Thực trạng và thách thức
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/4/2013 | 10:44:19 AM
Yên Bái là tỉnh miền núi, mức độ tiêu thụ năng lượng không cao. Tuy nhiên, những năm qua, việc sử dụng năng lượng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều lãng phí trong sinh hoạt, sản xuất... đã làm tăng nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Cán bộ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Yên Bái xây dựng Đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm năm 2013.
|
Vì vậy, việc thực hiện chương trình năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ góp phần tích cực cùng với cả nước tiết kiệm nguồn tài nguyên, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giữ gìn môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững cho xã hội.
Theo đánh giá của ngành công thương, trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay có 2 dạng tài nguyên năng lượng gồm tài nguyên không tái tạo, trong đó chủ yếu là than đá, than bùn, than nâu và tài nguyên tái tạo là nước, sức gió, năng lượng mặt trời... Tuy nhiên, mới chỉ có tài nguyên năng lượng nước được khai thác và sử dụng phổ biến.
Cùng với cả nước, Yên Bái thực hiện quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Do vậy, trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp cũng như trong các hoạt động giao thông - vận tải, chiếu sáng, hộ gia đình, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày một tăng.
Trong khi đó, nguồn tài nguyên năng lượng không tái tạo ngày một khan hiếm, còn tài nguyên năng lượng tái tạo chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, trong các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực sự chú trọng, quan tâm tới việc tiết kiệm năng lượng; chưa áp dụng các thiết bị, dây chuyền tiết kiệm điện năng... gây lãng phí, thất thoát, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Dự báo, đến năm 2015, nhu cầu sử dụng điện thương phẩm của tỉnh sẽ là 672 GWh và năm 2020 là 1.194GWh; nhu cầu sử dụng năng lượng than trong giai đoạn 2013 - 2017 sẽ từ 170.000 - 200.000 tấn than/năm, xăng là 214.000 lít/năm, dầu là 20,413 triệu lít/năm. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong điều kiện nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng như hiện nay.
Tiết kiệm điện năng sẽ giúp giảm tải cho ngành điện, giảm nguy cơ cắt điện, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất.
Đứng trước thực trạng này, UBND tỉnh Yên Bái đã xây dựng chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Sở Xây dựng triển khai thực hiện các quy định trong thiết kế và xây dựng các công trình, trụ sở cơ quan Nhà nước theo Quyết định số 40/2005/QĐ-BXD ngày 17/11/2005 về việc ban hành QCXDVN09:2005 "Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả".
Các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố đều đã triển khai và quy định các nội dung tiết kiệm điện trong ngành và địa phương... Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cũng phát hành một số tờ rơi, tờ dán hướng dẫn sử dụng tiết kiệm điện hiệu quả đồng thời tổ chức các hoạt động hướng ứng chiến dịch “Giờ Trái đất” nhằm tuyên truyền, vận động người dân về ý thức tiết kiệm điện, chống biến đổi khí hậu đang diễn ra hiện nay trên toàn cầu.
Đặc biệt, tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu phấn đấu tiết kiệm ít nhất 5% tổng mức năng lượng giai đoạn 2013 - 2017 so với dự báo hiện nay về nhu cầu năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội; tiết kiệm từ 10% - 12% lượng điện năng so với dự báo tại các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước; thay thế từ 5% - 10% các thiết bị lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng bằng các thiết bị mới tiết kiệm năng lượng tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các cơ quan, công sở trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển bình thường; xây dựng mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để áp dụng cho 50% các doanh nghiệp, tòa nhà sử dụng nhiều năng lượng đến cuối năm 2015 và 100% đến cuối năm 2017...
Theo đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Yên Bái (thuộc Sở Công thương), có nhiệm vụ tư vấn các lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để phục vụ các mục tiêu, yêu cầu tiết kiệm...
Ông Hà Minh Tuấn - Phó phòng Tiết kiệm năng lượng cho biết: “Ngay sau khi được thành lập, Phòng đã tiến hành họp, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên đồng thời xây dựng Đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2013”. Giúp người dân hiểu và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến công cũng như Phòng Tiết kiệm năng lượng sẽ tiến hành các hoạt động tuyên truyền, hội thảo về luật, các văn bản dưới luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tư vấn các lĩnh vực sản xuất sạch, vệ sinh công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm; tham gia tư vấn, biên soạn các định chuẩn năng lượng cho các ngành, triển khai công tác kiểm toán năng lượng và các giải pháp tiết kiệm năng lượng...
Với nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao của xã hội hiện nay, việc thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp của các cấp, các ngành, mỗi tổ chức, cá nhân cũng cần phải có ý thức thực hiện tiết kiệm từ những việc đơn giản nhất. Có như vậy, hoạt động này mới thực sự phát huy hiệu quả và tạo hiệu ứng tốt trong toàn xã hội.
Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính - Bộ Công thương số 142/2007/TTLT/BTC-BCT ngày 30/11/2007 hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hướng dẫn thêm một số mức hỗ trợ cụ thể như sau: Về chi xây dựng mô hình: - Đối với mô hình sử dụng tiết kiệm năng lượng trong mỗi hộ gia đình, ngân sách Nhà nước hỗ trợ: 30% chi phí vật tư, thiết bị; trong đó, đối với mô hình 2 đèn compact, bình đun nước bằng năng lượng mặt trời, mức hỗ trợ tối đa không quá 1.350.000 đồng/mô hình; mô hình 2 đèn compact, hầm biogas, mức hỗ trợ không quá 800.000 đồng/mô hình. Riêng đối với hộ nghèo theo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 8/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010, mức ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa bằng hai lần so với qui định trên đây. - Đối với mô hình về quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở các tòa nhà, doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí nhưng tối đa không quá 70 triệu đồng/mô hình. - Dán nhãn các sản phẩm sử dụng tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí nhưng tối đa không quá 60 triệu đồng/doanh nghiệp. |
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Sáng ngày 26/4, Sở Công thương Yên Bái phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) tổ chức lớp tập huấn kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) vào sản xuất kinh doanh cho trên 60 học viên là cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Anheuser-Busch InBev, nổi tiếng với thương hiệu Budweiser, sẽ có mặt tại Việt Nam cuối năm 2014 và xây nhà máy bia tại đây.
YBĐT - Thành lập năm 1969, qua 44 năm xây dựng và trưởng thành, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Yên Bái, tiền thân là Công ty Vật liệu xây dựng Yên Bái đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm.
YBĐT - Trung tâm Kiểm định xây dựng vừa là “trọng tài” cho chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng, vừa giúp cơ quan quản lý nhà nước đánh giá sát thực chất lượng xây dựng, góp phần giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ các công trình xây dựng kém chất lượng.