Xây dựng nông thôn mới: Hai năm nhìn lại
- Cập nhật: Thứ ba, 23/4/2013 | 9:58:18 AM
YBĐT - Sau hai năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Yên Bái đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, bộ mặt và đời sống người dân khu vực nông thôn từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn có những tồn tại cần khắc phục để thực hiện thành công chương trình.
Hai năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, tỉnh Yên Bái đã xây dựng được 30 mô hình sản xuất tại 29 xã đăng ký đạt chuẩn vào năm 2015. Trong ảnh: Lãnh đạo Hội nông dân huyện Trấn Yên thăm mô hình trồng vải của hội viên nông dân xã Báo Đáp. Ảnh: Linh Chi
|
Sau hai năm triển khai, đến nay, tỉnh đã xây dựng được bộ máy triển khai chương trình từ tỉnh đến cơ sở để chỉ đạo. Việc tham mưu để tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn về chương trình xây dựng NTM trên địa bàn được các cấp, các ngành thực hiện đầy đủ theo đúng trình tự, quy định hiện hành của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan.
Với nội dung “Chung sức xây dựng NTM”, công tác tuyên truyền, vận động được triển khai mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú, từ đó người dân đã từng bước nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của chương trình và vai trò chủ thể của mình và có hành động thiết thực để tham gia vào chương trình.
Cùng việc hoàn thành xây dựng quy hoạch cho 152 xã đảm bảo theo kế hoạch và lộ trình của chương trình đề ra, đến nay có 130/152 xã đã xây dựng xong đề án xây dựng NTM. Bên cạnh đó, công tác đào tạo cán bộ được triển khai, trong hai năm đã có trên 1.000 cán bộ cấp xã được tập huấn các kiến thức về quản lý điều hành chương trình xây dựng NTM, phương pháp xây dựng đề án, quản lý quy hoạch, huy động nguồn lực, quản lý xây dựng cơ bản…
Đặc biệt, việc huy động nguồn lực xây dựng NTM thông qua lồng ghép các chương trình, dự án được làm tốt. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong hai năm, Yên Bái đã huy động khoảng 600 tỷ đồng để thực hiện cứng hóa 62km kênh mương nội đồng, xây dựng 63 công trình văn hóa, 62 công trình thể thao, tổ chức 72 điểm thu gom rác thải…; xây dựng được 30 mô hình sản xuất tại 29 xã đăng ký đạt chuẩn vào năm 2015, trong đó có một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình hỗ trợ trâu cái sinh sản luân chuyển giữa các hộ ở Lục Yên, nuôi cá nheo trong lồng trên hồ Thác Bà, mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ tại Yên Bình…
Trong huy động nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, nổi bật là việc thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn. Khởi động từ đầu năm 2012, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào kiên cố hóa đường giao thông đã phát triển rộng khắp, trong đó không có tuyến đường nào phải thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng mà hoàn toàn do nhân dân tự nguyện hiến đất hoặc phá bỏ tường rào, vật kiến trúc. Kết quả trong một năm đã kiên cố hóa mặt đường bê tông xi măng được 120km và mở mới nền đường liên thôn, bản với chiều dài 346km.
Có thể nói, sau hai năm triển khai thực hiện trên địa bàn các xã đã có những chuyển biến đáng kể, nhất là tại các xã lựa chọn xây dựng điểm và xã đăng ký đạt chuẩn vào năm 2015. Tỷ lệ số xã đạt dưới 5 tiêu chí từ 87,5% giảm xuống còn 67,76%, các xã cơ bản đều tăng được từ 3 – 4 tiêu chí/năm, trong đó có 1 xã đạt chuẩn từ 14 - 18 tiêu chí; 8 xã đạt chuẩn từ 9 – 13 tiêu chí; 40 xã đạt 5 – 8 tiêu chí; 103 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những tồn tại ảnh hưởng đến chương trình đó là: việc gắn kết phối hợp giữa các thành viên của ban chỉ đạo và các ngành chưa được chặt chẽ. Kinh phí dành cho bộ máy chưa đủ, hiện nay mới bố trí kinh phí chỉ đạo cấp huyện, cấp xã chưa có kinh phí hoạt động dẫn đến khó khăn cho quá trình chỉ đạo thực hiện.
Công tác tuyên truyền, vận động đã được đẩy mạnh nhưng chưa sâu rộng và thường xuyên, đặc biệt ở cấp xã nên một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa nắm vững được nội dung, phương pháp xây dựng, thiếu tin tưởng và chưa nỗ lực phấn đấu. Dù đã hoàn thành quy hoạch song tại một số xã chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Việc xây dựng đề án nhìn chung còn chậm, nội dung còn nặng về phát triển cơ sở hạ tầng, thiếu phát triển sản xuất tăng thu nhập, chưa quan tâm công trình cấp thôn, bản. Việc tổ chức thực hiện gắn nội dung đề án hàng năm còn chưa được thực hiện, lúng túng và bị động do thiếu nguồn lực, tình trạng chung vẫn ỷ lại, trông chờ vào vốn ngân sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Công tác đào tạo cán bộ chương trình trên địa bàn đạt thấp, mới đào tạo cho lực lượng 52 xã, dẫn đến cán bộ cấp xã ở nhiều địa phương chưa hiểu nội dung, các bước triển khai và thiếu kiến thức thực hiện. Việc huy động nguồn cho chương trình đạt rất thấp, trong khi đó nhu cầu về nguồn vốn đầu tư cho các xã rất lớn, khoảng 160 – 200 tỷ đồng. Việc thực hiện tiêu chí ở một số xã vẫn còn rất chậm, chủ yếu là những tiêu chí dễ thực hiện và có dự án, có nhiều xã gần như không thay đổi so với thời điểm rà soát, đó là những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Nguyên nhân của tình trạng trên do Yên Bái là tỉnh miền núi, kinh tế còn khó khăn, kết cấu cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, đời sống của bộ phận dân cư nông thôn còn thấp, trong đó nguồn lực đầu tư để xây dựng rất lớn, cộng với khả năng đối ứng của địa phương và nguồn lực đóng góp của nhân dân hạn chế; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục, sát thực dẫn đến nhận thức của cán bộ, nhân dân chưa đầy đủ, tuyên truyền chưa toàn diện, nặng về xây dựng cơ sở hạ tầng; đây là những năm đầu thực hiện nên việc triển khai còn lúng túng, thiếu đồng bộ và quyết liệt, bên cạnh đó nguồn lực bố trí từ ngân sách Trung ương cho chương trình còn thiếu…
Để đạt được mục tiêu phát triển toàn diện, làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp nông thôn cũng như đời sống nông dân, đến hết năm 2015 có 29 xã đạt chuẩn NTM... trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp đó là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân tham gia thực hiện, trong đó người nông dân giữ vai trò chủ thể tự giác thực hiện; tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án, trước mắt ưu tiên hỗ trợ các xã điểm, xã đăng ký đạt chuẩn vào năm 2015; tập trung nguồn lực đầu tư, cải tạo làm chuyển biến một bước hạ tầng cơ bản cấp xã, nhất là giao thông nông thôn; nâng cao chất lượng công tác xây dựng và đào tạo, tập huấn cán bộ phục vụ xây dựng NTM nhất là cán bộ cấp xã; chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các hình thức sản xuất tập thể, đẩy mạnh liên kết sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu, điều kiện từng nơi. Đồng thời cần rà soát lại công tác quy hoạch và lập đề án để đảm bảo quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, kể cả nơi đã phê duyệt quy hoạch đề án để đảm bảo chất lượng.
Cùng với đó là phát triển điểm, triển khai diện rộng, trong đó tập trung vào các nội dung không cần kinh phí đầu tư của Nhà nước như phát triển sản xuất, cải tạo vườn tạp, cải tạo nhà ở, vệ sinh gia đình cũng như nâng cao đời sống văn hóa, xây dựng tình nghĩa xóm làng.
Nguyễn Đình
Các tin khác
9h sáng nay 23/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu lần thứ 10 với khối lượng chào bán 26.000 lượng vàng (tương đương 1 tấn vàng quy chuẩn). Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 41,83 triệu đồng/lượng.
Ngày 22-4, tại tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ đã tham dự và cắt băng khánh thành Nhà máy sữa bột trẻ em Việt Nam thuộc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
YBĐT - Khắc phục những khó khăn và từng bước đưa La Pán Tẩn trở thành xã phát triển kinh tế - xã hội đồng đều, toàn diện.
Kể từ ngày 1/5/2013, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT chính thức ngừng cung cấp dịch vụ điện thoại thẻ CardPhone. Doanh nghiệp sẽ triển khai nhiều ưu đãi để đảm bảo quyền lợi của khách hàng…