Những chuyện bi hài
- Cập nhật: Thứ hai, 25/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Thu phí kiểm dịch, cấp biên lai, nghĩa là mặc nhiên cơ quan thú y đã thừa nhận thịt sạch bệnh, bán thịt rong là hợp pháp. Chuyện thật khó tin nhưng nó đã diễn ra từ 2 năm qua và mỗi năm thu vào ngân sách vài chục triệu đồng. Thật bi hài nhưng lại là thượng sách vì không còn cách gì hay hơn.
Bán thịt lợn rong trên phố.
|
Kiểm dịch động vật giết mổ là công việc hết sức quan trọng nhằm phát hiện kịp thời động vật mang bệnh, ngăn lây lan thành dịch bệnh, ảnh hưởng đến sản xuất. Xã hội ngày càng văn minh, chăn nuôi ngày càng phát triển thì công tác kiểm dịch càng trở nên quan trọng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc kiểm dịch động vật giết mổ vẫn là câu chuyện dài và lắm bi hài đang diễn ra trong cuộc sống.
"Hôm nay mổ mấy con, cho mình kiểm tra rồi đóng cái dấu nhé!". Tiếng cán bộ thú y nhỏ nhẹ, niềm nở với mấy chị hàng thịt khi trời vừa mờ sáng. "Sốt ruột! Chưa bán đồng nào đã thấy đến ám quẻ. Lợn không ngon, bán để họ chửi cho à? Đóng dấu thì đóng luôn đi, để người ta còn bán hàng!” - tiếng người bán thịt chanh chua đáp lại. Người cán bộ thú y vẫn nhẫn nại, niềm nở làm công việc của mình rồi lại sang hàng khác. Khi các bà bán thịt pha thịt xong, bán cho tới khi vãn khách, cán bộ thú y mới quay ra thu tiền và viết biên lai.
Người mua thịt có chắc chắn mình mua được thực phẩm sạch bệnh. |
Có thể nói, câu chuyện trên ngày nào cũng diễn ra ở khắp các chợ từ thành phố tỉnh lỵ đến các xã, phường trong toàn tỉnh. Đối với người tiêu dùng, không mấy khi đi chợ mua thị lợn, thị trâu, thịt bò chẳng bao giờ tự hỏi, hay quan tâm đến chuyện thịt mình mua đã được kiểm dịch chưa mà chỉ quan tâm đến thịt tươi hay ôi, giá cả bao nhiêu, cân đủ hay thiếu.
Vậy do đâu mà người tiêu dùng không quan tâm đến cái dấu hình bầu dục, màu tím, đóng vào bì lợn? (dấu kiểm dịch thú y). Lời giải thích chỉ đơn giản là: "Do chất lượng kiểm dịch không tới nơi, tới trốn ". Chị Lê Kim Hoa - phường Nguyễn Thái Học quả quyết: "Cán bộ thú y cầm miếng thịt lên, ngó ngó, phát hiện được mấy bệnh thông thường theo các giác quan còn là may. Thịt bán rong, cán bộ thú y thu phí kiểm dịch theo tháng, khỏi cần biết họ bán thịt gì, lợn ốm hay khoẻ, bệnh dịch dễ lây lan hay bệnh thông thường”.
Vấn đề trên được bà Lê Thị Phúc - Phó trưởng Trạm Thú y thành phố Yên Bái giải thích: "Việc cán bộ thú y kiểm dịch động vật giết mổ bằng cảm quan là đúng sự thật. Làm vậy, thật sự không đảm bảo, nhưng với trình độ, kinh nghiệm của người cán bộ thú y thì từng đó cũng cho phép phát hiện và ngăn chặn những dịch bệnh dễ lây lan, nguy hiểm". "Đúng là có chuyện cán bộ thú y không kiểm dịch những người bán thịt rong nhưng vẫn thu họ 50 hoặc 100 nghìn đồng/tháng" - Bà Phúc cho biết thêm.
