Những bất cập trong quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/5/2013 | 10:20:45 AM

YBĐT - Trong thời gian gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nông - lâm và thủy sản bộc lộ nhiều vấn đề cần quan tâm, nhất là việc quản lý từ khâu sản xuất còn rất nhiều khó khăn.

Nông dân xã Tuy lộc (thành phố Yên Bái) sản xuất rau xanh nhưng phần lớn là tự phát, chưa sản xuất rau an toàn.
Nông dân xã Tuy lộc (thành phố Yên Bái) sản xuất rau xanh nhưng phần lớn là tự phát, chưa sản xuất rau an toàn.

Rau có dư lượng thuốc trừ sâu, hoa quả có chất bảo quản gây ung thư, thịt gia súc và gia cầm sử dụng chất kích thích... thường xuyên được các ngành chức năng phát hiện, xử lý. Người tiêu dùng lo âu nhưng dường như việc giám sát, kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ quan, địa phương còn lúng túng.

Theo đánh giá của các ngành chuyên môn, công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và vật tư đầu vào cho sản xuất nông - lâm và thủy sản đã được tăng cường và có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng nông sản, thực phẩm, vật tư nông nghiệp chất lượng kém, độc hại vẫn được lưu hành và sử dụng, gây mất lòng tin, kìm hãm sự phát triển của một nền nông nghiệp an toàn. Năm 2011, trên địa bàn tỉnh xảy ra 22 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 105 người mắc và gây tử vong 2 người; năm 2012, có 19 vụ ngộ độc thực phẩm với 75 ca mắc, không có trường hợp tử vong.

Trong năm 2012, ngành y tế đã kiểm tra 3.803 cơ sở ăn uống, buôn bán thực phẩm và phát hiện 605 cơ sở vi phạm do sử dụng thực phẩm đã hết hạn sử dụng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm chứa vi sinh vật gây hại vượt ngưỡng cho phép. Lực lượng quản lý thị trường xử lý 176 vụ gà nhập lậu, thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc; rượu, nước giải khát, mì chính giả và hàng loạt thực phẩm được cơ quan chức năng phát hiện và lấy mẫu xét nghiệm có chứa chất độc hại vượt ngưỡng cho phép.

Yên Bái có gần 80% dân số sống bằng sản xuất nông - lâm nghiệp và chăn nuôi nhưng chăn nuôi còn nhỏ lẻ, hầu như không tuân thủ từ khâu phòng chống dịch bệnh đến các biện pháp sử dụng phân bón, quy trình kỹ thuật để đảm bảo an toàn sản phẩm nông sản. Không chỉ trong chăn nuôi mà khâu tiêu thụ, giết mổ cũng còn nhiều bất cập. Đến nay, Yên Bái vẫn chưa có một lò giết mổ tập trung nào mà hầu hết là nhỏ lẻ, dẫn tới không kiểm soát được nguồn gốc cũng như không đảm bảo vệ sinh.

Để tăng cường công tác quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản, năm nào ngành nông nghiệp, y tế cũng thành lập các đoàn kiểm tra nhưng kết quả còn có những hạn chế nhất định, chế tài xử lý chưa rõ ràng. Năm 2012, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản đã kiểm tra 38 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh rau và lấy 21 mẫu phân tích, kết quả cho thấy số mẫu có hàm lượng Nitrat còn 57% và 32% số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đối với kiểm tra, đánh giá, phân loại điều kiện đảm bảo chất lượng cơ sở sản xuất, chế biến chè với 106 cơ sở, có 7 cơ sở đạt loại A, chiếm 7,4%; 47 cơ sở loại B, 40 cơ sở loại C.

Theo quy định, cơ sở nào 2 năm liên tiếp xếp loại C thì buộc thu hồi giấy phép kinh doanh, đóng cửa doanh nghiệp để khắc phục nhưng cho đến nay, các cơ sở này vẫn ngang nhiên tồn tại. Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản cũng đã tổ chức kiểm tra nhiều cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cơ sở giết mổ, chăn nuôi lợn, gà...

Kết quả cho thấy vẫn còn khá nhiều các cơ sở chưa đáp ứng được đầy đủ các quy định hiện hành về điều kiện đảm bảo an toàn nông sản. Hầu hết các cơ sở sản xuất chưa áp dụng chương trình quản lý chất lượng GMP, SSOP, HACCP theo quy định. Song song là việc kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, tỉnh đã thành lập Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản nhưng đội ngũ cán bộ cũng như máy móc, thiết bị để phân tích, đánh giá... còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhiệm vụ chuyên môn.

Bên cạnh đó, các địa phương vẫn chưa thật tích cực trong công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản. Việc triển khai hoạt động kiểm tra, phân loại A, B, C và đánh giá mức lỗi theo quy định còn nhiều lúng túng, dẫn đến mới chỉ nhắc nhở, khắc phục chứ chưa xử lý được các trường hợp vi phạm nên thiếu tính răn đe.

Trước những thực trạng, tồn tại này, đã đến lúc chúng ta phải đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm nông - lâm - thủy sản. Trước mắt phải làm quyết liệt việc đánh giá, xếp loại cơ sở sản xuất, kinh doanh, thậm chí công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ sở vi phạm phải được xử lý cương quyết, nghiêm minh.

Song song là đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất rau, chè, chăn nuôi... áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như VietGap, GMP, HACCP. Đặc biệt chú trọng xây dựng các mô hình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc theo chuỗi từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm có nguy cơ cao.

Thanh Phúc

Các tin khác

YBĐT - Hội Nông dân xã Mỹ Gia (Yên Bình) có 207 hội viên, sinh hoạt ở 6 chi hội thôn. Giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, Hội đã làm tốt chức năng là cầu nối cho mọi hoạt động: liên kết “bốn nhà”, tập huấn khoa học kỹ thuật, tạo việc làm… góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

WB hỗ trợ 400 triệu USD cho Việt Nam.

Chiều 14/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký ba thỏa thuận tín dụng với tổng trị giá 400 triệu USD giúp Việt Nam cải cách quản lý kinh tế, hỗ trợ triển khai chương trình Cải cách giáo dục đại học và tăng cường khả năng sẵn sàng đi học của trẻ 5 tuổi.

Dự thảo Nghị định về sản xuất và xuất khẩu cá tra có 5 chương và 17 điều.

YBĐT - Kể từ ngày 13/5, Ngân hàng Cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Yên Bái đã tiến hành giảm lãi suất đồng loạt các khoản vay (cả vay cũ và vay mới) xuống tối đa là 13% năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục