Trạm Tấu: Cương quyết cởi bỏ tư tưởng “bao chiếm” đất đai
- Cập nhật: Thứ tư, 22/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hầu hết các già làng trưởng bản đều nhất trí cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc phân chia lại đất rừng khoanh nuôi, đất sản xuất. Tuy nhiên, việc thực hiện như thế nào cho hợp lý, được sự đồng thuận của nhân dân đặc biệt là những hộ đang “bao chiếm” đất đai lại đang vấp phải nhiều khó khăn, nếu không có phương án tháo gỡ ngay từ bây giờ sẽ gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Trung tâm xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu). (Ảnh: Thanh Miền)
|
Thực trạng đất sản xuất
Mùa xuân năm nay, gia đình cụ Hà A Sang - già làng Tà Chử, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu đón nhận thêm một thành viên mới, thành viên thứ 10 của gia đình. Cụ dự định sẽ phải tập trung con cái khai hoang nốt mảnh nương thứ 6 để làm lúa nước như vậy mới lo không bị đói. Nhiều năm trước số ruộng nước cụ đã chia cho 6 người con lập gia đình ra ở riêng, người nào cũng có ruộng, chăm chỉ làm ăn nên không bao giờ bị đói. Tà Chử chỉ có 38 hộ dân nhưng có diện tích rộng nhất huyện, song không phải hộ nào cũng được như cụ Sang, có đất ruộng chia cho con cái khi lập gia đình. Nhiều cặp vợ chồng trẻ ra ở riêng chỉ có 2 bàn tay trắng, ruộng nước không có, đất nương thì đã có chủ, muốn có đất chỉ còn cách xâm lấn vào rừng phòng hộ.
Thực trạng trên không riêng ở Tà Chử mà đang hiện hữu ở hầu hết các thôn bản của huyện Trạm Tấu. Trên thực tế, với diện tích tự nhiên trên 74.681 ha, trong đó đất rừng và đất lâm nghiệp chiếm trên 58 nghìn ha, tiềm năng này vẫn chưa được đánh thức. Vẫn có trên 1.200 hộ dân thiếu đất canh tác, không có rừng để bảo vệ, khoanh nuôi. Đất ruộng chỉ tập trung vào một số hộ có điều kiện. Vì vậy, trong huyện có đến 593 hộ không có ruộng nước canh tác, mỗi năm thiếu đói 5 đến 6 tháng trở lên.
Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh đã có chủ trương thu hồi, phân chia lại đất rừng khoanh nuôi tái sinh, đất nương rẫy, vận động nhân dân san sẻ chia ruộng cho người thân trong dòng họ, thông qua Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về sắp xếp, quy hoạch lại đất đai vùng cao. Như vậy, nếu thực hiện tốt thì mọi người dân ở Trạm Tấu đều sẽ có đất sản xuất, giải được bài toán bấy lâu nay làm đau đầu lãnh đạo tỉnh, huyện, làm tiền đề cho việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế của huyện, tỉnh và Trung ương. Chủ trương này đang thí điểm tại hai xã Bản Mù và Trạm Tấu, phấn đấu đến tháng 6 hoàn thành thí điểm và triển khai ra toàn huyện, hết năm 2009 thì hoàn thành.
Quan điểm của người dân
Đồng chí Giàng A Khua - Phó ban Dân vận Huyện ủy Trạm Tấu, cán bộ vừa được tăng cường từ tỉnh lên, cho biết: “Tại Hội nghị già làng, trưởng thôn, trưởng bản toàn huyện được tổ chức mới đây hầu hết đều nhất trí cao với việc phân chia lại đất rừng, đất nương rẫy, ruộng nước theo chủ trương của tỉnh. Riêng với đất ruộng thì khó khăn hơn. Do vậy, chỉ vận động những người có nhiều ruộng chia cho anh em ruột trong dòng họ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để huyện thực hiện vận động trên toàn địa bàn”. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều vấn đề cần thận trọng.
Thôn Tà Sùa xã Bản Công có 72 hộ dân, theo lời trưởng thôn Giàng A Chư thì trước đây nhà nào cũng có ruộng, có nương, nhưng sau này có người vì nghiện thuốc phiện mà bán đi dẫn đến không còn đất. Trưởng thôn Chư trình bày quan điểm: “Với những đối tượng này mình không nhất trí chia ruộng, nương cho được. Hay với những hộ lười lao động cũng vậy, ngày mưa, ngày nắng chỉ ở nhà ngủ, gọi dậy đi làm thì không đi, hoặc chỉ vác cuốc đến nương lại bỏ về, lười thế thì không cho được. Còn việc chia ruộng, chia nương thì chỉ cho anh em, con cháu do bố mẹ đẻ ra thôi, không chia cho người ngoài được”.
Nhà trưởng thôn Chư có 3 ha nương và 7 sào ruộng, mỗi năm chỉ làm ruộng nước và vài mảnh nương là đủ ăn cho cả năm, tuy nhiên với những diện tích nương chưa sử dụng ông cũng không đồng ý chia cho người khác: “Mình phải giữ lại cho con cháu chứ, không sau này chúng lớn lên làm gì có đất nữa!”. Tình trạng bao chiếm đất đai là thực trạng từ nhiều đời nay của người Mông Trạm Tấu. Đất trống tuy nhiều nhưng ở một góc độ nào đó chúng đều đã có chủ, cho dù điều này không đúng với luật pháp. Vì vậy, nếu chưa làm tốt công tác tuyên truyền, thông tư tưởng cho người dân thì việc thu hồi giao lại đất đai sẽ nảy sinh nhiều bức xúc.
Có đất sản xuất, gia đình cụ Hà A Sang xã Bản Công luôn no ấm.
Cần cương quyết, dứt điểm hợp lý
Để hoàn thành mục tiêu hết năm 2009 hoàn thành phân chia lại đất đai, vừa qua, Huyện ủy Trạm Tấu đã tổ chức triển khai thí điểm ở hai xã Bản Mù và Trạm Tấu; hiện đang tiến hành đo đạc xác định diện tích, phấn đấu đến hoàn thành trước tháng 7/2009. Tuy nhiên, mới triển khai thí điểm cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, nếu không làm tốt, làm đúng sẽ ảnh hưởng đến dư luận nhân dân.
Ông Giàng A Hành, xã Trạm Tấu có gần 10 ha đất rừng khoanh nuôi tái sinh, đất nương rẫy, nhiều năm nay ông sử dụng làm bãi chăn thả cho đàn trâu, bò. Cũng nhờ có đất rộng, ông mới có thể phát triển chăn nuôi đại gia súc, vươn lên làm giầu. Tuy nhiên, nếu bây giờ thu hồi chia lại đất thì ông cũng không biết diện tích được chia lại có đủ chăn thả đàn gia súc của mình không.
Trường hợp của ông Hành cũng đang là nỗi lo chung của nhiều hộ đang phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại. Mặt khác, hiện nay nhiều hộ dân đã được UBND huyện Trạm Tấu cấp “sổ đỏ” (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho nhiều diện tích đất lâm nghiệp, trong đó hộ nhiều lên tới 7 ha, việc thu hồi những diện tích đã cấp “sổ đỏ” là rất khó, nếu làm không tốt cũng sẽ lại “bàn ra, tán vào” ảnh hưởng đến việc triển khai toàn huyện sau này.
Việc thực hiện thí điểm ở hai xã Bản Mù và Trạm Tấu mới đang trong giai đoạn đo đạc diện tích, tới đây sẽ thực hiện giao tới từng hộ dân. Do vậy thực hiện như thế nào cho hợp lý, đảm bảo mục tiêu của Nghị quyết 06 nhưng phải gắn liền với lợi ích của những người từ bao đời nay gắn bó với mảnh đất của mình là vấn đề cần được nghiên cứu, quan tâm.
Anh Dũng
Các tin khác
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 15.6 tới, các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước và Luật Hợp tác xã, hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng sẽ được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe (bao gồm cả khu bán vé, khu quản lý điều hành, khu phục vụ công cộng).
Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp ngăn ngừa hiện tượng “lách luật” trong việc nhập khẩu thép hợp kim chứa nguyên tố Bo.
Về việc tổng thầu hạng mục công trình cung cấp than, vật liệu rời cho các nhà máy điện, xi măng, phân bón, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Công Thương đánh giá kết quả thực hiện tổng thầu của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam ở Dự án băng tải ống Mạo Khê - Bến Cân khi Dự án hoàn thành và đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đây là hợp đồng mà Công ty thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam tham gia đấu thầu và thắng thầu vào tháng 9/2008.