Cảnh giác với thủ đoạn lừa tiền qua điện thoại

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/11/2013 | 9:13:33 AM

YBĐT - Đến huyện Mù Cang Chải, thấy bà con xôn xao về chuyện có nhiều người mất tiền do bị lừa. Qua tìm hiểu chúng tôi mới biết, sự việc đã xảy ra với bà con thường xuyên, làm ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, cuộc sống của đồng bào.

Là một trong những nạn nhân, anh Sùng A Gà ở bản Thào Chua Chải, xã Nậm Có đã kể câu chuyện anh bị lừa với chúng tôi. Đó là vào đầu năm 2013, có một số điện thoại lạ gọi vào điện thoại của anh, khi bật máy lên nghe thì một giọng đàn ông tự giới thiệu là nhân viên của một công ty kinh doanh thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tại Hà Nội thông báo số điện thoại của anh đã may mắn trúng thưởng lớn trong chương trình chọn số trúng thưởng với số tiền 200 triệu đồng.

Nhưng để lấy được tiền anh phải đóng một khoản tiền chi phí làm thủ tục bằng cách ra các đại lý Viettel mua thẻ cào, sau đó đọc mã số thẻ rồi gửi cho đối tượng này. Có thông tin mình được trúng thưởng, anh vui sướng và ra ngay các đại lý Viettel gần đó mua thẻ trị giá 500.000 đồng để cung cấp mã số thẻ cho đối tượng.

Ngày hôm sau, đối tượng tiếp tục gọi và thông báo đoàn trả thưởng chuẩn bị có chuyến đi qua khu vực phía Bắc và sẽ vào tận nhà trao tiền trúng thưởng cho anh nhưng với điều kiện anh tiếp tục mua thẻ cào và gửi mã số thẻ cho đối tượng để đoàn có đủ chi phí trên đường đến nhà anh.

Có chút nghi ngờ nên anh không gửi thẻ nữa nhưng mấy ngày sau, đối tượng tiếp tục gạ và thông báo do công ty bận nên đoàn trao thưởng sẽ không lên nữa mà anh cứ mua thẻ gửi khi nào đủ số tiền làm thủ tục, công ty sẽ chuyển tiền qua đường bưu điện cho, còn nếu muốn nhận trực tiếp thì mời anh xuống công ty; anh mà không xuống, công ty sẽ chuyển số tiền trúng thưởng của anh vào quỹ “Vì người nghèo”...

Thấy anh có biểu hiện nghi ngờ, đối tượng liền cho anh nói chuyện với một giọng nữ được giới thiệu là trưởng phòng quản lý và kinh doanh của công ty và cho địa chỉ của Tập đoàn Viettel. Nửa tin, nửa ngờ anh quyết đến trụ sở Viettel (Số 1- Giang Văn Minh, quận Ba Đình, Hà Nội) để hỏi rõ thực hư.

Khi đến nơi, anh được nhân viên Tập đoàn Viettel cho biết, Tập đoàn không hề có chương trình quay số trúng thưởng lớn như thế. Đồng thời, anh cũng được các nhân viên của Tập đoàn cho biết, đã có nhiều trường hợp ở những nơi khác cũng bị mắc lừa tương tự và họ cũng đã đến hỏi về vấn đề này. Khi gặp bộ phận an ninh mạng của Tập đoàn, được biết, số điện thoại đã gọi vào máy điện thoại của anh thuộc mã vùng Hà Nội nhưng hiện tại, số điện thoại này đang hoạt động tại tỉnh Hà Tĩnh.

Ngoài anh Gà, một số trường hợp khác ở các xã Lao Chải, Khao Mang cũng bị lừa với mánh khóe tương tự. Gần đây nhất là trường hợp anh Chang A Tống ở bản Dế Xu Phình A của xã Dế Xu Phình.

Anh Tống bức xúc: "Họ điện và thông báo tôi đã may mắn trúng thưởng 200 triệu đồng. Giải thưởng gồm tiền mặt và 1 chiếc xe máy tay ga. Để lĩnh thưởng có 2 cách, một là xuống Hà Nội để nhận trực tiếp, hai là công ty sẽ chuyển giải thưởng đến tận nhà cho nhưng với đều kiện tôi phải chịu số tiền chi phí vận chuyển. Người này yêu cầu chi phí vận chuyển phần thưởng và chi phí cho cả đoàn đi trao thưởng là 25 triệu đồng. Tôi phải mua thẻ nạp tiền điện thoại của Tập đoàn Viettel về cào rồi sau đó đọc mã số trên thẻ cho họ để họ có tiền đi lại và tổ chức trao thưởng”.

Khi được thông tin mình trúng thưởng với số tiền lớn, anh Tống vui mừng liền đi mua ngay thẻ nạp tiền với mệnh giá 500.000 đồng về cào lấy số gửi cho đối tượng. Sau khi cung cấp mã số thẻ nạp tiền điện thoại xong, người đàn ông này yêu cầu phải tuyệt đối giữ bí mật về giải thưởng và người này còn “dọa” nếu tiết lộ cho ai biết thì phần quà của anh sẽ bị cắt. Vì mua thẻ nạp tiền với số lượng nhiều và mệnh giá lớn, anh đã vét toàn bộ số thẻ Viettel tại các đại lí ở khu vực ngã ba Kim, huyện Mù Cang Chải, rồi lên tận huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu mua thêm thẻ nạp.

Để tạo lòng tin cho anh Tống, đối tượng còn cho biết, hiện đang làm việc tại Chi nhánh Ngân hàng ViettinBank Yên Bái và đang trên đường đến trao giải thưởng cho anh. Không những thế, đối tượng hỏi anh xem có muốn ủng hộ các quỹ như: “Nạn nhân chất độc da cam”, “Vì người nghèo”… không? Đồng thời nhắc anh cần chủ động mọi tư thế để khi trao thưởng còn quay phim, chụp ảnh làm quảng cáo cho doanh nghiệp.

Là người dân tộc thiểu số kém hiểu biết và nhẹ dạ cả tin, anh Tống tưởng đối tượng đang cùng đoàn trên đường mang tiền và xe đến trao cho mình nên không hề mảy may nghi ngờ. Nắm được thóp, đối tượng đã lừa anh một cách dễ dàng. Còn anh Tống thì sợ mất thưởng nên chạy đôn, chạy đáo gom không ít thẻ cào cho đủ số tiền mà đối tượng yêu cầu.

Nhưng chờ ngày thứ nhất, ngày thứ hai, ngày thứ ba vẫn không thấy đoàn đến, anh gọi điện hỏi thì đối tượng nói đang trên đường lên nhưng do trục trặc xe cộ nên đến chậm. Vài ngày sau vẫn không thấy đoàn đến trao thưởng, sinh nghi, anh Tống lấy điện thoại gọi vào số của đối tượng thì có tín hiệu từ tổng đài thông báo "số điện thoại này hiện giờ không liên lạc được", lúc này anh mới ngớ ra mình đã bị lừa. Tính ra, tổng số tiền mua thẻ nạp gửi cho đối tượng này lên đến 96 triệu đồng.

Về vấn đề này, ông Vàng A Dơ - Chủ tịch UBND xã xã Dế Xu Phình nói: "Tôi thấy công nghệ thông tin phát triển tạo thuận lợi cho mọi người trao đổi, giao lưu một cách dễ dàng nhưng nó cũng có mặt trái nên bà con cần chú ý khi có những đối tượng lạ gọi điện đến nói mình có trúng thưởng tiền, xe..., thì đừng tin. Nếu có thông tin kiểu này, người dân nên báo cáo chính quyền, tránh bị mất tiền oan”.

Những thủ đoạn lừa đảo tiền qua điện thoại cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng không nhỏ gây mất trật tự xã hội và làm đảo lộn cuộc sống người dân. Các tập đoàn, công ty viễn thông và các cơ quan chức năng, cơ quan an ninh mạng cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý, giám sát việc sử dụng số, thẻ điện thoại, đồng thời cũng nên có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời loại tội phạm này.

Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này khá đơn giản nhưng do đánh trúng tâm lý nên nhiều người dân đã bị chúng lừa một cách dễ dàng. Khi gọi điện thấy "con mồi" nào còn lưỡng lự chưa tin thì lập tức những đối tượng này liền cho nói chuyện điện thoại ngay với những đối tượng khác và giới thiệu là "giám đốc” hay “trưởng phòng" để tăng thêm độ tin cậy của các nạn nhân. Khi đã lừa được số tiền kha khá, chúng chủ động cắt đứt liên lạc với nạn nhân. Còn nếu gặp được những người hiểu biết, cương quyết không tin và "bắt bài", chúng lập tức tắt điện thoại.

Hồng  Mai

Các tin khác
Hội Gầu tào ngày xuân của đồng bào Mông Trạm Tấu.    (Ảnh: Sùng Đức Hồng)

YBĐT - Mới qua một cái tết chung thì chưa thể nói là bà con người Mông đã chuyển đổi được tập quán ăn tết truyền thống đã có từ xa xưa. Hơn nữa, bà con còn phụ thuộc vào tập quán canh tác. Hoặc là, bà con nghĩ đơn giản chỉ có năm ngoái ăn chung một tết, còn năm nay vẫn có thể ăn theo nếp cũ...!

Đại biểu các nước trong khu vực ASEAN tại hội nghị.

Sáng 12-11, tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam đã đăng cai tổ chức "Ngày thanh niên ASEAN" (AYDM) lần thứ 19, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác luân phiên thanh niên ASEAN.

Nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS (1-12), Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm phát động trong cả nước Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2013 từ ngày 10/11 đến 10/12/2013.

Chiếc xe máy cà tàng này là tài sản giá trị nhất trong gia đình chị Lý Thị Ngọ ở thôn 13, xã Động Quan.

YBĐT - Tình trạng đói nghèo luôn là bài toán nan giải nhất tại thôn 13, xã Động Quan, huyện Lục Yên (Yên Bái). Càng đặc biệt khi có những người nằm trong con số hộ nghèo cả đời. Hết đời ông bà, đến đời cha mẹ, lại chuyển tiếp sang đời con cháu, cái nghèo như món nợ truyền đời và chưa biết đến khi nào họ mới thoát được.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục