Tâm sự của những người gác rừng

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/5/2013 | 8:52:22 AM

YBĐT - Chuyện kể về những người gác rừng ở Văn Chấn (Yên Bái) nhiều lắm, đặc biệt là những lần đối diện với hiểm nguy, không biết sống chết sẽ ra sao... Ấy vậy mà những con người ấy vẫn tâm huyết, quyết tâm bám trụ với nghề chỉ bởi một tình yêu lớn đối với rừng.

Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn cùng nhân dân xã Suối Giàng thăm rừng nguyên sinh tại thông Tập Lăng 1.
Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn cùng nhân dân xã Suối Giàng thăm rừng nguyên sinh tại thông Tập Lăng 1.

Gây ấn tượng bởi dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, anh Lê Minh Lâm - cán bộ Trạm Kiểm lâm Bản Dõng thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn không giấu nổi tâm trạng hồi hộp khi kể về kỷ niệm sâu sắc nhất trong nghề từ 3 năm về trước. Lúc đó, anh cùng anh em trong Trạm phối hợp lên dập lửa rừng trong vụ cháy rừng từ Làng Tống, xã Túc Đán (Trạm Tấu) lan sang khu vực rừng già tại thôn Nậm Cài, Tà Lành của xã Nậm Lành.

Đi bộ hàng giờ đồng hồ, lăn lộn 3 ngày 2 đêm, ăn nghỉ tại chính giữa tâm của đám cháy, lương thực thiếu, nguồn nước lại không có, chưa kể sự oi bức, ngột ngạt dưới cái nắng chói chang và ngọn lửa như muốn thiêu đốt hết những vật cản xung quanh vẫn chưa "dọa" được chàng trai trẻ mới bước sang tuổi 26. Vậy mà, trong một tình huống phát bụi nứa để dập đám cháy, Lâm đã bị một cây nứa đâm vào đầu gối, gây tổn thương phần mềm và chảy máu rất nhiều.

Khoe với chúng tôi vết sẹo nhỏ - "thành tích" của kỷ niệm đáng nhớ ấy, Lê Minh Lâm vẫn tươi cười: "Lúc đó, bản thân mình vô cùng lo lắng, công việc vẫn còn nhiều, nước và dụng cụ y tế lại không có trong khi nguy cơ nhiễm trùng vết thương là rất cao. Cũng may là ngay sau đó, đám cháy đã được dập tắt, đích thân Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hợp Đoàn đã đưa tôi đến cơ sở y tế để sát trùng, khâu 3 mũi trên vết thương này".

"Không thể kể hết những kỷ niệm đáng nhớ của anh em trong đơn vị. Nếu ghi vào nhật ký có lẽ chỉ chưa đầy một tháng đã kín một cuốn sổ rồi" - Phó trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bản Dõng Hoàng Thái Học nói vui. Anh Học cho biết, trường hợp của đồng chí Lâm mới chỉ là một tai nạn nhỏ trong nghề. Điều làm cán bộ kiểm lâm đau đầu nhất chính là việc phải thường xuyên nghĩ cách đối phó với lâm tặc.

Quả thật, trong điều kiện thực tế hiện nay, sự liều lĩnh, tinh vi của các đối tượng cộng với việc chúng được trang bị phương tiện, máy móc hiện đại, vũ khí “nóng” chính là cản trở lớn đối với lực lượng kiểm lâm. Trong khi địa bàn hoạt động phủ rộng khắp các xã, thị trấn, trọng tâm là khu vực vùng cao, thượng huyện, khu vực vùng ngoài và một số xã vùng trong giáp ranh với huyện Trạm Tấu. Khó khăn như vậy nhưng chính sự lạc quan đã giúp mỗi cán bộ kiểm lâm Văn Chấn càng yêu ngành, yêu nghề và yêu rừng hơn.

Đồng chí Trần Văn Núi - cán bộ kiểm lâm "lão thành" với 34 năm trong nghề vẫn gắn bó với một chiếc đàn bầu - “người bạn tâm giao” thay cho mái ấm của gia đình trong những ngày công tác.

"Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ vợ con, tôi lại đàn lên một khúc nhạc quê để anh em cùng thưởng thức" - anh Núi tâm sự. Nụ cười và phút trải lòng của anh vẫn không giấu được nỗi niềm riêng của một người cán bộ hết lòng vì công việc khi phải xa quê hương, xa gia đình, mỗi năm chỉ được ở bên người thân trong đợt trả phép. Thế nhưng những lời dạy bảo chân tình của anh vẫn chính là niềm động viên lớn đối với mỗi chiến sỹ kiểm lâm mới bước vào nghề.

 

Trạm Kiểm lâm Bản Dõng tịch thu lâm sản trái phép tại khu vực thượng huyện.

Quay trở về Hạt Kiểm lâm Văn Chấn, đồng chí Vũ Thanh Bình - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn giới thiệu với chúng tôi một trường hợp điển hình trong ngành. Đó là đồng chí Vũ Trọng Huân - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện. Ngày 19/5/2005 - đúng sinh nhật Bác Hồ kính yêu, anh Huân (lúc đó là Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Cầu Gỗ - kiểm soát hoạt động tại khu vực vùng ngoài của huyện) cùng Đội công tác phát hiện và thu giữ một chiếc xe mô tô vận chuyển trái phép lâm sản.

Sau đó, Vũ Mạnh Đ - vốn là đối tượng nghiện hút ma túy có “H” đã đến gây sự ngay tại đơn vị, đòi lấy lại chiếc xe và bất ngờ dùng một chiếc xi lanh có chứa máu của mình đâm vào vai trái anh Huân hòng truyền bệnh trả thù. Lo lắng vì bị nhiễm bệnh thì ít song nỗi lo cho gia đình, cho người vợ mới sinh con chưa đầy năm lại đau đáu trong lòng. Vừa động viên vợ con, anh Huân cố nén lòng, thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành y tế, thường xuyên đến khám, tư vấn và uống thuốc dự phòng phơi nhiễm.

"Chị không thể biết tôi đã nhẹ lòng như thế nào khi đưa cho vợ xem kết quả xét nghiệm công nhận âm tính với HIV/AIDS sau 6 tháng theo dõi, điều trị dự phòng. Cô ấy chỉ òa khóc, ôm tôi và các con vào lòng rồi nói: “Ổn rồi, từ nay, mỗi đêm, em không phải ôm con khóc vì lo lắng nữa!".

Câu chuyện của anh Huân lại khiến tôi liên tưởng đến bộ phim "Khi đàn chim trở về" cách đây hơn 10 năm kể về cuộc chiến cam go, đầy thử thách của những chiến sỹ kiểm lâm với lâm tặc. Là một nghề nguy hiểm như vậy nhưng chỉ vì một vài "con sâu" nhỏ đã làm không ít người hoài nghi, hiểu lầm về công việc của ngành kiểm lâm hiện nay.

Có lẽ, chính sự hiểm nguy ấy đã được anh em trong ngành xác định "sinh nghề tử nghiệp", đã gắn bó với nghề luôn phải xác định cho mình một tương lai sau này. Có lẽ vì vậy nên mặc dù đã nhiều lần bị các đối tượng đe dọa, ném phân, rác bẩn vào nhà, bản thân lại mất 11% sức khỏe do bị lâm tặc tấn công vào một đêm tuần tra, bắt gỗ ở khu vực xã Đồng Khê từ năm 1985 nhưng Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vũ Thanh Bình vẫn giữ nguyên lập trường và bản lĩnh với nghề.

Ông cũng chính là hạt nhân trong việc phát động các phong trào thi đua, động viên anh em cố gắng, cùng gác và giữ bình yên cho mỗi cánh rừng ở Văn Chấn trong điều kiện ngày càng khó khăn như hiện nay.

Chính sự cố gắng đó đã giúp tập thể Hạt Kiểm lâm huyện 5 lần được nhận bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 5 lần được UBND tỉnh Yên Bái tặng bằng khen; nhiều cá nhân và tổ, đội được nhận giấy khen của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và UBND huyện Văn Chấn.

Để rừng Văn Chấn thêm xanh đã và đang là mục tiêu của mỗi cán bộ, chiến sỹ kiểm lâm huyện. Thực hiện mục tiêu này, không chỉ gánh trên vai trách nhiệm giữ bình yên cho những cánh rừng mà mỗi năm, cán bộ kỹ thuật, kiểm lâm địa bàn đã cùng địa phương tuyên truyền, vận động người dân trồng hàng nghìn cây xanh, góp phần nâng diện tích rừng toàn huyện lên 68.849,67ha, tăng hơn 6.000ha so với năm 2007 và nâng độ che phủ rừng lên 57%.

Thanh Huyền

Các tin khác
EVN cần tính toán giá thành sản xuất điện cũng như thực tế vận hành.

Không nêu cụ thể thời điểm, song Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định, đang yêu cầu EVN tính toán giá thành sản xuất và thực tế vận hành kể từ khi giá than cho điện tăng để có lộ trình điều chỉnh.

Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trực tiếp hoặc uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu.

YBĐT - Dự án trồng ớt xuất khẩu đã được thực hiện từ tháng 8/2012, nhằm chuẩn bị cho công tác sơ kết thực hiện dự án trồng ớt xuất khẩu trên địa bàn, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh Ủy, Bí thư Thành ủy Yên Bái, khảo sát tình hình thực hiện dự án trồng ớt xuất khẩu tại xã Âu Lâu, Hợp Minh và Tuy Lộc.

Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

Đề phòng nguy cơ lây nhiễm dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc, Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT phối hợp lên kế hoạch phòng chống, với tổng mức kinh phí dự trù trên 120 triệu USD.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục