Chăn nuôi đại gia súc ở Mù Cang Chải: Tập quán kìm hãm sự phát triển
- Cập nhật: Thứ năm, 30/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là một trong 61 huyện nghèo nhất của cả nước, Mù Cang Chải (Yên Bái) có trên 90% là đồng bào Mông, trình độ dân trí không đồng đều; kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ đói nghèo 75,83%, phương thức canh tác lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ mang tính tự cung tự cấp...
Một số hộ dân ở xã Khao Mang đã biết trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc.
|
Đối mặt với thực trạng đó, Đảng bộ huyện xác định, phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hoá là hướng đi trọng tâm để xoá đói giảm nghèo bền vững, từng bước hình thành những trang trại chăn nuôi lớn.
Vì sao chăn nuôi đại gia súc chậm phát triển?
Chúng tôi đến xã Khao Mang vào thời điểm người dân cơ bản đã cấy xong lúa mùa. May mắn đã gặp được ông Vàng A Sàng - người có đàn bò đông nhất của xã Khao Mang. Ông Sàng có gần 30 con trâu, bò, nhưng ở xã và các vùng xung quanh không có bãi chăn thả nào đáp ứng được nên ông phải đem cả đàn sang tận huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) để thả. Thi thoảng lại sang thăm nom, chứ sự sống chết của đàn gia súc như thế nào thì phó mặc cho tự nhiên. Hầu hết những hộ có nhiều bò ở Khao Mang đều phải đem đi nơi khác để thả. Còn đối với những hộ có một vài con thì sau ngày mùa đã đuổi cả lên rừng. Tập quán thả rông gia súc của người dân đã có từ lâu đời, nó đã ăn sâu vào tiềm thức người dân, do vậy có thể lý giải tại sao nhiều năm nay đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ chăn nuôi đầu tư vào đây nhưng hiệu quả không cao?
Hiện nay chăn nuôi đại gia súc của huyện mới chỉ phát triển theo hướng dùng làm sức kéo. Trâu, bò thả rông trên rừng, chỉ ngày mùa mới tìm về cày kéo. Việc thả rông không chăm sóc dẫn đến đàn gia súc bị chết rét, thiếu thức ăn, rơi xuống vực sâu chết. Mù Cang Chải là huyện vùng cao, đất lâm nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhưng bãi chăn thả lại rất thiếu, huyện cũng chưa có quy hoạch tổng thể vùng chăn nuôi tập trung hay có chính sách dành quỹ đất xây dựng bãi chăn thả rộng lớn, đáp ứng nhu cầu chăn thả. Việc trồng cỏ làm thức ăn của các hộ chủ yếu trồng với diện tích nhỏ quanh nhà nên chỉ đáp ứng được thức ăn cho số lượng nhỏ.
Thiếu kiến thức chăn nuôi dẫn đến việc chăm sóc bảo vệ không đảm bảo, người dân chưa quan tâm đến thu gom rơm rạ làm nguồn thức ăn dự trữ cho mùa đông. Thực trạng đó dẫn đến tốc độ phát triển đàn gia súc của huyện trong những năm qua rất chậm. Tổng đàn trâu, bò của huyện năm 2005 là 15.300 con và sau 4 năm chỉ tăng được 2.000 con. Trong số tăng này, hầu hết là do các chương trình như: Chương trình 135, Dự án Chia sẻ, Dự án Giảm nghèo, Dự án Hỗ trợ chăn nuôi trâu bò sinh sản, Dự án Hỗ trợ trâu bò cho hộ nghèo, sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng... còn bản thân người dân chưa phát huy nội lực trong đầu tư để phát triển chăn nuôi.
Chính sách chưa phù hợp!
Theo ông Nguyễn Văn Khánh - Bí thư Huyện uỷ cho biết, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi đại gia súc nói riêng của huyện phát triển chậm vì bên cạnh những lý do khách quan và tập quán của người dân thì nguồn lực cho phát triển chăn nuôi rất thiếu do ngân sách huyện không có. Trong khi các chính sách hỗ trợ của tỉnh người dân vùng cao không đủ điều kiện tiếp cận. Nhiều chính sách như: hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp (năm 2005); chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Quyết định 09 năm 2008... người dân ở Mù Cang Chải không ai đủ điều kiện để tiếp cận với các chính sách trên. Đơn cử như việc hỗ trợ xây dựng trang trại chăn nuôi bò quy mô trên 50 con hỗ trợ 30 triệu; hỗ trợ trang trại lợn thịt trên 100 con 30 triệu theo quyết định 09 năm 2008...
Với những tiêu chí đưa ra của chính sách này người dân ở Mù Cang Chải không thể tiếp cận được, hộ điển hình nhất của huyện cũng chỉ có thể chăn nuôi được 20 con lợn/ lứa, không thể có đủ lực để phát triển thêm. Thực tế năm 2008, huyện cũng không xây dựng được một mô hình nào để nhận sự hỗ trợ từ các chính sách trên. Ông Khánh cho rằng, các chính sách ban hành ra cần phải có quy định về phạm vi áp dụng và có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng và có như vậy, chính sách mới đi được vào đời sống người dân, tránh sự thiệt thòi cho người dân vùng cao.
Giải pháp nào cho ngành chăn nuôi?
Đảng bộ huyện nhận thức được phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá là thế mạnh của huyện và cũng là một giải pháp quan trọng để xoá nghèo bền vững, là một hướng đi tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương. Điều đó được cụ thể hoá bằng Nghị quyết số 04 – NQ/HU về phát triển chăn nuôi giai đoạn 2007-2010 và định hướng tới 2015. Sau 2 năm thực hiện đã góp phần hình thành nên các mô hình chăn nuôi theo hướng phát triển kinh tế hộ, từng bước hình thành thói quen làm chuồng trại, trồng cỏ, dự trữ thức ăn. Bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên về chăn nuôi đại gia súc để tiến tới thay đổi tập quán thả rông gia súc của nhân dân. Tuy nhiên, nghị quyết của huyện vẫn chưa khơi dậy được nội lực trong nhân dân. Người dân chưa có ý thức đầu tư vốn, nhân lực để phát triển chăn nuôi, trong khi đây là yếu tố cần thiết để tạo sức bật cho phát triển chăn nuôi và xoá nghèo bền vững.
Đợt rét đậm kéo dài hơn 40 ngày đầu năm 2008 đã cướp đi của Mù Cang Chải gần 1.500 con trâu bò và thiệt hại đó đến nay vẫn chưa thể phục hồi. Bài học rút ra đã thấm thía với nhiều người.
Ông Giàng A Gi - Bí thư Đảng uỷ xã Khao Mang tâm sự: “Con trâu, con bò đối với đồng bào Mông là cả một gia tài lớn, nhưng người Mông lại không có thói quen dắt trâu theo khi đi làm đồng mà thả rông trên rừng. Nhiều hộ gia đình có trâu, bò bị chết nhiều lần những vẫn không thay đổi. Tính cộng đồng của người Mông rất cao và nhìn nhau làm, nhìn nhau sống. Do vậy, để người Mông có cuộc sống tốt hơn, mình luôn là người đi trước làm mọi thứ và có như thế mới vận động đồng bào làm theo được và thực tế nhiều người đã theo mình trồng cỏ, làm chuồng để nhốt gia súc”.
Tâm sự của ông Gi cho thấy, thay đổi tập quán thả rông gia súc cho đồng bào là có thể làm được việc cần làm là phải xây dựng mô hình; cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu thực hiện. Thay đổi tập quán chăn thả, khơi dậy nội lực trong nhân dân để phát triển chăn nuôi là điều kiện quan trọng để Mù Cang Chải xoá nghèo bền vững. Làm được điều đó, huyện cần có những giải pháp mạnh hơn, đi sâu vào bản chất, chỉ đạo có trọng tâm trọng điểm, sớm có quy hoạch chi tiết phát triển ngành chăn nuôi để có những phương án đầu tư tốt hơn.
Anh Dũng
Các tin khác
Sáng nay (29/7), giá vàng miếng trong nước giảm thêm 5.000 đồng/chỉ xuống mức 2,105 triệu đồng/chỉ. Giá giảm, sức mua được cải thiện nhưng nhìn chung thị trường khá trầm lắng.
Giá mỗi bình gas 12kg của Saigon Petro và Vinagas sẽ giảm 4.000 đồng, còn 208.000 đồng kể từ hôm nay, 30-7. Nguyên nhân vẫn là do giá thế giới giảm khoảng 15 USD/tấn so với đầu tháng 7.
YBĐT - Tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Yên Bái tăng nhẹ ở mức 0,04% so với tháng 6, nâng mức tăng của 7 tháng đầu năm nay lên 1,29%. Trong tháng chỉ số giá tiêu dùng khu vực nông thôn ở mức 0,05%, tăng cao hơn khu vực thành thị 0,02%.