EU tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ bảy, 30/5/2009 | 12:00:00 AM

Ngày 29/5, Phái đoàn Uỷ ban châu Âu tại Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp báo công bố “Sách xanh năm 2009” trong đó khẳng định EU tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu và là nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam trong năm 2008.

Ông Sean Doyle, Trưởng Phái đoàn Ủy ban Châu Âu tại Việt Nam, (ngồi giữa, mặc áo trắng) tại cuộc họp báo.
Ông Sean Doyle, Trưởng Phái đoàn Ủy ban Châu Âu tại Việt Nam, (ngồi giữa, mặc áo trắng) tại cuộc họp báo.

Tại cuộc họp báo, ông Sean Doyle, Trưởng Phái đoàn Ủy ban Châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Bản báo cáo của các Tham tán thương mại Liên minh Châu Âu (EU) năm 2009 khẳng định rằng, xét trên cân bằng tổng thể, EU tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong năm 2008. Còn xét về tổng vốn đầu tư vào Việt Nam được giải ngân thì EU là nhà đầu tư lớn thứ 2 sau Nhật Bản. Điều này đã khẳng định cam kết của cộng đồng doanh nghiệp EU với Việt Nam, thậm chí ngay cả vào thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu."

EU là đối tác thương mại lớn nhất

Theo Sách xanh 2009, EU tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ nhất của Việt Nam trong năm 2008. EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiêu thụ khoảng 12,2 tỉ USD hàng xuất khẩu của Việt Nam, vượt cả thị trường Mỹ (nhập khẩu 11,86 tỉ USD hàng từ Việt Nam). Xét tới các hoạt động nhập khẩu, EU chỉ là đối tác lớn thứ tư của Việt Nam (chiếm 7,97% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam) đứng sau ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản. Việt Nam phải chịu thâm hụt thương mại chủ yếu với hai đối tác chính là Trung Quốc và ASEAN (khoảng 11,2 tỉ USD và 9,38 tỉ USD). Ngược lại, quan hệ giữa EU-Việt Nam trên quy mô lớn có lợi cho Việt Nam với mức thặng dư thương mại Việt Nam được hưởng khoảng 5,41 tỉ USD.

EU đã nâng cao hơn nữa vai trò đối tác chính của Việt Nam đứng trên giác độ kinh tế: EU không chỉ là đối tác thương mại và nhà đầu tư quan trọng nhất. Đáng lưu ý là hàng hóa EU nhập  từ Việt  Nam tiếp tục tập trung vào những sản phẩm thâm dụng lao động, hầu hết các sản phẩm này đều có tăng trưởng mạnh (về xuất khẩu sang EU). Giày dép tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất giữa hai thị trường này (hơn 2 tỉ USD, tăng 6,4% so với năm 2007) bất chấp các mức thuế chống bán phá giá. Theo ông Doyle, những con số này đã chứng tỏ các mặt hàng giày dép Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. Những ngành hàng khác cũng tiếp tục theo kịp với mức tăng đầy lạc quan xét về kim ngạch xuất khẩu như dệt may đạt tăng 7,34%; cà phê tăng 1,71%; hải sản tăng gần 18%; và đồ gỗ tăng hơn 2,92%.

Trả lời câu hỏi phóng viên về việc có phải EU không tiếp tục cho mặt hàng giày dép của Việt Nam được hưởng GSP (hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập) là nhằm để thúc đẩy Việt  Nam đàm phán hiệp định thương mại tự do với EU, ông Antonio Barenguer, Tham tán thương mại Phái đoàn EC tại Việt Nam, khẳng định không có sự liên quan gì giữa vấn đề GSP với hiệp định thương mại tự do. Theo ông Antonio, GSP chỉ áp dụng cho các mặt hàng chưa đủ sức cạnh tranh trong khi mặt hàng giày dép của Việt Nam hiện đang có sức cạnh tranh khá tốt.

EU đứng thứ hai về vốn thực hiện

Theo ước tính của Cục Đầu tư Nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EU tiếp tục là nhà đầu tư lớn thứ hai chỉ sau Nhật Bản xét trên tổng vốn FDI giải ngân. Năm 2008, EU đầu tư khoảng 7 tỉ USD vào các dự án FDI ở Việt Nam. Tương tự, EU có tỉ lệ cao nhất xét trên nền tảng cộng dồn mức đầu tư được giải ngân trên mức đầu tư cam kết (EU cam kết đầu tư 11,8 tỉ USD và triển khai giải ngân 7 tỉ USD) – tỉ lệ này cao hơn gấp 4 lần mức trung bình (vốn giải ngân so với vốn cam kết) của cả nước trong năm 2008 (các nhà đầu tư nước ngoài cam kết 64 tỉ USD/giải ngân 11,5 tỉ USD.

Việc tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư của EU vào Việt Nam cao hơn gấp 4 lần mức trung bình đã cho thấy EU triển khai thành công và hữu hiệu các dự án đầu tư vào Việt Nam.

Đề cập đến tỉ lệ giải ngân thấp của các dự án đầu tư vào Việt Nam, theo ông Sean Doyce, để thu hẹp khoảng cách chênh lệch quá lớn giữa con số vốn FDI cam kết và giải ngân, Việt Nam cần tăng cường tính minh bạch, công khai hóa về nền kinh tế, tiếp tục chống lại nạn tham nhũng và quan liêu.

Về tình hình kinh tế Việt Nam, cuốn Sách xanh năm 2009 đã nhận định, năm 2008 nền kinh tế Việt Nam trải qua hai “khủng hoảng” liên tiếp. Trong suốt nửa đầu năm, nền kinh tế Việt Nam phát triển quá nóng gây ra bởi nguồn vốn lớn đổ vào nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng mạnh, lạm phát cao, thâm thủng thương mại lớn. Trong nửa cuối năm, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm cho xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam giảm sút. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã thành công trong kiềm chế lạm phát thông qua chính sách thắt chặt tiền tệ và thắt chặt tài khoá đối phó với tăng trưởng nóng. Kết quả là Việt Nam đã đạt GDP "khá đẹp", ở mức 6,18%, nằm trong số 12 nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong giai đoạn này.

EU đã có một nhận định khá lạc quan về triển vọng nền kinh tế Việt Nam như sau: “Con rồng đã bay chậm lại và chắc chắn sẽ bị tổn thương dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn trong tình trạng sức khỏe hợp lý và EU hoàn toàn tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư."

(Theo VnMedia)

Các tin khác

Bộ NN-PTNT vừa triển khai dự án tiếp thị lâm sản chính của Việt Nam và quản lý rừng bền vững thực hiện tại 5 tỉnh Yên Bái, Quảng Bình, Ninh Thuận, Đắc Lắc, Kontum, bắt đầu từ tháng 6 này đến cuối năm 2011.

Thị trường vàng trong nước hôm nay (29/5) đồng loạt tăng. Giá vàng miếng của Công ty SJC vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội ở mức 20,780 triệu đồng/lượng(mua vào) và 20,850 triệu đồng/lượng(bán ra).

Thi công kiên cố hóa trường học tại Trường tiểu học xã Phình Hồ (Trạm Tấu).

YBĐT - Trong bối cảnh việc làm, thu nhập, đời sống người công nhân còn muôn vàn khó khăn thì nhiều công ty xây dựng trên địa bàn Yên Bái vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn, kể cả chưa qua đào tạo. Công nhân sẽ được bố trí việc làm, thu nhập ổn định, tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm với mức lương từ 1,7 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Đó là những tín hiệu vui ở các đơn vị biết tự chủ, tận dụng cơ hội để vươn lên vì sự phát triển.

YBĐT - Dự án phân viên nén dúi sâu - FDP do tổ chức CODESPA (Tây Ban Nha) tài trợ, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái làm chủ dự án được triển khai từ năm 2007 tại các xã của huyện Lục Yên đến nay đã nhân rộng ra 7/9 huyện, thị, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục