Khai thác đá cảnh ở Suối Giàng (Văn Chấn): “Cửa đã đóng nhưng then chưa cài”
- Cập nhật: Thứ năm, 11/3/2010 | 3:34:32 PM
YBĐT - Được phát hiện vào khoảng tháng 6 năm 2007 tại địa bàn thôn Kang Kỷ, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có một loại đá hoa văn dạng vân mây với nhiều mầu sắc hình thù khác nhau. Điểm thứ hai tại thôn Suối Lóp có loại đá mầu xanh đen, vàng xanh…
![]() |
Kiểm tra tình hình khai thác đá cảnh tại thôn Suối Lóp.
|
Đây là 2 loại đá cảnh quý hiếm, giá trị kinh tế cao. Thông tin trên đã đến tai các thương lái tận Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng… tìm đến Suối Giàng, xem đây như một mặt hàng kinh doanh siêu lợi nhuận.
Đường Sơn Thịnh - Suối Giàng những ngày sau tết Nguyên đán trở nên khá vắng vẻ. Sau nhiều lần vòng xe quan sát đá cảnh được bày bán dọc hai bên đường, 13 giờ 30 phút, ngày 3/ 3/ 2010, chúng tôi cùng cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường Văn Chấn Lê Đức Tuấn dừng xe tại trạm chốt tại đầu đường Sơn Thịnh đi Suối Giàng. Vào trong nhà bạt, gọi mãi chẳng ai thưa, lúc này có khá nhiều xe máy, ô tô đi qua. Sau gần 1 giờ đồng hồ mới thấy ông Hoàng Đình Quý, cán bộ đội Quản lý thị trường số 7 được phân công trực ca xuất hiện. 15 phút sau ông Phạm Quốc Huy, cán bộ đội Cảnh sát hỗ trợ tư pháp Công an huyện mới đến.
Hỏi về việc bỏ trạm không trực đúng theo quy định của huyện 24/24 giờ cả hai cán bộ trên đều quanh co, đưa ra lý do: Tranh thủ về nhà ăn cơm trưa, hôm qua thức suốt đêm trực mệt quá, ở trong nhà bạt nóng không ngủ được, đành nằm nhờ bên nhà dân… Rời trạm Sơn Thịnh, chúng tôi ngược 7 km đường Suối Giàng và rẽ vào 4 km đường đất đi Suối Lóp. Chủ tịch UBND xã Suối Giàng - Giàng A Đằng, cùng Lờ A Vang - xã đội phó và 2 công an viên đang nằm tại điểm chốt mới được dựng từ trước tết Nguyên đán.
Đá cảnh bị thu giữ tập kết tại UBND huyện.
Chủ tịch Đằng thông báo tình hình Suối Lóp, điểm được phân công phụ trách: Vào thời điểm tháng 8 đến giáp tết Nguyên đán vừa qua, tình hình khai thác, vận chuyển đá cảnh ở Suối Lóp trở nên nóng bỏng. Trước thực trạng trên, huyện đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, có thời điểm lên tới trên 50 người gồm các lực lượng: công an, quân đội, quản lý thị trường… về kiểm tra xử lý, tịch thu khoáng sản trái phép, rỡ bỏ các lều lán được dựng lên để thu gom tập kết đá. Hiện nay, tình hình Suối Lóp đã được ổn định. Suối Giàng có 8 thôn, bản thì 2 thôn có đá cảnh là Kang Kỷ và Suối Lóp. Trong đó Kang Kỷ chủ yếu là đá vân mây, còn Suối Lóp đa phần đá mầu xanh đen, vàng đen có thể chế biến thành đá mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao. Diện tích hai thôn có đá khoảng 15 km2.
Công văn số 905 ngày 3 tháng 6 năm 2009 của Cục Địa chất - Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường kết luận: “Khu vực Suối Giàng, xác định hai loại khoáng sản đá vôi hoa có cấu tạo mầu sắc sặc sỡ và đá biến mầu lục, cánh ngọc, vàng lục… trên diện tích 15 km2. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, 2 loại đá khoáng sản mỹ nghệ Suối Giàng có quy mô khá lớn, chất lượng tốt, nền sắc hoa văn đẹp, có thể gia công thành sản phẩm có giá trị thương phẩm cao. Hiện nay đá một số nơi đang bị khai thác, ảnh hưởng tới môi trường cảnh quan, kinh tế xã hội, do vậy báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc thăm dò khai thác...”. |
Tìm hiểu về tình trạng khai thác, vận chuyển đá cảnh tại Văn Chấn, ông Vũ Mạnh Thực - Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 7, đơn vị tham gia từ những ngày đầu khi đá cảnh xuất hiện cho biết: “Là lực lượng chính tham gia bắt giữ và xử phạt các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép đá cảnh trên địa bàn, riêng năm 2009, đơn vị đã tiến hành bắt giữ 7 vụ, xử phạt hành chính 17 triệu 500 ngàn đồng, hai tháng đầu năm năm 2010, đã xử lý 14 vụ, tịch thu 76,5 tấn đá cảnh, xử phạt hành chính 3,5 triệu đồng. Điển hình là vụ việc ngày 18 tháng 12 năm 2009, các lực lượng chức năng đã bắt giữ xe ô tô biển kiểm soát 21H - 4465 do Bùi Ngọc Chiến, trú tại xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn điều khiển chở 1 viên đá mầu xanh ngọc có trọng lượng 5 tấn từ Suối Lóp về Sơn Thịnh...”.
Rất khó kiểm soát đá cảnh Suối Giàng bởi địa bàn rộng, nhiều đối tượng dùng xe máy vận chuyển đá theo các đường mòn dân sinh; kinh phí cho việc thuê xe, thuê người bốc đá khi thu giữ được rất tốn kém. Các lực lượng công an, quân đội, mặc dù đã được tăng cường nhưng rất mỏng… Ông Nguyễn Xuân Dư, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo quản lý khoáng sản Văn Chấn cho biết: “Đến thời điểm này, tỉnh, huyện cũng đã ra nhiều quyết định cũng như chỉ đạo các ngành, các xã cùng triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý đá từ gốc, đồng thời tổ chức cho nhân dân ký cam kết không thu gom, mua bán, chế tác đá. Vừa qua, huyện đã thành lập đoàn công tác yêu cầu 20 hộ tại thôn Văn Thi III và 23 hộ Bản Phiềng II xã Sơn Thịnh, kê khai lượng đá cảnh để các ngành chức năng quản lý...”.
Đá cảnh được bày bán tại Bản Phiềng II, xã Sơn Thịnh.
Đá cảnh Suối Giàng là nguồn tài nguyên quý của quốc gia cần có những biện pháp mạnh để quản lý và bảo vệ. Việc khai thác nguồn tài nguyên quý hiếm trên, không ai hết đó là Nhà nước, Tại buổi làm việc mới đây tại huyện Văn Chấn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Xuân Lộc đã nhấn mạnh: “Về quản lý đá mỹ nghệ Suối Giàng, tỉnh sẽ có phương án hợp lý để phát triển khai thác, sau khi có Quyết định quy hoạch chính thức của Chính phủ phê duyệt. Huyện cần tích cực trong công tác quản lý, đặc biệt chú trọng đến vai trò của chính quyền cơ sở.
Mục tiêu lâu dài là gắn kết phát triển du lịch Suối Giàng với phương án khai thác, chế biến đá mỹ nghệ…”. Văn Chấn đã cơ bản kiểm soát được tình trạng khai thác, vận chuyển đá cảnh, song vẫn còn tình trạng: “Cửa đã đóng nhưng then chưa cài” dẫn tới một khối lượng lớn đá cảnh đêm ngày vẫn được đưa ra thị trường như hiện nay.
Thạch Phong
Các tin khác

YBĐT - Mê hoa, cây cảnh từ thủa nhỏ, nhưng mãi đến năm 1978, ông Trần Thế Dũng ở phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) mới bắt tay tìm kiếm, đầu tư vào trồng hoa cây cảnh. Bây giờ trong vườn nhà ông đã có trên 500 giỏ phong lan và hơn 450 loại cây cảnh, có những cây trị giá cả trăm triệu đồng.

YBĐT - Thực tế qua hai vụ thực hiện với diện tích 116,5 ha, năng suất bình quân cả hai vụ ở thị xã Nghĩa Lộ đã đạt gần 13,9 tấn/ha - tăng gần 2 tấn/ha so với cách sử dụng phân thông thường.

YBĐT - Sau một thời gian ngắn triển khai quy hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, huyện Trấn Yên đã có trên 120 ha dâu tập trung nhiều ở các xã như: Việt Thành, Tân Đồng, Đào Thịnh và Quy Mông.