Sang thu cây lại “lên rừng”

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/8/2013 | 8:39:53 AM

YBĐT - Tại xã Túc Đán, có những ngày huy động được trên 200 hộ dân ở thôn Pá Khoang, Làng Ninh tham gia trồng rừng. Cán bộ tăng cường về cơ sở không khỏi cảm động khi thấy đồng bào bảo nhau đi trồng rừng từ lúc hai giờ sáng vì từ khu dân cư đến chỗ trồng rừng phải mất hơn 4 tiếng đi bộ.

Anh Giàng A Sáy Chù hướng dẫn bà con cách lấy cây giống.
Anh Giàng A Sáy Chù hướng dẫn bà con cách lấy cây giống.

Đã thành lệ, cứ vào độ sang thu, tiết trời mát mẻ, khi hoàn thành gieo cấy lúa, ngô vụ mùa là đồng bào Mông huyện Trạm Tấu lại tất bật cho một vụ trồng rừng mới. Năm nay cũng vậy, những ngày này, cơ quan Ban Quản lý rừng phòng hộ vắng tanh. Ngoài cán bộ hành chính, tất cả cán bộ Phòng Chỉ đạo sản xuất và Phòng Quản lý, bảo vệ rừng đều được tăng cường về cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo trồng rừng.

Một ngày sau cơn bão số 5, mặc cho đường trơn lầy lội, ngay từ sáng sớm, tại nhà chủ hợp đồng Giàng A Sáy Chù đã có rất đông các hộ gia đình trong thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ vai đeo bề đến nhận cây giống để trồng rừng với một tinh thần rất khẩn trương. Tiếng nói, tiếng cười rộn rã xua tan cái ẩm ướt của bão còn rơi rớt.

Anh Giàng A Sáy Chù vui vẻ cho biết: “Đã nhiều ngày nay, tôi cùng bà con trong thôn cứ sáng sáng lên vườn bề cây đem vào rừng trồng đến khi mặt trời khuất núi, nhìn nhau không rõ mặt mới lục tục bảo nhau về. Nhiều hôm trồng không hết cây thì chúng tôi ngủ lại trên rừng, sáng hôm sau trồng tiếp.

Đặc biệt, tại khu vực Đề Phô Sa giáp ranh với tỉnh Sơn La, cách xa khu dân cư tới vài giờ đi bộ thì việc ngủ lại qua đêm là thường xuyên”. Không nhớ chính xác mỗi đêm có bao nhiêu người ngủ lại trên rừng trong những ngày vào vụ nhưng anh Chù nhẩm tính cũng phải có từ 15 đến 18 người. Nhiều năm liền nhận khoán trồng rừng phòng hộ cho Nhà nước nên người dân ở đây tỏ ra rất có kinh nghiệm.

Chị Thào Thị Dê, một trong các hộ gia đình trồng rừng tích cực ở thôn Sáng Pao nói choang choang: “Đã vào thời vụ thì phải tăng tốc với lại rừng ở xa nhà tới vài giờ đi bộ, cả đi cả về cũng mất nửa ngày, nếu không ngủ lại thì một ngày làm chẳng được bao nhiêu thời gian”.

Gia đình anh Chù luôn tiên phong đi đầu trong việc thực hiện trồng rừng. Anh bảo: “Mình là chủ hợp đồng, nếu không gương mẫu thì không vận động được bà con làm theo. Thế nên kể cả những ngày mưa xối xả, gia đình mình vẫn duy trì 5 đến 6 lao động, thậm chí có hôm tới 10 lao động tham gia trồng rừng”.

Hiểu được nỗi vất vả của con cháu trong lúc mùa vụ, bố anh Chù là ông Giàng A Câu tuy không còn trẻ, bàn chân không còn rắn chắc nhưng hàng ngày vẫn tình nguyện tiếp tế cơm, nước đầy đủ cho các con, các cháu.

Ông chia sẻ: “Mình già rồi, chẳng leo được rừng thì mang cơm, nước cho chúng để chúng có nhiều thời gian mà trồng cây cho kịp thời vụ. Như thế cũng là đã góp công trồng rừng, phải không cán bộ?”. Ở chòm Tàng Ghênh thuộc thôn Sáng Pao do anh Chù làm chủ hợp đồng, có nhiều hộ rất tích cực trồng rừng như hộ Giàng A Mang, Giàng A Su, Thào Thị Dê... Các hộ này thường huy động từ 3 đến 4 lao động tham gia trồng rừng. Do địa hình chia cắt, núi cao, hầu hết các diện tích trồng rừng đều dốc lại xa khu dân cư nên việc vận chuyển cây giống hoàn toàn thực hiện bằng sức người thông qua đôi vai với chiếc gùi đeo trên lưng.

Anh Chù "bổ sung": “Ở đây, vào mùa trồng rừng, không kể đàn ông hay đàn bà, ai không bận làm lúa, làm nương thì tất cả đều lên rừng. Tùy theo sức khỏe, anh em nam giới có thể bề được 120 đến 150 bầu cây giống, chị em phụ nữ yếu hơn thì bề từ 80 đến 100 bầu cây”. 

Năm 2013, xã Xà Hồ được giao chỉ tiêu trồng 70ha rừng phòng hộ, 120ha rừng sản xuất ở 3 chòm: Tàng Ghênh, Sáng Pao, Cang Chi Khúa của thôn Sáng Pao. Ngay sau khi nhận kế hoạch, chính quyền xã phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ tổ chức họp thôn tuyên truyền, vận động nhân dân và điều quan trọng là cán bộ chuyên môn phải tích cực bám sát cơ sở.

 

Vườn ươm cây giống của xã Xà Hồ sinh trưởng và phát triển tốt.

Anh Nguyễn Ngọc Sơn - cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu phụ trách xã Xà Hồ cho hay: “Đã nhiều ngày nay, tổ công tác chúng tôi thường xuyên có mặt tại cơ sở thực hiện “3 cùng”: cùng ăn một nồi cơm, cùng ngủ trên nương, cùng trồng rừng với bà con. Thấy chúng tôi thường xuyên có mặt, nhận thức của người dân về công tác trồng rừng đã được nâng lên rõ rệt. Chỉ đơn cử trong những ngày ảnh hưởng của cơn bão số 5, dù trời mưa nhưng bà con vẫn hăng hái nhận cây đem vào rừng trồng. Bản thân mỗi cán bộ chúng tôi những lúc như thế cũng thấy có thêm niềm vui mà bám bản, bám rừng”.

Đến nay, Xà Hồ đã trồng được 50/70ha rừng phòng hộ, công trình trồng 120ha rừng sản xuất cũng hoàn thành trên 20% kế hoạch và có tiến độ trồng rừng nhanh nhất huyện. Địa phương phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2013 trước ngày 15/9.

Theo kế hoạch, năm 2013, huyện Trạm Tấu trồng 806ha rừng với 500ha rừng phòng hộ, 306ha rừng sản xuất. Các diện tích trên được trồng ở các xã: Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Túc Đán, Làng Nhì, Tà Xi Láng, trong đó nhiều nhất là Bản Mù 251ha,  Xà Hồ 190ha, Túc Đán 170ha. Ban Quản lý rừng phòng hộ đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã triển khai thực hiện; trực tiếp làm chủ đầu tư, cung ứng cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho nhân dân. Ban đã thành lập 6 vườn ươm tại các xã có diện tích trồng rừng với tổng số trên 1,6 triệu cây giống gồm thông, sơn tra.

Ngay khi vào vụ, đơn vị đã trưng tập toàn bộ cán bộ Phòng Chỉ đạo sản xuất và Phòng Quản lý, bảo vệ rừng tăng cường về cơ sở, tập trung ở các xã có diện tích trồng rừng, đảm bảo mỗi xã có từ 5 đến 7 cán bộ cùng các chủ hợp đồng, các hộ nhận khoán trồng rừng tiến hành các công đoạn với phương châm bám sát hiện trường vừa hướng dẫn vừa kiểm tra tiến độ, kỹ thuật trồng rừng.

Tại xã Túc Đán, có những ngày huy động được trên 200 hộ dân ở thôn Pá Khoang, Làng Ninh tham gia trồng rừng. Cán bộ tăng cường về cơ sở không khỏi cảm động khi thấy đồng bào bảo nhau đi trồng rừng từ lúc hai giờ sáng vì từ khu dân cư đến chỗ trồng rừng phải mất hơn 4 tiếng đi bộ. Trạm Tấu hiện đã hoàn thành 50% khối lượng công trình rừng phòng hộ, 20% công trình rừng sản xuất.

Tuy nhiên, trồng rừng sản xuất ở Trạm Tấu đang đối mặt với một bài toán khó, đặc biệt tại những xã lần đầu tiên thực hiện trồng rừng sản xuất tập trung như Bản Mù. Ở đây, người dân đang có sự phân vân, so sánh về lợi ích trước mắt giữa rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Vì hiện nay, 1ha rừng phòng hộ được Nhà nước chi trả 15 triệu đồng cho cả một chu kỳ 5 năm, còn trồng 1ha rừng sản xuất chỉ được hỗ trợ 5 triệu đồng bao gồm tiền cây giống, tiền phân bón, một phần nhân công và chỉ được hỗ trợ trong năm đầu, những năm sau người dân tự chăm sóc.

Khó khăn nữa là lâu nay, một bộ phận đồng bào vùng cao Trạm Tấu quen trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước; chưa có thói quen trồng rừng sản xuất, theo Quyết định số 147 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trồng rừng sản xuất và thông tư liên bộ giữa Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Hơn nữa, hầu hết các diện tích đưa vào trồng rừng sản xuất chưa tập trung, phân bố manh mún nhỏ lẻ trong khi địa hình hiểm trở, xa khu dân cư, đầu ra cho rừng sản xuất là cả một vấn đề nan giải. Vì thế, để trồng rừng ở Trạm Tấu đạt mục tiêu cả về số lượng và chất lượng, cần sự cố gắng không ngừng của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành chuyên môn trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.

 Thu Hằng

Các tin khác

Ngày 14/8, BCĐ liên ngành TW về vệ sinh An toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) đã gửi văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố "Tăng cường công tác thanh, kiểm tra ATTP trong dịp Tết Trung thu 2013".

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 92/2013/NĐ-CP về “Quy định chi tiết thi hành một số điều có hiệu lực từ ngày 1.7.2013 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thế thu nhập doanh nghiệp và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng”. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (13.8.2013).

Ngày 14-8, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ra thông báo phản đối kết quả vụ kiện chống trợ cấp (CVD) đối với tôm đông lạnh Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ. Trước đó, vào ngày 12-8, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ra Quyết định cuối cùng vụ kiện chống trợ cấp tôm nước ấm từ Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo xây dựng kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đển năm 2020, trong đó yêu cầu không để phát sinh trường hợp mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục