Doanh nghiệp Việt Nam lạc quan nhất châu Á
- Cập nhật: Thứ năm, 4/2/2010 | 2:07:19 PM
Mức độ lạc quan của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam tăng 10 điểm trong quý 4/2009, đạt mức cao nhất kể từ khi bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính vào quý 4/2008. Chỉ số lạc quan của các doanh nghiệp Việt Nam hiện cao nhất trong khu vực châu Á.
|
Đây là kết quả cuộc khảo sát có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được thực hiện với hơn 6.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại 20 thị trường châu Á, Trung Đông, châu Âu, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh do ngân hàng HSBC tiến hành và công bố ngày 3/2.
Kết quả này cho thấy, chỉ số tin tưởng ở châu Á tăng từ 107 điểm ở quý 2 năm 2009 lên 122 điểm vào quý 4 năm 2009. Trong khi đó, chỉ số tin tưởng của các doanh nghiệp Việt Nam tăng 10 điểm, từ 150 lên 160, là chỉ số lạc quan cao nhất trong khu vực châu Á.
Như vậy, Việt Nam vẫn đứng đầu bảng khảo sát với chỉ số tin tưởng đạt 160 điểm, theo sau là Ấn Độ (132), Trung Hoa đại lục (124) và Singapore (117). Hồng Kông có sự gia tăng cao nhất về chỉ số tin tưởng từ 83 lên 108 điểm, đưa thị trường này từ ngưỡng tiêu cực ở quý 2/2009 trở lại ngưỡng tích cực ở quý 4/2009.
Ông Sandy Flockhart, Chủ tịch Khối dịch vụ tài chính cá nhân và doanh nghiệp HSBC nhận xét “Chỉ số tin tưởng của các DNVVN cho chúng tôi thấy là mức độ lạc quan của họ đã tăng trở lại ngang với mức trước khủng hoảng tài chính. Các DNVVN không chỉ tin tưởng là nền kinh tế địa phương của họ sẽ mạnh mẽ hơn mà họ còn sẵn sàng cho các kế hoạch đầu tư vào kinh doanh và nhân sự của mình".
Trong báo cáo của HSBC, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cũng lạc quan hơn khi nói về kế hoạch đầu tư kinh doanh của mình trong nửa đầu năm 2010. "Hơn một nửa trong số họ (66%) đang lên kế hoạch tăng đầu tư vào các hoạt động kinh doanh, 32% cho biết sẽ duy trì ở mức cũ và chỉ có 1% có kế hoạch cắt giảm đầu tư.
Hơn một nửa doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (54%) cho biết sẽ bắt đầu tuyển dụng lại lao động; 30% doanh nghiệp tăng số nhân viên lên đến 20%; 18% doanh nghiệp tăng nhân sự lên trên 20% và 44% doanh nghiệp sẽ giữ nguyên số nhân viên. Con số các doanh nghiệp vừa và nhỏ lên kế hoạch cắt bớt nhân sự giảm xuống còn 1% (con số quý 2/2009 là 3%).
Cũng theo HSBC, trong cuộc khảo sát lần này, lần đầu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỏi về dự định mở rộng giao thương quốc tế và các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Theo đó, cứ 3 doanh nghiệp Việt Nam được hỏi thì có 2 doanh nghiệp cho biết ở một mức độ nào đó họ cũng có hoạt động kinh doanh quốc tế; 53% doanh nghiệp dự định gia tăng các hoạt động kinh doanh quốc tế vào năm 2011; 19% cho rằng các hoạt động kinh doanh quốc tế của họ sẽ không thay đổi, trong khi 28% cho biết họ không có hoạt động kinh doanh quốc tế và cũng không có dự định phát triển kinh doanh quốc tế trong vòng 2 năm nữa.
Thị trường kinh doanh quốc tế hàng đầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam là Trung Quốc (28%), châu Âu (22%) và Hàn Quốc (22%).
Ông Huỳnh Bửu Quang, Giám đốc toàn quốc Khối dịch vụ tài chính doanh nghiệp HSBC nhận định, kết quả khảo sát này cho thấy phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đều kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi tốt hơn nữa trong 6 tháng tới. "Điều này cũng dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang lên kế hoạch gia tăng nhân sự và vốn đầu tư để chuẩn bị đón đầu các cơ hội kinh doanh mới không chỉ tại Việt Nam mà cả ở nước ngoài," ông Quang nói.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
YBĐT - Ngày 4/2, Ban quản lý Dự án phát triển ngành tre 2 tỉnh Yên Bái Phú Thọ do tổ chức Codespa –Tây Ban Nha và chương trình tre Mê Kông thuộc trung tâm PI đã tổ chức tổng kết 2 năm dự án thực hiện tại Yên Bái.
YBĐT - Ngay sau khi có Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Mù Cang Chải đã sớm tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai và chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện do đồng chí phó bí thư Huyện ủy – chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban.
Bộ Tài chính vừa thẩm thẩm định phương án giá điện do Bộ Công Thương đề xuất. Sau khi xem xét, Bộ này đã đề xuất 2 phương án với mức tăng 10,7% hoặc 6,8% so với giá bình quân năm 2009.
Theo Bộ Công thương, hiện đã có hàng chục tỉnh, thành phố tạm ứng bằng nguồn ngân sách cho doanh nghiệp (DN) dự trữ các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết với tổng số tiền khoảng 949 tỷ đồng. Số kinh phí này sẽ tiếp tục tăng theo tiến độ thực thi của các địa phương còn lại. Sức nóng của thị trường Tết đang lan tỏa mạnh…