Nhận thức và hành động của đối tượng hưởng lợi đã có chuyển biến tích cực
- Cập nhật: Thứ tư, 23/10/2013 | 3:00:38 PM
YBĐT - Sau hai năm triển khai thực hiện Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” ở 20 xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thuộc hai huyện Lục Yên và Văn Yên đã thu nhiều kết quả khả quan.
Ông Lương Kim Đức - Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc điều hành Dự án tuyên truyền về kiến thức chăm sóc bà mẹ, trẻ em tại cơ sở.
(Ảnh: M.T)
|
Phóng viên (PV) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Lương Kim Đức - Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc điều hành Dự án về vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết những kết quả sau hai năm thực hiện Dự án trên địa bàn hai huyện Lục Yên và Văn Yên?
Ông Lương Kim Đức: Trong quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010, năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, tỉnh Yên Bái đã xác định các mục tiêu trọng tâm là phấn đấu để mọi người dân được cung cấp dịch vụ y tế cơ bản, có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng, mọi người được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần.
Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em của tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn về ngân sách, nhân lực, trình độ chuyên môn tại các huyện; triển khai đánh giá suy dinh dưỡng thể thấp còi ở các xã trọng điểm nhưng chưa phủ khắp toàn tỉnh. Cụ thể, năm 2010, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh toàn tỉnh 15%o; tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi toàn tỉnh 28%o; tỷ lệ trẻ em 1 tuổi được tiêm chủng 98%; tỷ lệ tử vong mẹ 70/100.000; tỷ lệ các bà mẹ sinh con có sự trợ giúp của cán bộ y tế 81%.
Tại huyện Lục Yên và Văn Yên, năm 2010, theo kết quả điều tra ban đầu: tuổi trung bình kết hôn và mang thai lần đầu của phụ nữ sớm hơn khoảng 3 - 4 năm so với tuổi trung bình quốc gia (Lục Yên tuổi kết hôn trung bình 20,75, tuổi mang thai 21,12, ước tính có 21/100 phụ nữ đã từng có vấn đề về sản khoa, 5,7% phụ nữ sinh con thiếu sự hỗ trợ của cán bộ y tế đỡ đẻ, tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà là 10,6%; còn Văn Yên tuổi kết hôn trung bình 20, tuổi mang thai 20,8, ước tính có 29/100 phụ nữ đã từng có các vấn đề về sản khoa, khoảng 14,2% phụ nữ sinh con thiếu sự hỗ trợ của cán bộ y tế đỡ đẻ, tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà là 20,5%).
Mặt khác, qua kết quả điều tra ở Lục Yên và Văn Yên, tỷ lệ phụ nữ kết hôn sớm dưới 18 tuổi còn khá cao, có thời điểm chiếm 5% ở huyện Lục Yên; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi ở cả thể thấp còi và thể nhẹ cân còn khá cao, có năm lên tới 36,5%; 21,7% số phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ không biết các dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai; 42,2% không biết các dấu hiệu khi chuyển dạ; 29,3% không biết các dấu hiệu nguy hiểm sau khi đẻ...
Trước những vấn đề còn tồn tại này, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế cộng đồng phối hợp cùng Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” triển khai Dự án tại huyện Lục Yên và Văn Yên nhằm đạt được mục tiêu góp phần giảm bệnh tật, tử vong ở phụ nữ, trẻ em trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các hành vi có lợi cho sức khỏe, đem lại sự thay đổi bền vững cho những người thiệt thòi trong xã hội. Sau hơn hai năm Dự án triển khai tại 20 xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thuộc huyện Lục Yên và Văn Yên đã thu nhiều kết quả đáng khích lệ.
Thông qua nhiều hoạt động thiết thực của Dự án, nhận thức của những đối tượng hưởng lợi trực tiếp là phụ nữ, trẻ em có chuyển biến tích cực. Hơn thế, các đối tượng hưởng lợi gián tiếp là người chồng, gia đình, cộng đồng, nhân viên y tế, cộng tác viên dân số đã có sự thay đổi về tư duy, quan niệm. Vì vậy, đến nay, tỷ lệ phụ nữ đẻ có sự hỗ trợ của cán bộ y tế tăng theo từng năm (huyện Văn Yên 98%, Lục Yên 35%); tỷ lệ phụ nữ dưới 18 tuổi kết hôn sớm giảm rõ rệt, ở huyện Lục Yên còn 3,2%; đặc biệt, số trẻ suy dinh dưỡng ở hai thể còi, nhẹ cân giảm đáng kể...
PV: Quá trình thực hiện giai đoạn đầu của Dự án có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
Ông Lương Kim Đức: Có thể nói, Dự án đã được sự chỉ đạo thống nhất, triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh tới cấp xã, thực hiện nhanh chóng các hoạt động tại địa bàn. Mặt khác, Dự án đã nhận được sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền của 2 huyện cùng tham gia, lồng ghép các hoạt động trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại địa bàn với các hoạt động hàng năm của từng ngành.
Hơn thế, các mục tiêu và mục đích của Dự án bám sát thực tế tại các địa bàn, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của tỉnh về cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số. Bám sát thực tế nên các hoạt động được triển khai khá thuận lợi tới các đối tượng hưởng lợi như truyền thông về làm mẹ an toàn... và phối hợp, lồng ghép với các hoạt động khác đang triển khai tại địa phương để việc cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em đạt hiệu quả cao nhất.
Hai năm triển khai, Ban Quản lý Dự án tỉnh đã tổ chức 18 cuộc hội thảo, hội nghị tại tỉnh và 2 huyện nhằm xây dựng kế hoạch hoạt động tại địa bàn và vận động lãnh đạo từ cấp tỉnh đến lãnh đạo cộng đồng cùng tham gia thực hiện; tuyên truyền các nội dung về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em hơn 6.500 lượt trên hệ thống đài truyền thanh xã của 2 huyện; đào tạo, nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông cho 248 nhân viên y tế thôn bản; tổ chức 13 hội thi, biểu diễn văn nghệ tại 6 xã nhằm truyền tải thông điệp của Dự án; hỗ trợ các hoạt động chuyển tuyến cấp cứu tại 10 thôn có địa bàn đi lại khó khăn tại 2 huyện; công tác giám sát đã được các chuyên gia từ Ban Quản lý Dự án Trung ương phối hợp thực hiện cùng với các hoạt động tại tỉnh và huyện. Điều đó giúp Ban Quản lý Dự án tỉnh xác định các vấn đề nảy sinh và đưa ra giải pháp điều chỉnh các hoạt động, rút kinh nghiệm cho các hoạt động tiếp theo.
Trong quá trình triển khai Dự án gặp không ít khó khăn, đầu tiên phải kể đến yếu tố địa hình, giao thông đi lại, hệ thống thông tin liên lạc còn hạn chế, đối tượng hưởng lợi trực tiếp của Dự án là phụ nữ và trẻ em dân tộc Dao, Tày nên việc liên lạc, tập trung trong các hoạt động rất khó. Thứ hai là cơ sở vật chất tại các địa bàn còn thiếu thốn nên việc triển khai các hoạt động diễn ra tại đây cũng gặp nhiều hạn chế. Chẳng hạn như trong các buổi tập huấn kỹ năng truyền thông cho đội ngũ y tế thôn bản, điều kiện hội trường còn chật chội, nóng, hệ thống quạt chưa đáp ứng yêu cầu. Hơn nữa, đơn vị trực tiếp thực hiện Dự án là Trung tâm Y tế huyện phải đồng thời làm rất nhiều nhiệm vụ khác nhau nên cũng ảnh hưởng tới việc thực hiện các hoạt động của Dự án theo kế hoạch.
PV: Thưa ông, để Dự án tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, Ban Quản lý Dự án tỉnh đã có kế hoạch hành động, giải pháp cụ thể như thế nào?
Ông Lương Kim Đức: Để Dự án tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, Ban Quản lý Dự án tỉnh đã có kế hoạch hành động, giải pháp cụ thể. Đó là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông thay đổi hành vi về làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ em, đặc biệt cho đồng bào dân tộc (ưu tiên các cặp vợ chồng đang chuẩn bị sinh con và nuôi con nhỏ; phụ nữ và nam giới tuổi từ 15 - 25; mẹ chồng, mẹ đẻ); nghiên cứu để đổi mới nội dung truyền thông cho phù hợp với điều kiện, tập quán từng địa phương, tập trung vào: phụ nữ không kết hôn và mang thai sớm; các cặp vợ chồng và gia đình chuẩn bị đầy đủ cho việc mang thai và sinh nở an toàn; các cặp vợ chồng cần nuôi con đúng cách; nâng cao vai trò và trách nhiệm của người chồng trong chăm sóc sức khỏe của vợ và con; phòng chống viêm đường hô hấp và tiêu chảy cho trẻ em dưới 5 tuổi...
Về hình thức truyền thông là thông qua hệ thống loa truyền thanh xã, đài, báo và tổ chứccác cuộc nói chuyện chuyên đề, biểu diễn văn nghệ, xây dựng panô, phân phối tờ rơi, áp phích... Bên cạnh đó tiếp tục đào tạo bổ sung, nâng cao năng lực truyền thông, thay đổi hành vi về làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ em cho cán bộ y tế xã và thôn, bản; huy động các đơn vị truyền thông, đoàn thể tham gia, sử dụng các sản phẩm truyền thông chất lượng cao về làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ em; lồng ghép với các hoạt động hiện có tại cộng đồng: truyền thông về làm mẹ an toàn trong họp thôn/bản, sinh hoạt câu lạc bộ hoặc họp hội, nhóm của các tổ chức đoàn thể; phối hợp và lồng ghép với các hoạt động khác đang triển khai tại địa phương để việc cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em đạt hiệu quả cao nhất.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trần Minh (thực hiện)
Các tin khác
YBĐT - Phong trào NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích thu hút hàng ngàn người cao tuổi huyện Yên Bình (Yên Bái) tham gia. Toàn huyện có 232 NCT tham gia hoạt động trong các câu lạc bộ bóng bàn, cầu lông, cờ tướng, thể dục dưỡng sinh, thơ ca.
Đại biểu cựu TNXP kiến nghị giúp đỡ cho 55.000 cựu thanh niên xung phong thoát khỏi cảnh nghèo, già yếu.
YBĐT - Trong khi tình trạng ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông tại các cổng trường trên địa bàn thành phố vào giờ cao điểm đưa đón học sinh còn chưa tìm ra giải pháp hữu hiện thì hiện tượng kẻ gian trà trộn vào các trường, lợi dụng sự sơ hở của phụ huynh học sinh để trộm cắp tài sản lại đang được đặt trong tình trạng báo động.
YBĐT - Chương trình “Nâng bước cho học sinh dân tộc nội trú” được tổ chức thành 3 đợt kéo dài trong 2 năm. Năm nay, Trường phổ thông Dân tộc Nội Trú THCS huyện Văn Chấn được trao tặng 315 cái, Trường phổ thông Dân tộc Nội Trú THCS huyện Trạm Tấu là 260 cái, Trường phổ thông Dân tộc Nội Trú THCS huyện Mù Cang Chải là 388 cái với tổng trị gia quà tặng là trên 385 triệu đồng...