Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hoá: Chủ trương đúng, thực hiện sai

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/7/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Sau hơn một năm thực hiện Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND, ngày 20/5/2008 của UBND tỉnh Yên Bái, ban hành một số chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, trong đó có hỗ trợ về phát triển chăn nuôi hàng hoá, toàn tỉnh đã có 151/173 cơ sở được nhận hỗ trợ từ chính sách trên và đạt 87% kế hoạch.

Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng trang trại, đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân Văn Yên. (Ảnh: Đức Thành)
Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng trang trại, đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân Văn Yên. (Ảnh: Đức Thành)

Trong đó, chăn nuôi lợn 117 cơ sở, chăn nuôi gia cầm 34 cơ sở và tổng số tiền người chăn nuôi đã được nhận là 3,85 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra của Thanh tra Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn hồi tháng 4 năm 2009, số cơ sở đạt các tiêu chí đưa ra theo Quyết định 09 đạt rất thấp, cá biệt có 2 cơ sở đang ngừng chăn nuôi.

Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 09, các địa phương đã nhanh chóng tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến người dân thông qua xã, phường, thị trấn và thôn bản về chính sách và các điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh. Huyện Văn Yên, ngoài chính sách hỗ trợ 30 triệu đồng/1 cơ sở chăn nuôi lợn của tỉnh, còn có quy định về việc xây dựng khu chăn nuôi xa khu dân cư được hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/cơ sở.

Sau hơn một năm triển khai toàn tỉnh đã có 151 cơ sở được nhận hỗ trợ từ chính sách. Tất cả các dự án của các cơ sở chăn nuôi được UBND các huyện phê duyệt đều có cam kết đảm bảo về quy mô diện tích xây dựng chuồng trại và số đầu lợn cũng như vệ sinh môi trường của các cơ sở. Tuy nhiên, đến khi thực hiện công tác nghiệm thu nhiều cơ sở không đạt về quy mô diện tích cũng như vệ sinh môi trường vẫn được công nhận đảm bảo đủ các tiêu chí như dự án đã được phê duyệt và theo quy định của Quyết định số 09.

Cụ thể, trong số 117 cơ sở chăn nuôi lợn thịt, có 18 cơ sở không đủ diện tích 100 m2 chuồng trại. Đặc biệt, có hộ ông Phan Văn Minh ở xã Chấn Thịnh (huyện Văn Chấn) chỉ có 56 m2/100m2 chuồng trại theo quy định; hộ bà Nguyễn Thị Nghĩa ở xã Trúc Lâu (Lục Yên) có 66 m2/100 m2 theo quy định. Ngoài ra, có 14 cơ sở không phải xây mới, 38 cơ sở đã có chỉ cơi nới thêm diện tích và chỉ có 45 cơ sở là xây mới hoàn toàn chuồng trại sau khi có chính sách hỗ trợ.

Đối với các cơ sở chăn nuôi lợn nái, tổng số có 20 cơ sở, tuy nhiên chính sách của tỉnh không quy định rõ diện tích chuồng trại đối với các cơ sở chăn nuôi lợn nái. Qua kiểm tra có 5 cơ sở diện  tích dưới 100 m2; 14 cơ sở xây mới hoàn toàn, 6 cơ sở đã có từ trước khi có dự án. Đối với 34 cơ sở chăn nuôi gia cầm, có tới 13 cơ sở không đạt diện tích trên 125 m2. Đặc biệt, hộ ông Lăng Tiến Phượng ở thị trấn Yên Thế có 60 m2; hộ ông Trịnh Quang Huy cùng ở thị trấn Yên Thế 40 m2; hộ ông Nguyễn Văn Hợp xã Yên Thắng 35 m2; hộ ông Hoàng Thanh Hùng ở xã Minh Xuân cùng ở huyện Lục Yên có 30 m2; hai hộ ở thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) là ông Nguyễn Văn Hải 56 m2, ông Hứa Lai Liên 30 m2.

Về thời điểm xây dựng, có 7 cơ sở đã làm trước khi có dự án, 6 cơ sở cơi nới thêm. Một trong những tiêu chí của dự án để được nhận hỗ trợ là giống lợn phải là giống lai, nhưng có cơ sở sử dụng lợn nội hoặc lợn nái có con trọng lượng nhỏ, chưa đủ tuổi sinh sản vẫn được nghiệm thu... Như vậy, có thế thấy công tác nghiệm thu dự án của các địa phương, đặc biệt là huyện Lục Yên rất thiếu trách nhiệm, các cơ sở không thực hiện đúng với tiêu chí đưa ra theo quy định nhưng vẫn được nghiệm thu và nhận tiền hỗ trợ đầy đủ.

Việc không xây dựng đủ diện tích chuồng trại cũng đã ảnh hưởng đến việc chăn nuôi của các cơ sở và sau khi chăn nuôi lứa đầu tiên nhiều trang trại đã không thể tái đầu tư. Tại thời điểm kiểm tra 4/2009, với 97 trang trại chăn nuôi lợn thịt chỉ có 6 trang trại có đủ số đầu lợn 100 và trên 100 con ; từ 50 đến dưới 100 con có 46 cơ sở; dưới 50 con có 45 cơ sở, trong đó có 4 cơ sở dưới 10 con và 2 cơ sở đang ngừng chăn nuôi.

Qua ý kiến của người chăn nuôi thì cơ bản các hộ đã xuất bán hết lứa 1, trong khi đó giá lợn thịt đang hạ, đầu ra khó tiêu thụ, giá giống và thức ăn cao đã ảnh hưởng đến tâm lý người chăn nuôi nên chưa dám mạnh dạn đầu tư lứa tiếp theo. Có hộ vì thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, không biết cách chăm sóc đàn lợn nên để xảy ra dịch bệnh, chết không bán được, do vậy không còn khả năng tái đầu tư. Có hộ đã sử dụng tiền vào mục đích khác nên cũng không còn khả năng đầu tư tiếp. Việc thất bại của các cơ sở chăn nuôi cũng có nguyên nhân về chất lượng con giống.

Hiện nay, đa số lợn giống được người chăn nuôi mua trôi nổi trên thị trường, không qua kiểm dịch, tiêm phòng, do đó chất lượng con giống thấp, mang mầm bệnh... Trong số 34 cơ sở chăn nuôi gia cầm nhận hỗ trợ từ chính sách của tỉnh thì đến thời điểm 4/2009 cũng chỉ có 8 cơ sở có đủ số lượng gia cầm trên 1.000 con, nhiều hộ chỉ còn vài chục con.

Chính sách của tỉnh về phát triển chăn nuôi hàng hoá được triển khai thực hiện trong năm 2008 bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế, tạo đà cho phong trào chăn nuôi hàng hoá trong tỉnh phát triển. Tuy nhiên, việc nghiệm thu, thanh toán ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, thiếu trách nhiệm. Có cơ sở còn hiểu chưa đúng về quy định, tiêu chí đầu tư hỗ trợ nên việc triển khai chưa đúng với chủ trương của tỉnh và đây là vấn đề các ngành chức năng, các địa phương cần sớm khắc phục để chính sách của tỉnh mang lại hiệu quả cao nhất.

Anh Dũng

Các tin khác

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có văn bản gởi các doanh nghiệp thành viên khuyến cáo về tình trạng một số đại lý kinh doanh thép bán giá “ảo”, cao hơn từ 1 - 1,5 triệu đồng/tấn so với giá xuất xưởng của các công ty sản xuất thép.

Bộ Tài chính vừa đưa ra 2 phương án điều chỉnh thuế suất với một số mặt hàng sữa. Theo đó nhiều khả năng, sữa chưa pha thêm đường và chất tạo ngọt khác, sữa dùng cho y tế có mức thuế suất 5%.

Toàn bộ khách hàng vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo cơ chế cho vay hiện hành đều được hỗ trợ lãi suất theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 14/2009/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành hôm nay 16-7.

Nông dân xã Trạm Tấu gieo cấy lúa mùa.

YBĐT-Xã Trạm Tấu cũng khó khăn như bao xã vùng cao của huyện Trạm Tấu (Yên Bái), song, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã biết phát huy nội lực, tìm hướng đi lên trở thành xã dẫn đầu trong xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục