Trấn Yên: Tạo thế chủ động nhất trong phòng chống bão lũ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cô lập, giao thông bị chia cắt, nhiều khu vực không liên lạc được trong nhiều ngày, thiếu nước uống, thiếu lương thực... đó là tình trạng xảy ra tại huyện Trấn Yên (Yên Bái) trong đợt lũ lịch sử tháng 8 năm 2008. Tránh tình trạng bị động, năm 2009, Ban chỉ huy phòng chống bão lũ (PCBL) huyện Trấn Yên đã chuẩn bị nhiều phương án hành động nắm hoàn toàn quyền chủ động trong công tác chỉ đạo, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra lũ lớn.

Ban chỉ huy Quân sự huyện Trấn Yên thường xuyên kiểm tra trang thiết bị phục vụ PCBL.
Ban chỉ huy Quân sự huyện Trấn Yên thường xuyên kiểm tra trang thiết bị phục vụ PCBL.

Năm 2008, cơn bão số 4 đã cô lập phần lớn diện tích huyện Trấn Yên  dọc theo sông Hồng với các địa phương khác. Trong huyện cũng có nhiều xã bị cô lập không thể liên lạc được với bên ngoài. Chính vì vậy, Ban chỉ huy PCBL huyện không thể nắm được tình hình cụ thể ở các khu vực để có những chỉ đạo tiếp tế hay tìm kiếm cứu nạn. Rút kinh nghiệm, năm 2009 Trấn Yên đã lập kế hoạch cụ thể để đối phó nếu xảy ra tình trạng chia cắt.

Bà Nguyễn Thị Huấn-Chủ tịch UBND, Trưởng Ban PCBL huyện cho biết: “Chúng tôi chia các xã thành 3 khu vực. Khu I gồm các xã: Đào Thịnh, Việt Thành, Báo Đáp; khu vực II gồm các xã bên kia sông Hồng: Minh Tiến, Âu Lâu, Y Can, Quy Mông; và khu vực III là các xã phía hạ huyện gồm: Minh Quân, Bảo Hưng... Tại 3 khu vực này đặt 3 trung tâm điều hành được trang bị đầy đủ về máy phát điện, các phương tiện liên lạc. Nếu có thông báo nguy cơ xảy ra lũ thì các thành viên trong Ban PCBL  huyện sẽ xuống trực tiếp các khu vực trên để chỉ đạo thống nhất theo kế hoạch chung”.

Năm 2009, nhiều tuyến đê xung yếu cũng đã được gia cố lại. Toàn huyện có 6 tuyến đê chính với chiều dài trên 4 km, trong đó có nhiều đoạn xung yếu tại các xã: Việt Thành, Minh Quán, Minh Quân, Cổ Phúc đã được gia cố thêm lên cốt 33 đến 35,7. Tuy nhiên, nếu với mức nước như đợt lũ năm 2008 thì các tuyến đê trên vẫn sẽ bị ngập hoàn toàn. Huyện đã chuẩn bị phương án khi cần thiết sẽ phá đê để đảm bảo an toàn cho các tuyến đê chính. Dẫu vậy, khi thực hiện cần có phương án thông báo tới người dân khu vực ảnh hưởng trước 2-3 giờ để người dân chủ động di dời tài sản và người.

Đợt lũ năm 2008, Trấn Yên đã bỏ qua hàng trăm chiếc thuyền nan của người dân, không huy động vào việc tiếp tế. Vì vậy, trong kế hoạch PCBL năm nay huyện đã thống kê lại toàn bộ số thuyền nan có trong dân, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tham gia, ký cam kết PCBL với các chủ thuyền tham gia PCBL.

Bên cạnh đó, huyện cũng được tăng cường thêm 2 xuồng máy có thể ra được các khu vực nước lớn phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, huyện cũng hình thành các điểm tập kết lương thực, thực phẩm tại các khu vực có nguy cơ bị cô lập, đảm bảo dự trữ đủ lương thực tại chỗ trong 5 ngày.

Công tác PCBL của Trấn Yên vẫn được triển khai theo phương châm 4 tại chỗ. Để làm tốt công tác này, việc chuẩn bị lực lượng là rất quan trọng. Những năm trước đây, khi xảy ra lũ, việc huy động, chỉ huy các lực lượng tại chỗ gặp rất nhiều khó khăn, do thành viên của lực lượng này ở tại xã, bản thân gia đình cũng đang phải đối mặt với lũ.

Do vậy, công tác tìm kiếm cứu nạn, tiếp tế vẫn dựa vào lực lượng quân đội là chính. Khắc phục tình trạng trên, năm 2009, huyện đã thí điểm thành lập tại xã Nga Quán và Quy Mông 2 đội xung kích tham gia công tác PCBL. Các đội xung kích này được tập huấn, trang bị đầy đủ các phương tiện để tham gia tìm kiếm cứu nạn, tiếp tế lương thực...

Mùa mưa bão đã đến, với những kế hoạch cụ thể, chuẩn bị tốt về phương tiện, lực lượng, công tác PCBL ở Trấn Yên sẽ tạo được thế chủ động để có thể ứng phó kịp thời với mọi tình huống xấu nhất có xảy ra.

Anh Dũng

Các tin khác

Ngày 28-5, liên bộ Tài chính – Công thương đã có công văn bác đề nghị tăng giá bán xăng dầu và cho phép tạm dừng trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng dầu hỏa kể từ 0 giờ ngày 29-5. Trước đó, do giá xăng, dầu thế giới tiếp tục có xu hướng tăng, các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối trong nước đã có văn bản đăng ký điều chỉnh giá bán xăng dầu 500 đồng/lít.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt của bà Đặng Thị Hồng Vân, khu I, thị trấn Thác Bà, đang là một trong những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại địa phương.

YBĐT - Trước đây thị trấn Thác Bà (huyện Yên Bình - Yên Bái) luôn gặp khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội. Làm thế nào để nâng cao đời sống cho người dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ đói hộ nghèo? luôn là bài toán khó đối với cấp uỷ, chính quyền thị trấn.

Mục tiêu sản xuất trong nước đáp ứng 20% nguyên liệu cho sản xuất thuốc vào năm 2015, 40% vào 2020 và 70% vào 2025, với cơ cấu nguyên liệu đầy đủ thuốc kháng sinh, vitamin, nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị HIV/AIDS, cai nghiện, điều trị ung thư, tim mạch... - Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có quyết định như trên về quy hoạch phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2025.

Nông dân Mường Lò thu hoạch lúa vụ chiêm xuân năm 2009.

YBĐT - Vụ mùa năm nay, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) phấn đấu gieo cấy 100% diện tích, trong đó các giống chất lượng cao làm hàng hóa chiếm 77% diện tích, các giống khác chỉ chiếm 1% diện tích.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục