Vốn cho tam nông: Đường đến còn xa!

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/6/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT-Từ ngày 1/5/2009, nông dân được vay vốn ưu đãi 100% lãi suất theo Quyết định 497/QĐ-TTg, ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Vốn sẽ được đưa về để triển khai hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Nông dân rất cần vốn để đầu tư và cơ giới hoá trong sản xuất
Nông dân rất cần vốn để đầu tư và cơ giới hoá trong sản xuất

Theo quyết định, nông dân được vay vốn không lãi suất để mua sắm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp và mua máy vi tính, với thời gian hỗ trợ trong vòng 2 năm. Đối với nguồn vốn vay để làm nhà ở, thời gian hỗ trợ là 12 tháng và được hỗ trợ lãi suất 4%... Với bà con nông dân cả nước nói chung và nông dân Yên Bái nói riêng Quyết định 497 như  “làn gió mát” và tạo nhiều cơ hội cho họ vươn lên trong cuộc sống.

Là một tỉnh miền núi, do vậy Yên Bái có tới 80% dân số đang sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông-lâm nghiệp, kinh tế nông-lâm nghiệp cũng chiếm phần lớn trong tỷ trọng kinh tế địa phương. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng nông nghiệp, nông dân vẫn đang “mò mẫm” trong tiến trình nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Một vấn đề khá quan trọng làm chậm sự phát triển trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân là phần lớn nông dân rất thiếu vốn cho sản xuất, đầu tư sản xuất.

Vốn được “rót” về, cơ hội phát triển mạnh là trong tầm tay, nhưng để đưa vốn về nông thôn và phát huy hiệu quả thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Mặc dù quyết định đã được thực hiện hơn một tháng, nhưng rất ít, nếu như không muốn nói là chưa có một hộ nông dân nào tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng - Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái cho biết: “Ngay sau khi có quyết định, Ngân hàng đã triển khai và thực hiện cho vay trong toàn hệ thống. Ngân hàng đảm bảo đủ nguồn vốn cho vay. Nhưng đến hết ngày 31/5 dư nợ vẫn bằng không”.

Tại sao nông dân Yên Bái lại không mặn mà với nguồn vốn ưu đãi này, hay là không thể tiếp cận nguồn vốn? Qua tìm hiểu được biết, phần lớn nông dân rất muốn được vay nguồn vốn này, nhưng điều chính yếu là họ có đủ điều kiện để vay hay không. Những vướng mắc trong điều kiện vay như thiếu tài sản thế chấp, hoặc đang có dư nợ tại ngân hàng đang là rào cản lớn nhất. Ngân hàng thì thừa vốn! Nhưng phần lớn nông dân đã thế chấp hết tài sản của mình để vay vốn trước đó, giờ muốn vay mới, lãi suất thấp hơn ngân hàng vẫn cho vay, nhưng với điều kiện là phải trả hết nợ cũ.

Những quy định đó cũng hợp tình, hợp lý, tuy nhiên vấn đề tìm nguồn để trả nợ cũ trong thời gian này không phải hộ nào cũng có. Bên cạnh đó, nông dân phải có đề án sản xuất, kinh doanh hiệu quả khi vay vốn để sản xuất. Đề án thì có, nhưng phải khả thi, đối với nông dân lúc bình thường đã khó, huống hồ trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, cùng với nhiều hộ dân vùng Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình vừa trải qua trận lũ lụt năm 2008 quả là rất khó khăn. Một vấn đề không thể không nói tới, là nông dân Yên Bái đang sản xuất trên hàng trăm ngàn mảnh ruộng nhỏ lẻ, việc cơ giới hóa là rất khó khăn.

Từ yếu tố đó, dù có muốn thực hiện cơ giới hóa cũng không thể thực hiện hoàn hảo được. Như vậy có gia đình nông dân nào muốn vay vốn để cơ giới hóa đây. Rõ ràng gói kích cầu cho tam nông là cách làm thích đáng, cả trước mắt và lâu dài. Kích cầu vào tam nông là giải quyết việc làm cho người nông dân, tạo thu nhập, xóa đói giảm nghèo và tạo sức mua lớn. Với một thị trường rộng lớn, hướng về hàng nội địa thì nông thôn là thị trường lớn, giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp trong nước. Đây chính là gói kích cầu giải quyết việc làm và an sinh xã hội đạt hiệu quả nhiều mặt. Nhưng xem ra vốn cho tam nông theo gói kích cầu đường đến còn xa!

Thiết nghĩ tỉnh, ngành Ngân hàng cần có những tháo gỡ khó khăn và cách làm linh hoạt, để nông dân Yên Bái được tiếp cận nguồn vốn này ngày một nhiều và nhanh. Thực ra việc quản lý nguồn vốn vay đối với khách hàng là nông dân không quá khó khăn như với doanh nghiệp. Đối với nông dân, ngân hàng chỉ cần kiểm tra quá trình sử dụng vốn, trên thực tế nông dân chỉ vay để mua vật tư, phân bón… phục vụ cho sản xuất. Chỉ trừ khi thiên tai, dịch bệnh, giá cả bấp bênh làm cho nông dân sản xuất bị lỗ, hụt nguồn vốn trả nợ, còn thường thì đặc tính của nông dân là có vay, có trả.  

Thanh Phúc 

 

 

Các tin khác
Lực lượng kiểm lâm huyện Văn Chấn đi thực tế để kiểm tra công tác bảo vệ và phát triển rừng. (Ảnh: Trường Phong)

YBĐT - Là lực lượng nòng cốt trong lĩnh vực quản lý phát triển rừng, quản lý lâm sản và công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCC), trong những năm qua, Hạt Kiểm lâm Văn Chấn (Yên Bái) luôn làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện về công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Toàn cảnh TPHCM nhìn từ trên cao.

Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong vòng 10-12 năm tới, hệ thống GTVT đường bộ trên cả nước sẽ phải phát triển ở một tầm mức đủ để giải quyết tất cả những vấn đề quan yếu nhất.

Giá bán lẻ xăng A92 vẫn giữ nguyên mức 12.500 đồng/lít.

Từ ngày 5/6, thuế nhập khẩu mặt hàng dầu madút sẽ là 30% thay vì mức 35% như hiện nay.

YBĐT - Dự án Chia Sẻ là dự án do chương trình hợp tác của Chính phủ Thuỵ Điển tài trợ cho Việt Nam. Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cao đời sống cho người dân địa phương một cách bền vững. Đây cũng là điều kiện tốt để hộ nghèo vùng cao, vùng đồng bào dân tộc được tiếp cận trực tiếp với nguồn tài trợ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục