Cả xã làm khuyến học
- Cập nhật: Thứ ba, 22/10/2013 | 8:49:34 AM
YBĐT - Nói đến xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), mọi người thường nhắc tới một xã đang bảo tồn và gìn giữ những lễ hội, bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái Mường Lò và điểm đến của những tour du lịch cộng đồng. Nhưng còn có một Nghĩa An thành công với nhiều mô hình khuyến học như: gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, mô hình nuôi lợn nhựa tiết kiệm khuyến học, góp thóc khuyến học...
Trưởng ban 8 dòng họ lên trao thưởng cho các em học sinh xuất sắc đầu năm học.
|
Người mà chúng tôi tìm gặp không ai khác đó là Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Hoàng Thị Phượng cũng đồng thời là Chủ tịch Hội Khuyến học xã Nghĩa An. Một phụ nữ luôn nổi bật với vóc dáng “thắt đáy lưng ong” trong bộ váy Thái áo cỏm và cũng đã để lại ấn tượng cho rất nhiều khách du lịch về kiến thức văn hóa dân tộc Thái Mường Lò khi thăm quan mô hình du lịch cộng đồng mà chị đứng ra tổ chức tại xã.
Chị Phượng cho biết: toàn xã có đến 94% là đồng bào Thái, sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, ngành nghề phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đảng bộ xã Nghĩa An xác định muốn đưa địa phương thoát nghèo chỉ có con đường là đầu tư cho giáo dục, nâng cao dân trí. Chính vì vậy, năm 2004, Hội Khuyến học xã Nghĩa An được thành lập.
Chị Phượng nhớ lại, Đại hội khuyến học khoá 1, Hội Khuyến học xã đã kiện toàn lại Ban khuyến học, đồng thời xây dựng quy chế hoạt động của Hội. Nhưng Đại hội khi đó cũng có lúc chùng xuống khi nhắc đến quĩ hoạt động. Nhiều ý kiến còn bàn lui: “Giờ ăn còn chưa đủ lấy tiền đâu ra để hoạt động?”.
Thế rồi bức ảnh Bác Hồ nói chuyện với đồng bào tỉnh Yên Bái năm 1958 treo trang trọng giữa hội trường làm mọi người nhớ lại Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một ví dụ vấn đề đoàn kết toàn dân tộc: “Bây giờ ví dụ ai cũng tiết kiệm từ trên xuống dưới, từ thành thị đến nông thôn đều tiết kiệm, mỗi người mỗi ngày bớt một dúm gạo thôi, mỗi tháng mỗi người dành được nửa kilô. Trong kháng chiến chúng ta đã làm được. Làm như thế trong tỉnh nhà, mỗi năm tiết kiệm được 750 tấn gạo. Với 750 tấn gạo, đồng bào làm được bao nhiêu việc to tát. Trước kia, ta phải đưa gạo ở dưới xuôi lên. Đồng chí Chủ tịch có cho biết là vừa rồi cũng phải đưa lên 300 tấn. Nếu tiết kiệm được như trên thì không phải đưa gạo ở dưới xuôi lên”.
Nói rồi, Người khẳng định: “Làm như thế có khó không? Không khó. Có dễ không? Không dễ. Mà phải có tổ chức”. Nhớ lời Bác dặn, Đại hội thống nhất xây dựng quĩ khuyến học.
Để quĩ khuyến học thành công, Hội Khuyến học xã đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đóng góp xây dựng quĩ; xây dựng một qui ước cán bộ xã đóng góp 5% lương hàng tháng vào quĩ khuyến học và vận động các dòng họ, các tổ chức triển khai các mô hình tiết kiệm như mô hình nuôi lợn nhựa tiết kiệm khuyến học, góp thóc khuyến học...
Cùng với chị Phượng đến thăm nhà ông Lường Văn Pối ở thôn Đêu 2, Trưởng ban khuyến học của dòng họ Lường. Ông Pối cũng là thương binh khi tham gia chiến trường Nam Lào năm 1968 sau trở về địa phương công tác ở xã và giữ chức vụ Phó chủ tịch xã đến lúc nghỉ hưu. Ông Pối cho biết, thấy con cháu trong dòng họ lấy vợ lấy chồng sớm, không công ăn việc làm. Mảnh ruộng cứ chia đôi, chia năm, ngày trước đi mãi không hết ruộng nhà, nay như cái ô bàn cờ chưa cuốc, cán đã chạm đầu bờ nhà khác. Nhà nào trong họ cũng nghèo. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ được vì thương con, thương cháu.
Ông Pối lại nhớ lại, năm 1968, Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục, Bác có nhắc: “Mặc dù giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc ác liệt, chúng không những đã thất bại thảm hại trên mặt trận chính trị, quân sự, mà ta đã thắng chúng cả trên mặt trận giáo dục và đào tạo cán bộ. tham gia quân ngũ chiến tranh ác liệt nhưng quân và dân cả nước đều quyết lòng “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Nghe theo lời dạy của Bác, ông Pối bàn với các gia đình trong dòng họ thành lập ban khuyến học dòng họ Lường của 4 thôn bản Đêu 1, Đêu 2, Đêu 3, Đêu 4 ,xã Nghĩa An với 42 thành viên đại diện cho 42 gia đình tham gia. Ông cũng được dòng họ Lường của xã tín nhiệm giữ chức Trưởng ban khuyến học của dòng họ.
Nói ngày đầu hoạt động của Ban khuyến học dòng họ Lường, ông Pối vẫn cảm thấy “sợ”. Ngày trước cũng làm cán bộ thật nhưng có văn bản, có hướng dẫn cứ làm theo là vận động nhân dân tham gia thôi chứ bây giờ để làm cái công việc được gọi là “sự học” này nó “mông lung” không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng rồi cũng năm đó, Hội Khuyến học xã được thành lập, ông tham gia và được vào Ban chấp hành. Thế là ông đã căn cứ hướng dẫn của Hội Khuyến học xã để xây dựng qui chế hoạt động.
Ngoài ra, ông đã đến gặp 3 ban giám hiệu nhà trường từ mẫu giáo, tiểu học đến THCS của xã để đánh giá sức học của các cháu trong dòng họ. Ông còn xin tham gia họp cùng hội đồng giáo dục cấp xã, họp sơ, tổng kết công tác giáo dục, khai giảng năm học mới để nắm tình hình học lực, kết quả học tập của các cháu, tinh thần học tập ra sao. Không những vậy, cứ thứ 2 hàng tuần, ông đến nhà các cháu trong dòng họ kiểm tra về giờ giấc học tập, góc học tập nhất là đồ dùng học tập. Cháu nào thiếu gì, ông giải quyết ngay để các cháu trước hết được bằng bạn bằng bè sau là kích thích các cháu chăm học hành.
Thực hiện xây dựng quĩ khuyến học do Hội Khuyến học xã phát động, ông đã vận động các hộ trong dòng họ đóng góp 7,2 tấn thóc trị giá trên 36 triệu đồng và ký gửi tại Hợp tác xã Nghĩa An hằng năm trích lãi trên 5 triệu đồng làm công tác thi đua - khen thưởng, mua sách vở, đồ dùng học sinh cho các cháu vào năm học mới. Bảng thành tích theo dõi trong sổ học tập dòng họ Lường, chúng tôi không thể thống kê hết được nhưng ông Pối tự hào khi nói toàn bộ các cháu trong dòng họ đều được ra lớp học đúng độ tuổi, trên 60% con em tốt nghiệp THPT, trên 10 cháu đi học trung học chuyên nghiệp, đặc biệt có 1 cháu học đại học chính qui.
Cũng như dòng họ Lường, dòng họ Hà ở xã Nghĩa An cũng đã xây dựng dòng họ khuyến học từ năm 2004 với 56 gia đình tham gia. Đến nay, họ Hà đã xây dựng quĩ khuyến học được trên 30 triệu đồng. Ông Hà Văn Khoanh -Trưởng ban khuyến học dòng họ Hà cho biết, từ quĩ này, hàng năm dòng họ đã chi khen thưởng, giúp đỡ con em trong dòng họ đồ dùng học tập trên 29 triệu đồng, ngoài ra còn ủng hộ các trường học trong xã xây dựng cơ sở vật chất trên 1,5 triệu đồng. Dòng họ Hà đã có 60% con em tốt nghiệp THCS và THPT, 9 em học trung học chuyên nghiệp, 2 em học cao đẳng và 1 em học đại học.
Thành công nhất trong các hình thức gây quĩ phải kể đến mô hình nuôi lợn nhựa tiết kiệm khuyến học. Chúng tôi đến các trường học mới thấy được mô hình triển khai rộng rãi. Vào các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp hàng tuần, Ban giám hiệu nhà trường sẽ tuyên truyền về lợi ích của phong trào nuôi lợn nhựa tiết kiệm và được thầy trò hưởng ứng. Những con lợn đất được đặt tại phòng trợ giảng và các lớp học. Hàng tháng lĩnh lương, các thầy cô giáo trích ra 1-2% lương của mình, còn các em học sinh tiết kiệm theo khả năng của mình. Trường tiểu học Bế Văn Đàn, xã Nghĩa An là đơn vị điển hình trong công tác này. Qua phong trào, Chi bộ nhà trường đã nuôi một con lợn nhựa tiết kiệm, công đoàn nhà trường cũng tham gia nuôi 1 con, các lớp học đều có.
Các em học sinh Trường tiểu học Bế Văn Đàn đọc sách triển lãm tại ngày hội tuyên truyền.
Nói về kết quả của mô hình nuôi lợn nhựa, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hoàng Thị Phượng hào hứng: Năm 2012, Hội Khuyến học xã tổ chức “hội nghị” tổng kết mổ lợn nhựa. Bản thân chị cũng chưa từng thấy ở đâu lại tổ chức hội nghị mà mọi người đều phấn khởi và hân hoan đến vậy. Đại biểu của 8 dòng họ có quĩ và 3 tổ chức cấp xã là hội người cao tuổi, hội phụ nữ, hội thanh niên và 3 chi hội nhà trường đều rước “ông” lợn đất lên giữa hội trường để đập. Tiền lẻ được đút trong ruột lợn chặt kín rút mãi mới được, xắn tay áo cả buổi sáng mới kiểm đếm hết, thu được tổng số tiền tiết kiệm gần 77 triệu đồng.
Một số dòng họ, nhà trường, hộ gia đình tiêu biểu trong phong trào được tuyên dương ngay tại hội nghị như dòng họ Lường tiết kiệm hơn 10 triệu đồng, dòng họ Chu tiết kiệm gần 15 triệu đồng, dòng họ Hà tiết kiệm trên 14 triệu đồng, Trường THCS Lê Hồng Phong tiết kiệm gần 5 triệu đồng, Trường tiểu học Bế Văn Đàn tiết kiệm trên 5 triệu đồng, đặc biệt gia đình Chu Văn Tướng tiết kiệm trên 10 triệu đồng.... đưa tổng số Quĩ khuyến học toàn xã lên tới 192 triệu đồng; trong đó quĩ Hội Khuyến học xã 55 triệu đồng, quĩ của các dòng họ là 137 triệu đồng, tính bình quân 1 hội viên có số quĩ 226 nghìn đồng.
Qua phong trào khuyến học mà trong 5 năm qua, xã có 5 cán bộ xã đã học xong và đang học đại học, 18 cán bộ học trung cấp chuyên môn, 6 đồng chí học trung cấp chính trị, 21 đồng chí được bồi dưỡng quản lý nhà nước, 32 đồng chí học sơ cấp chính trị; 92% cán bộ thôn, bản được tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ làm bí thư chi bộ, làm trưởng thôn bản, 50 cán bộ đoàn thể được học giáo dục quốc phòng, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt từ một xã không có người học đại học đến nay đã có 6 cán bộ công chức có trình độ đại học, 12 cháu đang theo học cao đẳng và đại học, tỷ lệ các cháu hết lớp 9 đi học THPT đạt 100%.
Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhiều lần nhấn mạnh với nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó”. Sự đoàn kết của nhân dân xã Nghĩa An đã đưa phong trào khuyến học địa phương với các mô hình gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, mô hình nuôi lợn nhựa tiết kiệm khuyến học, góp thóc khuyến học như những cánh tay đoàn kết để giúp con em trong xã được đến trường, được học kiến thức tự tin bước vào cuộc sống mới.
Tỉnh Yên Bái đang tích cực thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì phong trào khuyến học “cả xã làm khuyến học” như Nghĩa An là những bông hoa tươi thắm trong vườn Bác.
Nguyễn Nhật Thanh
Các tin khác
Hội nghị Ban chấp hành TW Đảng lần thứ 8 khoá XI vừa quyết định ban hành một Nghị quyết riêng về Đổi mới giáo dục và đào tạo. Trong lần đổi mới này, chương trình và SGK là vấn đề quan trọng nhất. Vậy chương trình và SGK sau 2015 có gì mới?
YBĐT - Hiểu hơn ai hết những đóng góp dù rất nhỏ bé song cũng sẽ là nguồn động lực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, các đoàn viên thanh niên - những người con của quê hương vùng cao còn nhiều gian khó Nậm Búng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã và đang không ngừng phát huy sức trẻ, có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực đóng góp cho quê hương.
YBĐT - Những năm trước đây, tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở xã Trúc Lâu, huyện Lục Yên (Yên Bái) diễn biến khá phức tạp gây mất ANTT địa phương. Trước tình hình đó, Ban Công an xã đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp đảm bảo ANTT ở 11 thôn, bản quyết tâm đẩy lùi tệ nạn xã hội ra khỏi địa bàn.
YBĐT - Để kinh tế địa phương ngày càng phát triển, an ninh trật tự (ANTT) giữ vững, hàng năm, Đảng uỷ, chính quyền xã Văn Phú, thành phố Yên Bái thường xuyên chỉ đạo các đoàn thể và trực tiếp là lực lượng công an đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng ngừa đấu tranh tố giác tội phạm, tuyên truyền cho gia đình và người thân không vi phạm pháp luật…