Nâng cao chất lượng đàn lợn giống

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/4/2013 | 9:24:19 AM

YBĐT - Những năm trở lại đây, đàn lợn của tỉnh Yên Bái không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, đàn lợn giống cần được tiếp tục đầu tư để có chất lượng tốt và mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Nâng cao chất lượng đàn lợn giống sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong chăn nuôi.
Nâng cao chất lượng đàn lợn giống sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong chăn nuôi.

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi, ông Nguyễn Đức Nguyên ở thôn 2, xã Việt Cường (Trấn Yên) cho biết: “Lợn giống nội có ưu điểm nuôi nhanh lớn, chu kỳ một lứa có thể ngắn hơn. Nhưng lợn giống ngoại lại cho tỷ lệ thịt nạc cao, bao giờ giá bán cũng tốt hơn, dễ tiêu thụ hơn so với lại lợn giống nội. Vì vậy, mấy năm nay, tôi đều nuôi lợn giống ngoại”.

Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của từng địa phương, nhiều hộ chăn nuôi đang đa dạng hóa sản phẩm của mình, từ lợn nạc, lợn hướng nạc, lợn cắp nách như cơ sở chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng ở xã Y Can (Trấn Yên). Gần 200 con lợn của anh được chia thành từng ô, lợn nạc giống ngoại, lợn hướng nạc, lợn rừng…

Hiện nay, các cơ sở cung cấp giống trong tỉnh đã cung cấp được khoảng 70% nhu cầu giống lợn phục vụ cho nhu cầu chăn nuôi của tỉnh. Về quy mô, có 4 cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại với khoảng 1.400 con nái bố mẹ sản xuất 25.000 lợn thương phẩm, phục vụ cho nhu cầu nuôi thịt tại chỗ của cơ sở.

Ngoài ra, có 10 trang trại quy mô trên 20 nái để sản xuất giống lợn siêu nạc trong các nông hộ. Với lợn hướng nạc, đã xây dựng được gần 140 cơ sở với quy mô 20 nái trở lên có khả năng sản xuất khoảng 30.000 đầu lợn giống thương phẩm mỗi năm, còn lại sản xuất tại các nông hộ với quy mô nhỏ từ 1 đến 5 con.

Lợn hướng nạc cơ bản đủ, còn lại giống lợn nạc để phục vụ cho các trang trại chăn nuôi hàng hóa vẫn còn thiếu hụt. Đàn lợn nái hiện có 3 loại chính gồm lợn nái địa phương chiếm 30% tổng đàn nái, chủ yếu tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa; lợn Móng Cái, Lang Hồng chiếm 64% tổng đàn nái, chủ yếu được nuôi tại nông hộ, các trang trại nhỏ tại vùng thấp; lợn nái ngoại và nái lai chỉ chiếm khoảng 6% tổng đàn nái, chủ yếu nuôi tại các cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp, các trang trại vừa và lớn.

Lợn đực giống hiện có 3 loại lợn đực giống được nuôi để phối giống: lợn đực lai phối giống tại vùng thấp, lợn đực địa phương được nuôi tại các xã vùng cao và lợn đực ngoại. Đàn lợn đực lai chủ yếu được nuôi trong các nông hộ, phối giống cho gần 60% số lượng lợn nái tại vùng thấp.

Tuy nhiên, do lợn đực giống có tỷ lệ máu ngoại thấp, không được chọn lọc lại không được chăn nuôi đúng quy trình nên chất lượng con giống sản xuất ra rất thấp, dẫn đến hiệu quả chăn nuôi không cao. Về giống lợn đực ngoại, hiện Trung tâm Giống vật nuôi Yên Bái đã xây dựng được 16 cơ sở truyền tinh nhân tạo trong nông hộ. Các cơ sở này mỗi năm cung ứng và phối giống khoảng 15.000 lượt lợn nái tại vùng thấp, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu.

Điều đó dẫn đến cơ cấu đàn lợn thương phẩm hiện nay là lợn địa phương chiếm 30%, lợn hướng nạc chiếm 60%, lợn nạc chỉ chiếm 10%. Đối với lợn hướng nạc, chủ yếu nuôi tại các trang trại nhỏ, nông hộ và tuy đã được cải tạo một phần nhưng tỷ lệ máu ngoại thấp cho nên khả năng tăng trọng, hiệu quả sử dụng thức ăn và tỷ lệ nạc không cao, chăn nuôi không đạt hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ không ổn định, giá bán thấp. Lợn nạc chủ yếu được nuôi trong các trang trại vừa và lớn, hiện tại cho hiệu quả kinh tế cao do lợn tăng trưởng nhanh, hiệu quả sử dụng thức ăn cao, tỷ lệ nạc cao, thị trường tiêu thụ ổn định, xuất bán cho các thị trường bên ngoài.

Các địa phương vì vậy cần có chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn ngoại. Ví dụ như huyện Văn Yên, giai đoạn 2012 - 2015, huyện sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi hỗn hợp lợn nái - lợn thịt thường xuyên có 5 con lợn nái sinh sản, lợn nái là giống lợn ngoại hoặc lai lợn ngoại.

Về lâu dài, tại các huyện vùng thấp, cần duy trì số lượng các cơ sở chăn nuôi lợn ngoại hiện có, tiến hành nhập thêm một số giống lợn ngoại hậu bị cấp bố mẹ để chủ động cung cấp giống lợn nuôi thịt cho người dân; tăng số lượng và chất lượng đực giống đạt tiêu chuẩn cung cấp tinh cho các cơ sở chăn nuôi lợn nái; khuyến khích các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn nái phát triển, cung cấp giống tại chỗ đảm bảo về chất lượng, an toàn dịch bệnh. Tại các huyện vùng cao, cần duy trì việc chăn nuôi lợn bản địa vì đây là loại lợn cho chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.

Hồng Khanh

 

Các tin khác

Hệ thống kho được xây dựng tại 52 địa điểm thuộc 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TP HCM.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Hà cung ứng bình quân mỗi tháng 30.000 con gà giống ra thị trường.

YBĐT - Mới được thành lập chưa đầy 2 năm nhưng cái tên Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Hà có địa chỉ tại thôn Sơn Bắc, xã Mai Sơn (Lục Yên - Yên Bái) đã được nhiều người biết đến.

Nếu áp thuế TNDN 20%, cộng với phần giảm thu thuế TNCN và ưu đãi thuế thì sẽ có tình trạng giảm thu lớn như vậy.

Đồng chí Dương Văn Tiến - Bí thư Huyện ủy Yên Bình chỉ đạo xã Vũ Linh thực hiện công tác giao rừng, cho thuê đất rừng.

YBĐT - Được chọn cùng xã Y Can (Trấn Yên) tổ chức làm điểm thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê đất rừng gắn với thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2012 - 2015 của HĐND tỉnh Yên Bái, thời gian này, cấp ủy, chính quyền xã Vũ Linh (Yên Bình) tích cực triển khai để đạt mục tiêu Đề án đã đề ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục