Phát triển giao thông nông thôn, miền núi: Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về vốn

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/7/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Là tỉnh miền núi, Yên Bái có mạng lưới giao thông nông thôn – miền núi (GTNT - MN) tương đối rộng khắp, với tổng chiều dài trên 5.506 km, mật độ bình quân 125km/km2. Trong đó, đường huyện là 735,9 km, đường xã trên 2.296,8 km, đường thôn, bản là 2.473,5 km.

Dù phân bổ tương đối hợp lý, phù hợp với địa hình, nhưng mạng lưới GTNT - MN của tỉnh chưa hoàn chỉnh về mật độ, cấp hạng kỹ thuật... Đến nay, cấp hạng kỹ thuật đường huyện, xã chủ yếu là đường ô tô cấp A, B với chiều dài 1.935 km, chiếm 63%,8%, đường chưa vào cấp là 1.096,9 km chiếm 36,2%; các tuyến đường đến trung tâm xã mới cơ bản khai thông được nền đường, nhất là tại các xã vùng cao chỉ đi lại trong mùa khô, ách tắc trong mùa mưa lũ. Đường dân sinh, đường thôn, bản chủ yếu vẫn chỉ dành cho người ngựa và xe thô sơ.

Để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI đã đề ra: “phấn đấu  đến 2010 có 70%  mặt đường nông thôn được cứng hoá”.  Để thực hiện mục tiêu này, Yên Bái phải cải tạo, nâng cấp, kiên cố hoá 1.860 km đường huyện, xã; mở mới 360 km đường thôn bản với tổng vốn đầu tư đến 1.550.335 triệu đồng. 

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội, mỗi năm có hàng trăm km đường từ vùng thấp đến vùng cao được mở mới, được nâng cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, do nguồn lực đầu tư hạn chế nên hiệu quả đạt được chưa cao, mục tiêu Nghị quyết đưa ra khó thực hiện nếu chúng ta không có những giải pháp cụ thể về cơ chế chính sách và vốn đầu tư.

Vì vậy, để phát triển mạng lưới GTNT – MN, bên cạnh thực hiện tốt chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tranh thủ nguồn lực trong dân, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc phát triển hạ tầng GTNT – MN ở mỗi địa phương, cần phải sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, vốn ODA, vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế, vốn hỗ trợ ngân sách địa phương...

Để huy động vốn phát triển mạng lưới GTNT – MN, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành công tác xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển GTNT – MN trên địa bàn; hàng năm bố trí một phần ngân sách làm công tác chuẩn bị đầu tư các dự án phù hợp với quy hoạch phát triển GTNT – MN và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương làm cơ sở báo cáo để các Bộ, ngành trung ương hỗ trợ. Mỗi năm, tỉnh cần bố trí nguồn ngân sách và vốn vay tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước để thực hiện chương trình kiên cố hoá đường giao thông nông thôn.

Cùng nguồn vốn ngân sách, để có nguồn vốn xây dựng GTNT – MN, cần huy động sức đóng góp của cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân bằng ngày công lao động, bằng tiền, bằng vật liệu tại địa phương. Trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế – xã hội và điều kiện của mỗi nơi, Đảng bộ, chính quyền địa phương cần có nghị quyết huy động đóng góp xây dựng GTNT - MN. Đối với tuyến đường giao thông có khối lượng lớn, địa hình thi công phức  tạp, tỉnh cần huy động tổng lực các nguồn lực xã hội để tổ chức thực hiện; thực hiện các công trường tập trung với các lực lượng tham gia.

Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, tỉnh nên huy động các doanh nghiệp có năng lực, có kinh nghiệm tổ chức xây dựng các công trình giao thông có phương án tổ chức thi công hợp lý, tiết kiệm, giảm giá thành xây dựng từ 30 - 40% so với dự toán được duyệt. Nên có sự huy động nguồn lực trong các dự án của các nhà đầu tư trên địa bàn, trong đó các dự án đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn phải thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông, tùy dự án có thể bố trí một phần cho các huyện, thị xã, thành phố đầu tư xây dựng tuyến đường.
Trong cơ chế đầu tư, nên tiếp tục duy trì cơ chế 40/60, 50/50 đối với đường đến trung tâm các xã vùng thấp; đối với đường thôn, xóm do địa phương huy động sức đóng góp của nhân dân để đầu tư. Đối với các xã vùng cao, đường đến trung tâm xã và đường nối từ trung tâm xã đến các thôn, bản, cần áp dụng cơ chế 60/40, (Nhà nước hỗ trợ tối đa 60% tổng mức đầu tư, kinh phí còn lại do nhân dân địa phương đóng góp); đường thôn, bản do nhân dân tự đóng góp, Nhà nước hỗ trợ vật liệu, thuốc nổ phá đá và xây dựng công trình thoát nước.

 Đối với các xã đặc biệt khó khăn, ngoài Chương trình 135, vốn trái phiếu Chính phủ..., tỉnh tiếp tục hỗ trợ từ nguồn ngân sách của tỉnh với mức hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư, kinh phí còn lại do địa phương huy động đóng góp của nhân dân. Đường đến thôn bản, tỉnh hỗ trợ vật liệu, thuốc nổ và một phần công.  Trên thực tế từ năm 2008 đến nay, bằng nguồn vốn đặc thù, hỗ trợ mỗi km là 30 triệu đồng, nhiều thôn, bản ở huyện vùng cao Trạm Tấu đã mở đường liên thôn, bản rất tốt.

Giữ vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng cơ sở, GTNT luôn phải đi trước một bước. Vì vậy có giải quyết tốt cơ chế đầu tư cũng như việc huy động vốn, Yên Bái mới thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và hoàn thiện mạng lưới GTNT – MN  phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Lúa mùa ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải đã bén rễ xanh tốt.

YBĐT - Đến giờ phút này, hầu hết diện tích lúa mùa ở huyện Mù Cang Chải đã bén rễ xanh tốt. Dọc theo quốc lộ 32, những thửa ruộng bậc thang ở Nậm Có, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, rồi Khao Mang, Hồ Bốn nối tiếp nhau hứa hẹn vụ lúa mùa bội thu.

YBĐT - Thượng tá Bùi Duy Hiển - Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Yên Bái trả lời phỏng vấn phóng viên Báo YBĐT nhân dịp kỷ niệm một năm thành lập lực lượng cảnh sát môi trường.

Cùng với sự đi lên của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước sáng nay (20.7) đã vượt mức 21 triệu đồng/lượng.

Ngày 17/7, Thống đốc NHNN đã ban hành quyết định về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND đối với tổ chức tín dụng. Với mức giảm 2,4%, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc chỉ còn 1,2%/năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục