Trấn Yên: Cần có giải pháp phát triển nghề dâu tằm

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/7/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nghề dâu tằm đã đứng chân trên đất Trấn Yên gần chục năm nay, nhưng đã có lúc nhiều nông dân chặt bỏ dâu, gác nong tằm từ bỏ nghề dâu tằm do giá cả thất thường. Năm nay, giá kén ổn định và có thời điểm lên tới 55-57 ngàn đồng/kg thì dân lại không có kén bán.

Nông dân Trấn Yên chăm sóc tằm.
Nông dân Trấn Yên chăm sóc tằm.

Sống được với nghề 

 

Nghề dâu tằm ở thôn 8, xã Việt Thành duy trì được cũng nhờ một phần hoạt động hiệu quả của tổ hợp trồng dâu nuôi tằm do bà Đinh Thị Thịnh làm tổ trưởng. Vài năm trước, chứng kiến nhiều hộ phá bỏ dâu, gác nong tằm, bà Thịnh vẫn đứng ra xây dựng tổ hợp, bám trụ với nghề. Bà Thịnh tâm sự: “Chúng tôi đến với nghề trồng dâu, nuôi tằm từ những năm con tằm mới về đất Việt Thành. Nhiều lúc tưởng như không trụ lại được bởi giá cả phập phù nên nhiều người dân trong thôn 8 đã bỏ nghề. Hiện nay, trong thôn cũng chỉ có khoảng 20 nhà còn sống với nghề này. Ơn trời! Năm nay giá kén tăng cao, nuôi tằm có lãi. Mỗi vòng trứng tằm giống có giá 50.000 đồng, sau hơn 20 ngày, trừ mọi khoản chi phí, công lao động cũng thu về gần 1 triệu đồng. Hiện nay, tổ hợp đang nuôi tằm con bán cho bà con trong làng, xã và các vùng lân cận, cuộc sống khá ổn định”.

 

Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết: hiện nay, diện tích trồng dâu của xã Việt Thành là 15,6 ha, giảm sút một nửa so với trước, do giá kén mấy năm trước không ổn định nên nhiều người đào bỏ dâu và trận lũ năm ngoái cuốn đi khá nhiều diện tích dâu. Những nhà nào còn giữ được ruộng dâu thì năm nay đều cho thu nhập khá. Gia đình có nhân lực, cùng diện tích dâu lớn, cho thu từ 50-70 triệu đồng. Thôn 10 của xã có trên 40 hộ thì trên 30 hộ trồng dâu nuôi tằm. Năm nay là năm có giá cao và ổn định nhất từ trước đến giờ và nhiều nông dân tiếc nuối vì khi giá kén tăng cao nhưng lại không có mà bán.

 

Ông Bùi Đức Thái ở thôn 10 xót xa nói: “Năm trước gia đình có gần  một mẫu dâu, vậy mà bị lũ cuốn đi hết, năm nay giá kén cao mà không có dâu để nuôi tằm. Trồng dâu phải mất một đến hai năm mới cho thu hoạch. Với 1 mẫu dâu có thể nuôi được 7 vòng trứng/ trên tháng, mỗi vòng cũng thu 20kg kén bán với giá thị trường hiện nay thu không dưới 7 triệu đồng”.

 

Làm sao giữ được nghề?

 

Nghề dâu tằm ở Trấn Yên bắt đầu từ năm 2001, ban đầu chỉ có một vài hộ nuôi, sau đó phong trào trồng dâu nuôi tằm khá rầm rộ, có những lúc đã lên đến trên trăm ha. Hàng năm, từ nghề này đã cho thu nhập từ 2-3 tỷ đồng. Nhiều hộ đói nghèo đã vươn lên khá, giầu. Thu nhập bình quân 1 ha dâu từ 80-120 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế là khá rõ, nhưng đã qua gần 10 năm nhưng nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Trấn Yên vẫn không thể phát triển được. Thậm chí, diện tích trồng dâu còn chưa đầy 68 ha, tập trung ở xã: Tân Đồng, Việt Thành.

 

Ông Nguyễn Thành Lê - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trấn Yên cho biết: những người còn gắn bó với nghề đều cho rằng đây là nghề cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay, toàn bộ số kén sản xuất ra đều được tiêu thụ tại chỗ và có 4 hộ thu mua kén của nhân dân. Các hộ thu mua kén, cung ứng trứng, thuốc phòng bệnh rồi trực tiếp thu mua sản phẩm cho dân. Vì vậy, không xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán và nhận định giá kén của vụ tằm này còn có thể lên cao nữa. Chủ trương của huyện là vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu và đến thời điểm đầu tháng 7 đã nhập về 5 kg giống và đang tiến hành giao cho nhân dân để ươm giống.

 

Ông Nguyễn Thế Ngữ ở thôn 10 xã Việt Thành cho biết, từ trồng dâu nuôi tằm, mỗi năm gia đình thu về từ 24-28 triệu đồng. Thực tế, nghề trồng dâu nuôi tằm cho giá trị kinh tế cao gấp 2-3 lần trồng lúa. Nhưng đến nay nghề này vẫn chưa thể phát triển được và nguyên nhân chính vẫn là do thị trường không ổn định. Cùng với đó là sự cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp, các hộ tư thương và hậu quả người dân gánh chịu. Nhưng một lý do nữa khiến người dân chưa mặn mà với cây dâu, con tằm là thiếu kỹ thuật dẫn đến năng suất thấp.

 

Rõ ràng việc trồng dâu, nuôi tằm là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng muốn giữ và phát triển để trở thành một ngành kinh tế  mũi nhọn, xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn thì Trấn Yên cần phải có quy hoạch cụ thể, diện tích trồng phải liền ô, liền thửa tiện cho chăm sóc và thu hoạch. Huyện cần có chính sách hỗ trợ người trồng dâu và tổ chức tìm đầu ra cho sản phẩm; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Chỉ khi nào người dân có kỹ thuật và có  đầu ra cho sản phẩm được ổn định và giá cả hợp lý thì nghề trồng dâu nuôi tằm mới phát triển được.

 

Văn Thông

Các tin khác

YBĐT - Nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, vài năm trở lại đây, bên cạnh việc không ngừng nỗ lực chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, cấp ủy, chính quyền xã Xuân Lai, huyện Yên Bình (Yên Bái) còn tích cực vận động bà con tận dụng tối đa diện tích đất trống đồi trọc, đầu tư thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng các loại sản phẩm nông lâm nghiệp

Tính đến giữa tháng 7, Việt Nam xuất khẩu được gần 3,87 triệu tấn gạo, trị giá hơn 1,585 tỷ USD.

Phòng trừ ốc bươu vàng hiện đang là một vấn đề cấp bách trong sản xuất nông nghiệp.

YBĐT - Hiện nay, ở Lục Yên, ốc bươu vàng đang phát triển rất mạnh, nhất là ở các xã: Liễu Đô, Yên Thắng, Minh Xuân, Vĩnh Lạc, Mường Lai và thị trấn Yên Thế.

Nhiều diện tích rừng đã trở thành nương rẫy.

YBĐT - Nhiều năm qua, rừng đã nuôi sống đồng thời là vành đai xanh bảo vệ con người. Tuy nhiên, gần đây, cùng nạn khai thác, buôn bán thì tình trạng xâm chiếm đất rừng để sản xuất ở huyện Văn Yên (Yên Bái) diễn ra gay gắt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục