Bái và KBNN cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, đến nay, KBNN Yên Bái đã có những bước phát triển nhanh, toàn diện trên các mặt.
Đến nay, KBNN Yên Bái đã có 59,6% cán bộ trình độ đại học, cao đẳng.
|
Với chức năng nhiệm vụ chủ yếu là: quản lý quỹ ngân sách Nhà nước (NSNN), quỹ dự trữ tài chính, huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển, cấp phát thanh toán vốn các chương trình mục tiêu, vốn xây dựng cơ bản (XDCB) tập trung; thực hiện nhiệm vụ tổ chức công tác kế toán NSNN, kiểm soát các khoản thu - chi NSNN qua KBNN đã khẳng định được vai trò là công cụ quan trọng không thể thiếu được trong nền tài chính quốc gia nói chung, tài chính tỉnh nhà nói riêng.
Trong những năm qua, hoạt động của KBNN Yên Bái đã đáp ứng được yêu cầu của quá trình quản lý kinh tế, cải cách nền tài chính địa phương theo tinh thần nghị quyết các đại hội của Đảng và các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, góp phần trong việc vận hành cơ chế quản lý kinh tế mới – cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa mà trong đó việc tập trung các nguồn thu, phân phối và sử dụng có hiệu quả các quỹ tiền tệ của Nhà nước nói chung và quỹ NSNN của tỉnh nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một trong các nhân tố quyết định đến tốc độ phát triển kinh tế và tăng trưởng kinh tế của địa phương, góp phần đáng kể vào kết quả chung của ngành tài chính tỉnh Yên Bái.
Điều đó thể hiện ở một số nội dung chính sau:
Luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương giao. Dưới sự chỉ đạo giúp đỡ của Bộ Tài chính, cấp uỷ, chính quyền địa phương và KBNN, KBNN Yên Bái đã không ngừng áp dụng các cơ chế thanh toán mới, xây dựng và hoàn thiện các quy trình thu NSNN. Từ những năm đầu thành lập, cơ chế thu còn thụ động chờ cơ quan thuế, hải quan… mang tiền đến nộp nhưng đến nay đã xây dựng và thực hiện quy trình thu trực tiếp qua KBNN, thiết lập nhiều điểm thu, từ đó nâng cao được tỷ trọng thu trực tiếp qua KBNN trong tổng thu NSNN của địa phương hàng năm; nâng cao chất lượng công tác kế toán, thanh toán nhanh, tiết kiệm nhiều thời gian trong luân chuyển chứng từ giữa KBNN với hệ thống ngân hàng và trong nội bộ hệ thống KBNN mang lại lợi ích thiết thực cho NSNN và nền kinh tế địa phương. Đặc biệt, hai ngành thuế và KBNN đã phối hợp chặt chẽ trong công tác thu, cải cách thủ tục hành chính, quy trình giao dịch tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi đối tượng thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN.
Ngoài nhiệm vụ tập trung nguồn thu, KBNN Yên Bái còn quản lý, thanh toán chi trả kịp thời mọi nhu cầu chi tiêu của các cơ quan, đơn vị thụ hưởng NSNN trên địa bàn với doanh số hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, KBNN Yên Bái đã từng bước quản lý, kiểm soát các khoản chi NSNN, thông qua việc kiểm soát chi tiền lương và các khoản chi có tính chất lương đồng thời được giao trực tiếp cấp phát và kiểm soát một số chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, định canh định cư, vốn sự nghiệp đường bộ, đường sắt, vốn đầu tư XDCB , chương trình quỹ quốc gia giải quyết việc làm.
Ngoài ra, còn được tỉnh giao thêm nhiệm vụ quản lý quỹ trung tâm tín dụng, quỹ dự trữ lương thực của tỉnh. Đến nay, mọi khoản chi của NSNN trên địa bàn đều được thanh toán qua hệ thống KBNN Yên Bái. Thông qua quá trình kiểm soát chi, KBNN Yên Bái đã từ chối thanh toán hàng ngàn món do không đủ điều kiện thanh toán với số tiền hàng tỷ đồng mỗi năm, giúp các đơn vị sử dụng vốn NSNN từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính Nhà nước tại đơn vị.
Thực thiện nghiêm túc các quy trình nghiệp vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối tiền và tài sản của Nhà nước. Với doanh số hoạt động thu – chi – thanh toán qua KBNN Yên Bái hàng năm lên tới hàng ngàn tỷ đồng, được thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh, do vậy, công tác an toàn tiền và tài sản trong khâu kế toán, thanh toán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và khó khăn đối với KBNN Yên Bái. Trong suốt 19 năm qua, việc triển khai hàng loạt các biện pháp quản lý và duy trì chế độ kiểm tra, kiểm soát nội bộ đã giúp cho KBNN các huyện, thị xã, không những phát hiện và ngăn chặn kịp thời các sai sót tại cơ sở, thực hiện rà soát, đánh giá về năng lực sở trường, phẩm chất đạo đức cán bộ, phát hiện các sơ hở bất hợp lý trong quy trình quản lý để sửa đổi kịp thời.
Đã triển khai thực hiện nghiêm túc và điều hành công việc theo quy chế quản lý cán bộ, công chức; tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và chính quyền sở tại làm tốt công tác bảo đảm an ninh cho hoạt động của KBNN trên địa bàn. Trong điều kiện đời sống cán bộ, công chức còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với đạo đức nghề nghiệp, liêm khiết, đội ngũ cán bộ làm công tác thủ quỹ, kiểm ngân KBNN Yên Bái không những đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý tiền bạc mà còn là những cán bộ trung thực, liêm khiết.
Từ khi thành lập đến nay, KBNN Yên Bái đã trả lại 3.491 món, số tiền 522,66 triệu đồng do khách hàng nộp thừa, tạo niềm tin yêu của khách hàng về người cán bộ KBNN.
Không ngừng hoàn thiện và mở rộng các hoạt động nghiệp vụ, khẳng định vai trò quan trọng trong công tác quản lý tài chính, tiền tệ trên địa bàn. Trong công tác quản lý tài chính, tiền tệ trên địa bàn, KBNN Yên Bái đã tích cực tham gia vào việc thực hiện chính sách tài chính – tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tiền tệ và giá cả thông qua việc tổ chức huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư và các doanh nghiệp qua kênh phát hành tín phiếu KBNN, công trái xây dựng Tổ quốc, trái phiếu Chính phủ để tạo nguồn cho ngân sách Nhà nước, phát huy nội lực để đầu tư phát triển kinh tế.
19 năm qua đã huy động được trên 500 tỷ đồng hoàn thành vượt mức kế hoạch giao. Hàng năm đều tạo điều kiện cho ngân sách tỉnh tạm ứng từ nguồn vốn tồn ngân KBNN với doanh số hàng trăm tỷ đồng để phục vụ các nhu cầu chi cấp bách của tỉnh trong khi các nguồn thu chưa tập trung kịp tháo gỡ khó khăn cho ngân sách địa phương. Đồng thời tổ chức tốt công tác thanh toán, chi trả công trái, trái phiếu, tín phiếu KBNN đến hạn, kịp thời, thuận lợi.
Trong lĩnh vực quản lý quỹ NSNN liên tục được mở rộng qua từng thời kỳ. Giai đoạn đầu từ chỗ nhiệm vụ chỉ đơn thuần nhập – xuất quỹ NSNN như vai trò một thủ quỹ, nay đã chuyển sang nhiệm vụ thu trực tiếp và kiểm soát toàn bộ các khoản chi NSNN. Từ việc kiểm soát chi tiền lương và các khoản chi có tính chất lương đến việc kiểm soát vốn các chương trình mục tiêu của Chính phủ, định canh định cư, Chương trình 135, vốn sự nghiệp đường bộ, đường sắt, vốn đầu tư XDCB...
Từ nhiệm vụ kế toán quỹ NSNN đến nay KBNN Yên Bái đã được giao là đầu mối duy nhất thực hiện nhiệm vụ tổ chức hạch toán kế toán và quyết toán NSNN, với cơ sở trang thiết bị tin học hiện đại, là trung tâm cung cấp cơ sở dữ liệu về thu - chi NSNN cho các cấp lãnh đạo, đáp ứng nhanh, nhạy cho yêu cầu quản lý và điều hành ngân sách của các cấp chính quyền địa phương, khẳng định nhiệm vụ, vai trò, vị trí quan trọng của hệ thống KBNN Yên Bái trong việc phát triển kinh tế tại địa phương.
Không ngừng củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy và cán bộ; duy trì và đẩy mạnh các phong trào thi đua; xây dựng khối đoàn kết thống nhất để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Suốt chặng đường 19 năm qua, KBNN Yên Bái luôn thường xuyên được củng cố, hoàn thiện, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ đổi mới.
Năm 1991 sau khi chia tách tỉnh, hệ thống KBNN Yên Bái có 05 phòng nghiệp vụ và 07 KBNN huyện, thị xã, đến nay đã có 09 phòng nghiệp vụ và 08 KBNN huyện, thị xã. Chức năng nhiệm vụ của hệ thống KBNN ngày càng được bổ sung. Từ ngày đầu thành lập hệ thống KBNN theo Quyết định số 07 QĐ- HĐBT ngày 04/01/1990 đến nay đã chuyển sang thực hiện Quyết định số 235 QĐ ngày 13/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ với chức năng, nhiệm vụ ngày càng nặng nề.
So với ngày đầu thành lập chỉ có 116 cán bộ với trình độ đại học chiếm 20% thì đến nay bằng việc xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo dài hạn, ngắn hạn, kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hàng năm nên đội ngũ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về chuyên môn nghiệp vụ có 96/161 cán bộ công chức, chiếm 59,6%; cán bộ có trình độ trung cấp là 34/161, chiếm 21,1 %; gần 90% cán bộ có trình độ tin học cơ bản trở lên; cao cấp, cử nhân lý luận chính trị (LLCT) có 07 cán bộ công chức, trung cấp LLCT có 15 cán bộ công chức.
Để đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý cán bộ, KBNN Yên Bái đã xây dựng và bổ sung hoàn thiện các nội quy, quy chế hoạt động cơ quan như: quy chế làm việc của Đảng bộ KBNN Yên Bái, quy chế làm việc lãnh đạo KBNN Yên Bái, Quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan, quy chế chi tiêu tài chính nội bộ, quy chế bình xét thi đua khen thưởng, quy chế nâng lương trước hạn...
Định kỳ từ 2 đến 3 năm, KBNN Yên Bái tổ chức cho CBCC thi nghiệp vụ kế toán, kho quỹ, thanh toán vốn đầu tư, kế hoạch, tin học, bảo vệ… tạo nên không khí học tập sôi nổi trong cơ quan. Đây cũng là những dịp để cán bộ, công chức trao đổi nghiệp vụ, nâng cao trình độ, học tập lẫn nhau, thắt chặt thêm tình đồng nghiệp để đoàn kết, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Bước vào thời kỳ mới - thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong xu thế hội nhập và phát triển, đội ngũ cán bộ KBNN Yên Bái luôn trân trọng và kế thừa những thành quả đã đạt được trong 19 năm qua, luôn phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Duy trì ổn định, hoàn thiện chức năng, hiện đại hoá công nghệ, phát triển nguồn nhân lực” để không ngừng phát triển vững mạnh, góp phần cùng toàn ngành tài chính tỉnh nhà phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Tỉnh ủy - HĐND - UBDN tỉnh và Kho bạc Nhà nước giao.
Nguyễn Công Tôn - Giám đốc Kho bạc nhà nước Yên Bái
Các tin khác
Tại cuộc họp báo sáng 31.3, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho biết Việt Nam vẫn có thể đạt mức tăng trưởng ở mức độ vừa phải, dự tính đạt 4,5% trong năm 2009 và tăng lên 6,5% vào năm 2010.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 3 tháng đầu năm 2009 tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 1,7 triệu tấn với kim ngạch đạt 785 triệu USD.
Các chính sách của Chính phủ hiện nay đang tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có những thuận lợi nhất định về chi phí đầu vào.
Ngày 30/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định GDP cả nước nhiều khả năng chỉ tăng 5% trong năm 2009.