Suối Giàng: Lời giải nào cho bài toán thoát nghèo?
- Cập nhật: Thứ năm, 20/5/2010 | 2:55:45 PM
YBĐT - Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có loại chè Shan tuyết cổ thụ nổi tiếng với diện tích 340 ha. Mỗi năm thu hoạch trên 500 tấn búp tươi, nhưng đến nay người dân vẫn chưa hết nghèo.
Nông dân xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn) chăm sóc ngô.
|
Đồi chè nối tiếp đồi chè, xanh bạt ngàn nhưng chưa thể mang lại cuộc sống sung túc cho người dân nơi đây bởi một lẽ giá chè quá rẻ. Trung bình 5.000 đồng một cân, tức là phải bán hai cân chè búp tươi người dân nơi đây mới mua được 1 cân gạo, mà chè đâu phải ngày nào cũng có thể thu hái. Nhẩm tính nhanh cũng dễ dàng thấy, 500 tấn chè búp tươi mang lại cho người dân khoảng 2,5 tỷ đồng mỗi năm. Số tiền ấy nếu được chia đều cho 2.500 người dân thì mỗi người sẽ có được khoảng 1 triệu đồng mỗi năm thu nhập từ chè. Điều đó giải thích cho việc, tuy nổi tiếng có loại chè đặc sản “độc nhất vô nhị” nhưng mỏi mắt tìm cũng không có hộ nào giàu ở đất Suối Giàng do chè. Hộ thu được nhiều nhất một năm cũng chỉ được khoảng 10 triệu đồng từ chè, còn hộ ít chỉ được chừng 2 – 3 triệu đồng.
Chè búp tươi được thu mua với giá rẻ như vậy, nhưng ngay dưới xã Sơn Thịnh thì chè khô mang thương hiệu Suối Giàng vẫn được bán với giá trung bình 150.000 đồng/kg. Rõ ràng lợi nhuận đã và đang không thuộc về người chủ cây chè.
Ông Vàng A Giao – Phó chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết: “ Những năm qua, xã đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần chè Văn Hưng để bao tiêu sản phẩm cho bà con theo giá thị trường, nhằm tránh tình trạng bị tư thương ép giá. Nhưng mỗi năm, Công ty cũng chỉ tiêu thụ được khoảng 60 – 70 tấn, còn lại phụ thuộc chủ yếu vào các tư thương. Những lúc nhà máy thu mua thì tư thương vào tận nương chè mua với giá cao hơn, nhưng khi nhà máy ngừng mua họ lại ép giá nông dân mua rất rẻ. Chè đã hái người dân không thể không bán”. Rút cuộc chỉ có người dân là chịu thiệt thòi. Chưa thể no đủ với cây chè, người dân Suối Giàng phải trồng thêm nhiều lúa, nhiều ngô để bớt đi cái đói. Trong 5 năm qua, diện tích canh tác của Suối Giàng không ngừng tăng lên từ 20 ha lúa nước lên 68 ha, từ 160 ha ngô lên 270 ha. Nhưng chỉ ngần đó thôi thì chưa đủ để 2.500 nhân khẩu của Suối Giàng đủ ăn. Hàng năm, vẫn còn khoảng 170 hộ phải nhận gạo cứu đói mỗi mùa giáp hạt.
Một thế mạnh mới được khai thác trong những năm gần đây của Suối Giàng là du lịch. Mặc dù có khí hậu mát mẻ do ở độ cao 1.400 mét so với mực nước biển, nhưng mỗi năm nơi đây chỉ đón chưa đầy 20 người khách nước ngoài và gần 1.000 khách trong nước. Ông Vàng A Giao giải thích thêm: “Các công trình phục vụ cho khu du lịch Suối Giàng đang trong quá trình xây dựng. Du khách chưa có nhiều địa điểm để tham quan nên chủ yếu vẫn là tham quan những cây chè cổ thụ. Bên cạnh đó, nghề dệt thổ cẩm làm các đồ lưu niệm cho du khách chưa phát triển do nhận thức của người dân còn hạn chế”.
Những năm qua, Suối Giàng đã nhận được nhiều dự án, chương trình đầu tư của Nhà nước nên giao thông thuận tiện hơn nhiều. Nhưng con đường cho sự thoát nghèo ở Suối Giàng vẫn chưa thực sự rõ ràng, cái nghèo vẫn đeo bám mảnh đất này.
Hồng Khanh
Các tin khác
YBĐT - Quản lý 9 xã vùng thượng huyện Văn Yên (Yên Bái) với 37.000 ha rừng, là một nhiệm vụ gian nan với 16 chiến sỹ thuộc Trạm Kiểm lâm Trái Hút. Khu vực này có diện tích rộng, địa hình đồi núi, nhiều sông, suối, lại giáp danh với tỉnh Lào Cai, đường đi lối lại phức tạp nên việc ngăn chặn vận chuyển lâm sản trái phép trên cả đường sông và đường bộ luôn gặp nhiều khó khăn.
YBĐT - Tân Lĩnh tuy là xã vùng trung tâm huyện Lục Yên (Yên Bái) nhưng 2/3 diện tích đất bằng thuộc vùng thường xuyên bị ngập úng trong mùa mưa, trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào dân tộc ít người còn hạn chế...
Sáng nay (20/5), thị trường vàng trong nước giảm giá 300.000 đồng/lượng. Giá vàng niêm yết tại Công ty Bảo tín Minh Châu, vàng rồng Thăng Long 27,5 triệu đồng/lượng mua vào và 27,6 triệu đồng/lượng bán ra. So với cuối ngày 19/5, giá điều chỉnh giảm từ 80.000 -100.000 đồng và hạ 240.000 đồng/lượng so với đầu ngày 19/5.
YBĐT - Với quết tâm vực dậy vùng chè, tỉnh Yên Bái đã đề ra những giải pháp rất cụ thể là: ổn định diện tích chè hiện có, tích cực đầu tư thâm canh và cải tạo giống chè có chất lượng cao, đáp ứng cho chế biến.