Thật đúng là kiểm dịch qua loa, hoặc không kiểm dịch mà vẫn thu tiền thì người bán thịt xem thường công tác kiểm dịch, người tiêu dùng không quan tâm đến thịt mình mua đã được kiểm dịch hay chưa là phải. Khi tìm hiểu cặn kẽ thì thấy rằng, sự việc thật không đơn giản và giải quyết nó thật không dễ. Ở thành phố Yên Bái có cả chục, cả trăm điểm giết mổ. Họ mổ sáng sớm, đêm khuya, có khi giữa buổi, vậy mình làm sao có thể khám lâm sàng trước khi mổ? Chỉ còn cách kiểm dịch theo kiểu "nắm đuôi lợn", nghĩa là khi họ đem bán mới kiểm tra. Mà cách làm này cũng rất khó vì dù sao lợn cũng đem bán rồi. Riêng những người bán thịt rong không có ai, cách gì ngăn cấm được họ.
Thú y thành phố đã từng phối hợp với trật tự đô thị làm rất mạnh, bắt bớ thịt, cân, xe đạp, dao... cả đống về mà cũng chẳng biết giải quyết ra sao? Thêm nữa những người bán thịt này đều có hoàn cảnh khó khăn. Thành phố chẳng còn cách gì hơn là lập danh sách họ lại, đành để họ bán, thu lấy đồng phí, khi dịch bệnh xảy ra thông báo cho họ, cấm họ đi bán thế là hết - một số cán bộ thú y nói".
Thu phí kiểm dịch, cấp biên lai, nghĩa là mặc nhiên cơ quan thú y đã thừa nhận thịt sạch bệnh, bán thịt rong là hợp pháp. Chuyện thật khó tin nhưng nó đã diễn ra từ 2 năm qua và mỗi năm thu vào ngân sách vài chục triệu đồng. Thật bi hài nhưng lại là thượng sách vì không còn cách gì hay hơn.
Bà Lê Thị Phúc - Phó trưởng Trạm Thú y thành phố Yên Bái nói như phân trần: "Cán bộ thú y cũng mong làm tròn bổn phận của mình, chỉ mong thành phố sớm xây dựng những điểm giết mổ tập trung. Chỉ có vậy, việc kiểm dịch mới vào nề nếp”.
Và câu chuyện thịt lợn chưa được kiểm dịch hay kiểm dịch qua loa vẫn được cơ quan thú y thu phí, cấp biên lai và bán vô tư trên thị trường, để người tiêu dùng vẫn vô tư mua thịt mà chẳng biết có dịch bệnh gì hay không ?... còn tiếp diễn mãi.
>>>Công điện của UBND tỉnh Yên Bái /10 người mắc tiêu chảy cấp nghi nhiễm phẩy khuẩn tả / Huyện Văn Chấn: 12 người nhập viện do do tiêu chảy cấp và nghi nhiễm dịch tả / Yên Bái: Nỗ lực ngăn chặn bùng phát tiêu chảy cấp
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Vụ chiêm xuân 2009 là vụ đầu tiên gia đình chị Hà Thị Tân ở tổ 20, phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ -Yên Bái) sử dụng phân viên nén dúi sâu (PVNDS) NK trong thâm canh lúa trên diện tích 2.300m2 (chiếm 70% tổng diện tích lúa chiêm xuân của gia đình).
YBĐT - Vụ xuân 2008 – 2009, Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông thuộc Viện Cây lương thực và Thực phẩm, triển khai mô hình trồng thử nghiệm một số giống lúa mới.
YBĐT - 5 tháng đầu năm 2009, Quỹ Bảo lãnh tín dụng Yên Bái đã bảo lãnh cho 15 khách hàng với doanh số trên 31 tỷ đồng, đạt 41,7% kế hoạch năm 2009. Đến 15/5/2009, số dư cam kết bảo lãnh đạt 63 tỷ đồng, số lượng khách hàng đang được Quỹ cấp bảo lãnh là 27, trong đó có 3 hộ kinh doanh cá thể.
YBĐT - Thực hiện Nghị quyết 30 của Chính phủ về ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, ngành thuế Yên Bái đã triển khai thực hiện các chính sách kích cầu về thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh...