Lục Yên lúa "khát"
- Cập nhật: Thứ sáu, 12/3/2010 | 9:04:16 AM
YBĐT - Đó là một trong những hình ảnh có thể bắt gặp bất cứ lúc nào trên rất nhiều cánh đồng ở Lục Yên trong những ngày này. Người dân phải chờ đợi, tìm mọi cách có thể và mong ngóng từng dòng chảy quý báu...
![]() |
Nhiều diện tích ngô xuân cũng thiếu nước. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
|
Thức đêm cứu lúa
Khoảng 8 giờ tối, chúng tôi có mặt tại cánh đồng của thôn Thoi Xoá, xã Yên Thắng. Ánh sáng loang loáng của những chiếc đèn pin rải rác khắp nơi là cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi. Ông trưởng thôn bảo: "Toàn là những người đi trông nước đấy".
Cũng với chiếc đèn pin trong tay, men theo bờ, chúng tôi đến gần một chiếc đèn gần nhất. Đó là một người đàn ông chừng ngoài 40, một tay cầm đèn, tay kia đang vét từng nắm bùn đắp lên bờ để dòng nước ít ỏi chảy dễ hơn. Hỏi ra mới biết ông tên Hoàng Văn Vui, người thôn này. Ông Vui bảo: "Tôi đã ngồi trực ở đây từ 8 giờ sáng, nhà có tất cả 6 sào ruộng thì chỉ cấy được 3 sào, thế nhưng đến giờ này, không biết 3 sào có trụ được không nữa?".
Rời đám ruộng của ông Vui, chúng tôi chân thấp chân cao lần tới một nơi cách xa chừng 20m nhìn thẳng. Một đám thanh niên khoảng 5, 6 người đang loay hoay thay nhau vặn, gõ một chiếc máy nổ. "Các anh sửa máy à?" - một anh lên tiếng: "Vâng, máy chạy mấy hôm nay rồi chị ạ, cứ từ sáng đến nửa đêm, nó chả hỏng thì sao".
Đó là một trong những hình ảnh có thể bắt gặp bất cứ lúc nào trên rất nhiều cánh đồng ở Lục Yên trong những ngày này. Người dân phải chờ đợi, tìm mọi cách có thể và mong ngóng từng dòng chảy quý báu, những mong cứu vãn cây lúa qua được thời điểm trước mắt để tiếp tục chờ mưa. Ông Hoàng Minh Đạo, người dân ở thôn Đồng Cáy - xã Yên Thắng cho biết: "Tôi đã tháo cạn ao của gia đình rồi, máy bơm của nhà không đủ, tôi cũng phải thuê thêm, mà thuê bây giờ có dễ đâu, nhà nào cũng thuê".
Nỗ lực của chính quyền các cấp
Xã Yên Thắng vụ này gieo cấy 135 ha lúa nước, tuy nhiên từ khi cấy xong đến nay có tới 60% diện tích ở các thôn: Thoi Xóa, Đồng Cáy, Làng Phạ... thường xuyên phải bơm nước tưới, người dân phải mua sắm thêm máy bơm, thuê máy bơm, phải thức đêm cùng lúa để đưa bằng được dòng nước về ruộng nhà mình. Những nơi có thể khắc phục thì nước còn xâm xấp mặt đất, còn nơi không đưa được nước về, ruộng nứt nẻ chân chim, lá chuyển màu vàng, các loại sâu bệnh như: bạc lá, lùn xoắn lá... vì thế càng phát triển mạnh.
Khi hỏi về những hoạt động của chính quyền để cùng nông dân chống hạn, ông Hoàng Xuân Thu - Chủ tịch UBND xã Yên Thắng cho biết: "Chúng tôi đã vận động nhân dân huy động nội lực, sử dụng hợp lý nguồn nước hiện có, áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm, đồng thời xin cấp trên hỗ trợ kinh phí để khơi thông các dòng chảy, nạo vét mương phai...".
Đến nay, toàn huyện đã hoàn tất việc gieo cấy với 3.350 ha và có khoảng 45 ha buộc phải chuyển đổi giống cây trồng, những diện tích cấy sớm hơn, lúa đã bắt đầu đẻ nhánh - là thời điểm rất cần nước. Tuy nhiên trong suốt thời gian qua, trên địa bàn huyện không hề có mưa, khiến cho lượng nước tích trữ càng giảm đi.
Theo thống kê, hiện toàn huyện có khoảng 200 ha lúa bị thiếu nước trầm trọng như: khu vực thôn 10 xã Minh Xuân, thôn Làng Thọc xã Yên Thắng, thôn Thoóc Phưa, Đồng Phú thị trấn Yên Thế... Ngoài các công trình thủy lợi đã hết nước từ trước khi cấy, đến nay, nhiều công trình trữ nước tiếp tục khô cạn, không còn khả năng cung cấp nước tưới như: hồ Phú Yên ở thị trấn Yên Thế, hồ Ngòi Chè ở Minh Xuân...
Bên cạnh đó, những công trình như: đập Nà Cáy (Yên Thắng), đập Tây Sơn (Lâm Thượng), đập Đồng Pha (Minh Xuân) dù còn nước nhưng cũng rất ít và nếu thời gian tới không có mưa thì chắc chắn cũng không thể tiếp tục điều tiết nước. Trước tình hình trên, UBND huyện đã liên tiếp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tích cực đối phó với hạn hán, trong đó nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Ông Hoàng Văn Thon - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Trước hết là các địa phương tiếp tục chỉ đạo và vận động bà con nông dân phát huy nội lực, phấn đấu có nước để giữ lúa. Thứ 2 là chỉ đạo việc sử dụng nguồn nước tưới luân phiên, tưới tiết kiệm. Thứ 3 là ở những diện tích lúa bị hạn mà vẫn có thể đưa nước về được thì cho phép UBND xã sử dụng nguồn cấp bù thủy lợi phí để hỗ trợ cho bà con nông dân phục vụ công tác chống hạn. Ở những diện tích quá lớn, (khoảng 100ha) vẫn có nguồn nước mà nội lực các địa phương không xử lý được thì phải nhanh chóng báo cáo để huyện có giải pháp kịp thời, với phương châm những diện tích đã cấy mà có thể có nước sẽ hỗ trợ nông dân để giữ lúa; các phòng ban khối nông nghiệp sẽ tích cực về địa phương đôn đốc, chỉ đạo, giúp bà con các biện pháp chống hạn".
Lúa ở Lục Yên đang "khát", chính quyền, người dân cũng đang "thức đêm" cùng lúa, những mong khó khăn sẽ qua, hoàn thành sản xuất vụ đông xuân này.
Mai Huyên
Các tin khác
YBĐT - 2 tháng đầu năm 2010, giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) đạt 8 tỷ 120 triệu đồng (bằng 4,9% kế hoạch năm, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2009).
YBĐT - Năm 2010, huyện Trấn Yên (Yên Bái) được giao kế hoạch thu thuế môn bài 240 triệu đồng. Để hoàn thành được chỉ tiêu này đảm bảo thời gian quy định, ngay từ cuối năm 2009, Chi cục Thuế huyện đã tổ chức rà soát lại các tổ chức, cá nhân thuộc diện phải nộp thuế môn bài và tổ chức tuyên truyền, công khai mức thuế đối với từng tổ chức, cá nhân.

Phái đoàn tiền trạm của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã tới Việt Nam để bàn thảo cho việc tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á lần thứ 19 tại TP.HCM trong tháng 6 tới.
Số lượng các vụ kiện chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp và biện pháp tự vệ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới. Đây là nhận định của bà Nguyễn Thị Thu Trang – Hội đồng Tư vấn về phòng vệ thương mại (TRC) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tại hội thảo những diễn tiến mới, tác động và ảnh hưởng của các vụ kiện CBPG liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam tổ chức tại TPHCM vào ngày 11-3.