Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/8/2013 | 2:37:23 PM

YBĐT - Mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn nhưng với sự cố gắng của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành nên hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh vẫn duy trì ổn định, kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ. Tuy nhiên, để đạt được con số 48 triệu USD cho kế hoạch cả năm, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp khai thác, xuất khẩu đá Blok vẫn duy trì tăng trưởng ổn định.
Các doanh nghiệp khai thác, xuất khẩu đá Blok vẫn duy trì tăng trưởng ổn định.

Năm 2013 được xác định là một năm đầy khó khăn với các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu khi thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, sản xuất đình trệ, chi phí đầu vào tăng, giá cả thị trường nhiều biến động... Đứng trước những khó khăn này, các doanh nghiệp đã chủ động có nhiều giải pháp để duy trì và đẩy mạnh sản xuất như: tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xúc tiến thương mại, tìm kiếm bạn hàng, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm...

Bên cạnh đó, các đơn vị, sở, ngành chức năng tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, giải quyết hàng tồn kho, tăng cường xúc tiến thương mại; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại được đẩy mạnh để ổn định vùng nguyên liệu cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp; tăng cường hướng dẫn và làm thủ tục thông quan tại Yên Bái...

Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 26,99 triệu USD, bằng 59,99% kế hoạch, tăng 32,42% so cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu vẫn chủ yếu là các nước: Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Theo đánh giá của Sở Công thương Yên Bái, mặc dù kim ngạch xuất khẩu có mức tăng trưởng khá nhưng phần lớn là xuất khẩu sản phẩm thô chưa qua chế biến sâu, giá thành sản phẩm thấp. Điều này bắt nguồn từ việc đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu Yên Bái có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, chưa có điều kiện đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại; thị trường xuất khẩu chủ yếu là các bạn hàng truyền thống ở châu Á, trong khi các thị trường tiềm năng như Mỹ, EU chưa được các doanh nghiệp quan tâm nhiều, nhất là công tác xúc tiến tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, đội ngũ lao động lành nghề còn thiếu và hạn chế về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, máy móc đã làm giảm quá trình xuất khẩu và cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Để đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu đồng thời nâng cao giá trị xuất khẩu của các sản phẩm thế mạnh, thời gian tới, các cấp, ngành cần có những giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Theo đó, một trong những khó khăn hàng đầu của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn và lãi suất cao.

Do vậy, việc đầu tiên cần làm là tập trung hỗ trợ vốn cho hoạt động xuất khẩu, gia tăng các chính sách tín dụng tiền tệ của Trung ương và của địa phương; các ngân hàng sớm có chính sách ưu tiên vốn, hỗ trợ xuất khẩu, đặc biệt là ngành hàng có khối lượng lớn, chất lượng cao, ngành hàng thế mạnh của địa phương; thường xuyên tổ chức lớp bồi dưỡng cho cán bộ doanh nghiệp xuất khẩu về kiến thức nghiệp vụ để dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi; thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách Nhà nước cho các doanh nghiệp theo quy định.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng quy chế hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, trong đó ưu tiên đặc biệt cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về xuất nhập khẩu cho các đơn vị, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và nâng cấp website; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Cổng Thương mại điện tử Quốc gia và của tỉnh; nâng cấp Cổng Giao dịch thương mại điện tử thành sàn giao dịch để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh trực tuyến, giới thiệu, quảng bá và xuất khẩu sản phẩm; tăng cường hướng dẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong việc thông quan, kiểm toán hàng hóa xuất khẩu...

Song song với những giải pháp trên, đối với các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực cũng cần có giải pháp cụ thể và chiến lược để nâng cao giá trị sản phẩm. Trong đó, với nhóm hàng khoáng sản chủ lực như đá trắng, quặng sắt, chì kẽm cần khai thác hiệu quả, tiến tới chế biến sâu và bảo vệ môi trường sinh thái; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc xuất khẩu sản phẩm thô, chưa qua chế biến. Đối với mặt hàng nông - lâm sản là thế mạnh của địa phương như chè, quế, măng tre Bát Độ, gỗ rừng trồng… phải đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có năng suất, chất lượng cao và có tính chiến lược lâu dài, bền vững, tiến hành đăng ký và bảo hộ đối với các sản phẩm…

Hùng Cường

Các tin khác
Sản phẩm măng khô xuất khẩu của Công ty cổ phần Yên Thành.

YBĐT - Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đến nay Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình (Yên Bái) có số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho 90 lao động. Công ty không chỉ có chỗ đứng trên thương trường mà còn góp phần tiêu thụ hàng nông lâm sản cho hàng nghìn hộ dân.

Đồng chí Đỗ Nhân Đạo - Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh thăm mô hình sản xuất than sinh học tại Hợp tác xã Thành Long (Yên Bình).

YBĐT - Trước thềm Đại hội Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Yên Bái lần thứ IV, nhiệm kỳ 2013 - 2018, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Nhân Đạo - Phó chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh về những kết quả cũng như phương hướng, nhiệm vụ của Liên minh nhiệm kỳ tới.

Đến cuối tháng 7/2013, lượng phôi thép tồn kho ở mức 510.000 tấn. Đây là mức khá cao so với nhu cầu thấp điểm hiện nay.

Ảnh minh họa

Thủ tướng đồng ý làm đường sắt trên cao Mỹ Đình - Bái Đính Thủ tướng đồng tình với việc xây dựng tuyến đường sắt trên cao từ Mỹ Đình (Hà Nội) tới Bái Đính (Ninh Bình) nhằm kết nối các điểm du lịch và giao UBND các địa phương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải bàn về cơ chế vốn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục