Trồng rừng kinh tế một hướng đi hiệu quả
- Cập nhật: Thứ hai, 4/4/2011 | 2:19:49 PM
YBĐT - Kinh tế vườn rừng là ưu thế nổi trội của tỉnh Yên Bái, trong khoảng 10 năm trở lại đây phong trào trồng rừng kinh tế của tỉnh phát triển khá nhanh và trở thành phong trào rộng khắp từ vùng thấp đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
![]() |
Thầy trò trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Yên Bái trong giờ thực hành sản xuất lâm nghiệp
|
Tháng 3 này là mùa cao điểm nông dân các địa phương tiến hành dọn đất, đào hố ươm cây cho mùa trồng rừng. Từ thị trấn Yên Bình ngược lên các xã ven quốc lộ 70 Tân Hương, Cẩm Ân, Bảo Ái nơi phát triển các mô hình trồng rừng mạnh nhất của huyện Yên Bình, hầu như người dân không có thời gian nhàn nhã ở nhà.
Ông Hoàng Ngọc Thơm - xã Cảm Ân, sở hữu 26 ha đất rừng, trong đó có gần 10 ha keo cho biết: "5 năm trở lại đây khi gỗ rừng trồng lên giá, người dân bắt đầu mặn mà với từng tấc đất. Trước kia Nhà nước giao đất rừng cho chẳng ai quan tâm, giờ thì không còn đất mà nhận, đâu đâu cũng đã được phủ xanh bằng keo, bạch đàn cả rồi".
Ông Nguyễn Thanh Giang - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp cho biết: Trong những năm qua tỉnh vận động nhân dân đẩy mạnh việc trồng rừng, giao đất, giao rừng cho người dân quản lý. Thông qua các chương trình, dự án trồng rừng như: dự án 661, chương trình trồng rừng kinh tế cho các huyện miền Tây... mà diện tích rừng của Yên Bái ngày càng tăng.
Hiện nay việc rà soát quy hoạch 3 loại rừng đã hoàn thành, sau khi rà soát toàn tỉnh có 253.707 ha rừng trồng, toàn bộ diện tích này sẽ tiếp tục được giao cho dân để trồng rừng kinh tế.
Có thể nói trồng rừng và phát triển rừng là lợi thế của tỉnh, công tác trồng rừng đã được các ngành, địa phương chỉ đạo sát sao, việc trồng rừng đã được quy hoạch tập trung thuận lợi cho chăm sóc, quản lý, khai thác.
Mỗi năm toàn tỉnh trồng mới 10.000 ha đến 15.000 ha, trong đó, các giống keo, bạch đàn mô được người dân ưa chuộng nhất bởi hiệu quả kinh tế mà nó mang lại.
Thời gian qua, Chi cục Phát triển Lâm nghiệp đã nhập nhiều giống keo, bạch đàn mới có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu của tỉnh, đặc biệt là giống keo lai.
Chỉ sau 6-7 năm 1 ha keo có thể cho thu từ 70-80 khối gỗ nếu chăm sóc tốt có thể đạt 120 khối, trừ chi phí mỗi ha người dân có thể thu lãi từ 45-50 triệu đồng. Đối với cây bạch đàn mô, tuy có chu kỳ dài hơn cây keo (từ 7-8 năm một chu kỳ) nhưng do có thể tái sinh chồi nên sau khai thác người dân không phải trồng lại.
Kinh tế đồi rừng đã và đang trở thành hướng đi tích cực trong việc xoá đói giảm nghèo cho người dân các dân tộc trong toàn tỉnh.
Hoàng Anh
Các tin khác

Tiếp nối đà giảm cuối tuần qua, giá vàng trong nước sáng 4 - 4, tiếp tục hạ về quanh mức 36,8 triệu đồng/lượng.

Ngày 1-4, nhiều doanh nghiệp sản xuất gas, xi măng, thức ăn chăn nuôi thông báo điều chỉnh giá bán lẻ do tác động của giá thế giới và ảnh hưởng của giá xăng dầu, điện trong nước tăng.

Ngay sau khi có thông tin về việc Toyota Việt Nam (TMV) bị tố sản xuất hàng loạt ô tô kém chất lượng, chiều 1.4, những người có trách nhiệm của TMV đã gặp gỡ báo chí trao đổi về các thông tin liên quan.

YBĐT - Ngày 1/4, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị triển khai phương án bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 trên địa bàn toàn tỉnh.