Niềm vui “Ba xanh” ở Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/9/2012 | 10:02:53 AM

YBĐT - Phong trào “Ba xanh” được phát động và triển khai đã mang lại nhiều ý nghĩa bởi mục tiêu cụ thể, thiết thực với những việc làm gắn liền với đời sống kinh tế - xã hội vùng cao, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng bào Mông xã Kim Nọi trồng ngô vụ thu
Đồng bào Mông xã Kim Nọi trồng ngô vụ thu

Anh cán bộ tên A Trinh công tác ở Phòng Nội vụ huyện Mù Cang Chải nói chuyện rất hóm hỉnh. Anh bảo rằng: “Rừng bây giờ không cháy nhiều, cháy lớn như trước nữa. Bà con người Mông trồng nhiều lúa, nhiều ngô nên phần lớn đã đủ ăn. Trâu, bò vụ rét năm qua chết rất ít.

Riêng cây rau, không những đồng bào trồng đủ ăn mà còn thừa, mang ra bán đầy ngoài chợ huyện”. Rồi A Trinh đưa chúng tôi đến thăm nhà ông Giàng Pàng Nù ở bản Dào Xa, xã Kim Nọi.

Phong trào "Ba xanh" ở Mù Cang Chải

- Xanh rừng: Bảo vệ rừng tự nhiên, phòng chống cháy rừng hiệu quả gắn với trồng rừng kinh tế.

- Xanh đồng ruộng: Đẩy mạnh gieo cấy lúa xuân, trồng ngô trên ruộng một vụ, phát triển ngô đồi thay thế lúa nương mộ.

- Xanh nhà: Tích cực trồng rau xanh các loại và chăn nuôi để cải thiện bữa ăn và tiến tới sản xuất hàng hoá.

Không phải là gia đình tiêu biểu trong phong trào “Ba xanh” nhưng nhà ông Nù hiện giờ có hơn 1 tấn thóc, hơn 1 tấn ngô, 7 con lợn và mấy chục gà, vịt. Ngô, thóc, gà, lợn như vậy là thoải mái cho 5 người ăn đến tận sang năm và tết cổ truyền chắc chắn cũng không phải lo thịt.

Quanh nhà, những giàn bí đỏ quả sai lúc lỉu, hàng chục quả to như cái nồi nằm phơi nắng trên mái nhà và giàn su su vụ trước vẫn chưa lụi đã có một khóm mới được trồng kế bên.

Câu chuyện ấn tượng nhất mà ông Nù kể là ông trồng rất nhiều cỏ voi. Ông đã làm tận ba cái lều lớn để cất trữ rơm khô. Cũng nhờ tích cực chuẩn bị nguồn thức ăn nên con trâu nhà ông thừa thức ăn vào mùa đông, vì thế ông mới mua thêm một con trâu cái nữa.

Đứng ở sân nhà ông nhìn xuống nhà A Páo thấy mảnh đất trước nhà được rào cẩn thận để trồng rau cải cùng một đống ngô hạt rất to mới phơi khô, còn rất nhiều ngô nữa treo bên hiên nhà. Vụ ngô trước vừa kết thúc, A Páo đã trồng vụ ngô mới. Trồng ngô bây giờ thực hiện bằng cuốc hố, bỏ phân, dùng hạt giống màu đỏ - giống ngô lai cho năng suất cao là sự tiến bộ trong canh tác của đồng bào Mông Dào Xa.

Qua thực tế ở cơ sở mới hiểu thêm về niềm vui của đồng chí Ngô Thanh Giang - Bí thư Huyện uỷ Mù Cang Chải: “Đã có sự chuyển biến trong nhận thức của người dân và tuy kết quả còn hạn chế, nhất là sự không đồng đều, không có những mô hình của cá nhân, của thôn bản thực sự tiêu biểu nhưng đó là tín hiệu đáng mừng, là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền huyện tin tưởng vào sự thành công của phong trào “Ba xanh” trong thời gian tới. Vấn đề nằm ở sự quyết tâm của cán bộ lãnh đạo từ huyện đến các xã, thôn”.

Mới đây, UBND huyện Mù Cang Chải đã sơ kết phong trào “Ba xanh”. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo cuộc vận động, phong trào đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân; có 13 xã, thị trấn và 20 cơ quan, đơn vị đã đăng ký tham gia và triển khai đầy đủ các nội dung.

 

Từ mục tiêu mỗi hộ trồng từ 3 - 5 hốc su su và bí đỏ đã giúp người dân có đủ rau ăn.

Mùa khô năm 2011 - 2012, rừng ở Mù Cang Chải đã được hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra; nhiệm vụ bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên ở 5 xã rộng hơn 20.000ha cơ bản giữ vững; gần 1 vạn héc-ta rừng đặc dụng được các hộ dân khoanh nuôi, bảo vệ tốt; Hạt Kiểm lâm huyện tích cực chuẩn bị cho việc trồng rừng năm 2012 với 536 nghìn cây giống, gồm thông và sơn tra, đảm bảo mục tiêu hoàn thành 130% kế hoạch trồng rừng cả năm.

Năm 2012 này, huyện có 1.050ha lúa xuân được gieo cấy, đạt 105% kế hoạch, tăng 350ha so với vụ đông xuân trước; ngô trồng trên chân ruộng một vụ đạt 250ha, riêng ngô đồi trồng được 2.485ha.

Đồng chí Phạm Thị Thuý Hiền - Phó trưởng Ban chỉ đạo phong trào “Ba xanh” huyện Mù Cang Chải chia sẻ: “Vận động bà con làm lúa xuân, trồng ngô trên đất lúa và thay lúa nương bằng cây ngô là một việc làm rất khó, đòi hỏi sự quyết tâm của toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên cùng sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và cần phải có thời gian dài. Có cây lúa xuân, làm đúng cách là có ăn; trồng một bãi ngô nhỏ mà thu lợi còn hơn cả nương lúa lớn đã giúp đồng bào, kể cả cán bộ cơ sở thấy rõ cái đúng, cái lợi để quyết tâm làm”.

Lúa mùa đang chuyển vàng, rừng Mù Cang Chải ngày thêm xanh. Bà con người Mông bày bán đầy rau, củ, quả, gà đen, lợn ở chợ huyện, chợ Ngã ba Kim... Mâm cơm trong mỗi gia đình người Mông nay đã có nhiều rau xanh hơn cùng thức ăn mặn. Có thể vui mừng nói rằng, phong trào “Ba xanh” đã làm nên những đổi thay ấy.

Tấn Đạt

Các tin khác
Dâu tây Đà Lạt.

Theo thông báo của Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam, atiso, hồng và dâu tây Đà Lạt nằm trong Top đặc sản nổi tiếng Việt Nam năm 2012. Thế nhưng, ít người trồng ba loại cây này, thậm chí đang chặt bỏ hàng loạt.

Phủ tạng gia súc bị cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất từ 30/9.

Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã yêu cầu các thương nhân, kể từ ngày 30/9, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng tiêu dùng đã qua sử dụng (kể cả trường hợp đã có giấy phép) và các mặt hàng thực phẩm đông lạnh là phủ tạng, phụ phẩm gia súc; phủ tạng, phụ phẩm gia cầm.

VNPT Yên Bái trao 20 suất học bổng trị giá mỗi suất 500.000 đồng.

YBĐT - Ngày 21, 23/9, VNPT Yên Bái tổ chức chương trình “VNPT - Hành trình vì tiện ích cuộc sống” và trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi tại thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ.

Chế biến ván gỗ tại Công ty cổ phần gỗ Minh Dương, Khu công nghiệp Bắc Chu Lai (Quảng Nam).

Dù kinh tế thế giới suy thoái nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm vẫn tăng 22% so với cùng kỳ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục