Xây dựng nông thôn mới ở Mù Cang Chải: Những kết quả bước đầu
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/8/2013 | 8:49:18 AM
YBĐT - Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, với phương châm “Phát huy vai trò chủ động của cộng đồng dân cư địa phương là chính”, các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở tổ, thôn bàn bạc và quyết định, sau hơn hai năm triển khai, chương trình đã góp phần tạo ra sự thay đổi rõ nét ở vùng cao Mù Cang Chải.
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Mù Cang Chải.
(Ảnh: Thái Hoàng)
|
Có thể nói, ngay từ đầu chương trình xây dựng NTM đã được Đảng bộ và chính quyền huyện quan tâm thực hiện. Huyện đã bám sát các văn bản hướng dẫn của bộ, ban, ngành và của tỉnh để ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai theo trình tự; thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo và ban quản lý từ huyện đến cơ sở…
Từ đó, chương trình cơ bản đã nhận được sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành trong huyện. Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh làm cán bộ và nhân dân hiểu được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của chương trình.
Việc quy hoạch và xây dựng đề án tại 13 xã sớm được tiến hành. Sau hai năm triển khai, với sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như sự đồng tình tích cực tham gia hưởng ứng của nhân dân, đã có 2 xã đạt 4 tiêu chí là Púng Luông và La Pán Tẩn; 1 xã đạt 3 tiêu chí là Chế Cu Nha; 3 xã đạt 2 tiêu chí là Dế Xu Phình, Nậm Khắt và Hồ Bốn…
Có thể nói, việc triển khai chương trình xây dựng NTM là yếu tố quan trọng để bộ mặt vùng cao Mù Cang Chải có những thay đổi rõ nét. Từ việc phát huy tổng hợp các nguồn lực đầu tư, các xã trong huyện đã tập trung để thực hiện các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, xóa đói giảm nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường… với những kết quả bước đầu đáng phấn khởi.
Trong phát triển mạng lưới giao thông, đến nay huyện đã xây dựng được 94km đường huyện với chiều rộng nền đường từ 4 - 5m và 397km đường liên huyện, liên xã với chiều rộng mặt đường từ 1 - 4m; đã có 8/13 xã có đường bê tông đến trụ sở xã. Riêng năm 2012, toàn huyện đã nâng cấp mở mới 100km đường giao thông nông thôn về thôn, bản với chiều rộng mặt đường từ 3 - 4,25m. 620 công trình thuỷ lợi trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng đảm bảo đủ nước tưới hàng năm cho toàn bộ diện tích gieo cấy lúa 3.745ha và ngô 3.300ha cũng như nhu cầu dân sinh. Từ chương trình đã có 12/13 xã có hệ thống điện lưới quốc gia để sử dụng.
Thực hiện chính sách về nhà ở của Nhà nước cùng sự đóng góp của các nhà tài trợ, số nhà tạm, nhà dột nát giảm nhanh, hiện nay toàn huyện chỉ còn 619 nhà tạm, nhà dột nát. Từ những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và sự vươn lên của đồng bào mà thu nhập bình quân đầu người đã đạt 7,8 triệu đồng/ năm, tăng 2 triệu đồng so với năm 2010 và bình quân mỗi năm huyện giảm được 5% hộ nghèo…
Dù đã đạt được những kết quả rất đáng phấn khởi nhưng quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM ở vùng cao Mù Cang Chải cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Trong đó nổi lên là vấn đề nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và ý nghĩa của chương trình còn hạn chế. Bên cạnh đó do hoạt động kiêm nhiệm nên việc chỉ đạo của các ngành thành viên chưa thường xuyên, liên tục, nhất là cấp xã còn thiếu kinh nghiệm và lúng túng dẫn đến hiệu quả chưa cao…
Để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình NTM, huyện Mù Cang Chải đã tiến hành kiện toàn lại hệ thống quản lý các cấp, trong đó thành lập 3 tiểu ban là: Ban Văn hóa, Kinh tế và thông tin, tuyên truyền, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong các ban nhằm nâng cao tính hiệu quả.
Cùng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Đảng bộ đã quán triệt nhiệm vụ xây dựng NTM tại các chi, Đảng bộ nhằm phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng NTM. Bên cạnh đó, phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò chủ thể của người nông dân theo phương châm, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tổ chức hiệu quả triển khai lồng ghép các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với chương trình xây dựng NTM, nhất là việc lồng ghép các nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất… đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là việc tiếp tục triển khai thực hiện phong trào “3 xanh” và phong trào thi đua “Yên Bái chung tay xây dựng NTM”…
P.V
Các tin khác
YBĐT - Nhãn hiệu tập thể “Gạo Chiêm Hương Đại Phú An - Văn Yên” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận ngày 26/3/2008 và có hiệu lực trong 10 năm. Hội những người trồng và sản xuất gạo Chiêm Hương Đại Phú An - Văn Yên là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể.
Theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ thống nhất sẽ ban hành một Nghị quyết riêng về việc phát hành trái phiếu quốc tế.
Theo Tổng cục Hải quan, ước thu ngân sách 7 tháng của năm 2013 đạt 119.694 tỷ đồng, bằng 50,4% so với dự toán, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2012. Số thu tháng 7 năm 2013 của ngành Hải quan tăng khá, đạt 25.000 tỷ đồng.
YBĐT - Năm 2013, dự toán thu ngân sách của Chi cục Thuế thị xã Nghĩa Lộ được tỉnh giao 22,3 tỷ đồng; HĐND thị xã ra nghị quyết phấn đấu thu 23,5 tỷ đồng.