Yên tâm bám lớp, bám trường

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/11/2013 | 2:40:30 PM

YBĐT - “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, là “sự nghiệp của toàn dân”, công tác giáo dục - đào tạo trong thời gian qua luôn được các cấp, các ngành ở Văn Yên (Yên Bái) đặc biệt quan tâm chăm lo.

Trẻ mầm non điểm trường thôn Khe Ngõa, xã Phong Dụ Thượng trong giờ tập tô.
Trẻ mầm non điểm trường thôn Khe Ngõa, xã Phong Dụ Thượng trong giờ tập tô.

Theo giới thiệu của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Yên, từ trung tâm xã Phong Dụ Thượng, chúng tôi vượt khoảng 10 km đường cheo leo bên sườn núi đến điểm trường thôn Khe Mạng. Với bốn lớp tiểu học và hai lớp mầm non, đây là nơi học tập của con em các thôn: Cao Sơn, Khe Mạng, Phiêng Cại. Bốn lớp tiểu học vẫn phải học trong hai phòng học tạm, còn hai lớp mầm non đã được học trong phòng học bán kiên cố được xây dựng từ nguồn xã hội hóa.

Chung niềm vui với học sinh, 6 thầy cô giáo “cắm bản” nơi đây cũng rất vui mừng bởi năm học mới này họ đã thoát khỏi cảnh sợ hãi khi “mưa rừng, gió núi” trong những căn nhà tạm. Được ở trong nhà công vụ xây bán kiên cố từ nguồn xã hội hóa, cô Phạm Thị Nga, giáo viên mầm non có gia đình ở thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) phấn khởi cho biết: “Trước đây, cô và trò đều phải dạy và học nhờ nhà văn hóa của thôn, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi dễ mất mát, hư hỏng. Giờ được giảng dạy, được ở trong những ngôi nhà mới, khang trang, rộng rãi cũng khiến các em học sinh náo nức đến trường và thầy cô giáo cũng yên tâm công tác”.

Cùng chung niềm vui với các thầy cô giáo ở điểm trường Khe Mạng là niềm vui hân hoan của các thầy cô giáo ở điểm trường Khe Ngõa. Tại đây, 4 căn phòng nhà ở công vụ đang gấp rút được khởi công xây dựng bằng sự chung tay đóng góp của đội ngũ giáo viên toàn huyện và nhân dân địa phương, tạo điều kiện để các thầy cô ổn định nơi ăn chốn ở, yên tâm bám lớp, bám trường.

Cùng với các trường mầm non và tiểu học, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi khi đến trường Phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở (PTDTBT THCS) xã Phong Dụ Thượng là khuôn viên nhà trường rộng rãi, lớp học khang trang, đặc biệt khu nhà bán trú sạch sẽ bên cạnh vườn rau đang lên xanh tốt.

Thầy Nguyễn Văn Vượng, giáo viên Trường PTDTBT THCS Phong Dụ Thượng là người có gần 15 năm “gieo chữ” tại xã vùng cao này cho biết: “Những năm gần đây, ngoài chế độ ưu đãi cho cán bộ, giáo viên đối với vùng đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp học, nhà bán trú cho học sinh đã được đầu tư xây dựng gần như hoàn chỉnh; nhà công vụ giáo viên cũng được đầu tư xây dựng khang trang. Do có quỹ đất nên cán bộ, giáo viên và học sinh đều tự tăng gia cải thiện bữa ăn hàng ngày. Cuộc sống của cán bộ, giáo viên ở đây được đảm bảo. Và đây cũng là động lực để tôi và các giáo viên khác giảng dạy tốt hơn, tìm tòi sáng tạo cho bài giảng, yên tâm gắn bó với nghề”.

Xác định phát triển giáo dục và đào tạo nhằm từng bước nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, tạo nền tảng vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, xã Phong Dụ Thượng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách quyết liệt, với mục tiêu cụ thể và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Do vậy, chất lượng giáo dục - đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước chuyển biến tích cực, các cấp, các ngành đã có sự phối hợp trong công tác giáo dục, thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Phong trào "Dạy tốt, học tốt" được phát động đều khắp ở các cấp học và được giáo viên, học sinh đồng tình hưởng ứng; các hoạt động ngoại khóa cũng được các trường học chú trọng triển khai.

Ông Mai Quốc Ngữ - Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng cho biết: “Công tác giáo dục được xã quan tâm và chỉ đạo tới từng thôn, xóm, dòng họ, gia đình, các cháu trong độ tuổi đều được đến trường, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số. Cùng với đó, xã chú trọng mở mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông tới các điểm trường, đóng góp kinh phí xây dựng nhà công vụ cho giáo viên ở các điểm lẻ để đền đáp công ơn của những thầy giáo, cô giáo tận tụy đem con chữ “gieo” trên các bản làng”.

Rời Phong Dụ Thượng, chúng tôi đến xã Mỏ Vàng - một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên có trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tại đây chúng tôi chứng kiến niềm vui của các thầy cô giáo và học sinh bán trú đang tưng bừng dọn về nơi ở mới. Sự đầu tư của Nhà nước và các cấp, các ngành, Trường PTDTBT THCS Mỏ Vàng được xây dựng 2 công trình nhà công vụ, nhà bán trú với trị giá gần 5 tỷ đồng.

Công trình nhà công vụ gồm 16 phòng ở rộng rãi khang trang, có đầy đủ bếp nấu ăn và công trình vệ sinh khép kín đã tạo điều kiện thuận lợi cho gần 30 cán bộ, giáo viên có nhu cầu về nhà ở, trong đó có nhiều cặp vợ chồng giáo viên. Ở một trường vùng cao cách xa trung tâm huyện mà có cơ sở vật chất trường lớp học, nhà công vụ khang trang sạch đẹp là sự mong mỏi bấy lâu của thầy và trò nơi đây.

Tại Trường Tiểu học xã Mỏ vàng, chúng tôi được thầy hiệu trưởng đưa đi thăm 6 điểm lẻ ở các thôn: Giàn Dầu, Cánh Tiên, Khe Hóp, Khe Đâm, Khe Lóng 2, Khe Lóng 3. Do điểm lẻ ở xa trung tâm nên hầu hết các thầy cô giáo đều phải ở lại trường, nhà ở của các thầy cô chủ yếu là nhà tạm do bà con dựng nên. Năm 2013, từ nguồn đóng góp ủng hộ của cán bộ, công chức toàn huyện và nhân dân địa phương, tại điểm trường thôn Giàn Dầu được xây dựng mới 4 phòng học mầm non và tại điểm trường thôn Khe Đâm được xây dựng 4 phòng nhà ở công vụ cho giáo viên tiểu học và mầm non. Vượt lên mọi khó khăn, thiếu thốn trong công tác giảng dạy và học tập, giáo viên ở đây đều cố gắng phấn đấu hết mình, 100% học sinh lên lớp.

Ở những thôn, bản vùng cao của huyện không chỉ có sự nỗ lực của mỗi thầy cô giáo mà sự vào cuộc của các cấp quản lý giáo dục huyện Văn Yên và nhân dân địa phương phần nào giảm bớt những khó khăn nhọc nhằn trong dạy học và ổn định cuộc sống của các thầy cô giáo để họ chủ động được giờ lên lớp.

Khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, những giáo viên cắm bản của Trường Tiểu học Mỏ Vàng vẫn quyết tâm dạy tốt.

Theo ông Phạm Xuân Sơn, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Yên,  trong tổng số 1.931 cán bộ, giáo viên, nhân viên có 599 giáo viên đang dạy ở các điểm trường đóng trên địa bàn các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên có nhu cầu ở tập thể (nhà công vụ) gần 700 người, trong đó, tại các trường vùng cao trên 400 người. Hiện nay, số nhà công vụ đã đáp ứng được cho trên 300 người, số còn lại phải đi ở nhờ, thuê nhà dân, ở ghép 3, 4 người một phòng, có trường làm phòng bán mái cạnh lớp học, nhà làm việc để giáo viên ở”.

Để có điều kiện về chỗ ở cho cán bộ, giáo viên, nhân viên như hiện nay, nhất là đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các trường vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, huyện Văn Yên đã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, vận động các cấp, các ngành, các ngành, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân quyên góp, ủng hộ kinh phí xây dựng, tu sửa phòng học, nhà bán trú cho học sinh và nhà công vụ cho giáo viên.

Đặc biệt trong năm 2013, Văn Yên đã xây dựng mới 38 phòng học, 28 phòng công vụ, 14 phòng ở bán trú cho học sinh tại các phân trường vùng cao với tổng kinh phí trên 6,7 tỷ đồng. Trong đó: kinh phí từ ngân sách Nhà nước và các chương trình, dự án 4,5 tỷ đồng, kinh phí từ các nguồn xã hội hóa trên địa bàn huyện 2,2 tỷ đồng.

Cùng với đó, nhờ sự vận động của công đoàn ngành giáo dục, các chính sách chăm lo đời sống giáo viên được triển khai đồng bộ tại nhiều vùng khó khăn. Bên cạnh phong trào làm nhà công vụ cho giáo viên vùng cao, Công đoàn ngành giáo dục Văn Yên cũng có vai trò tích cực trong việc tham gia xây dựng các chính sách về tiền lương, thu hút, luân chuyển giáo viên giữa các vùng thuận lợi và khó khăn, chăm lo về điều kiện vật chất, hoạt động nghề nghiệp để các thầy cô giáo yên tâm gắn bó với trường lớp, góp phần vào sự phát triển của ngành.

“Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, là “sự nghiệp của toàn dân”, công tác giáo dục - đào tạo trong thời gian qua luôn được các cấp, các ngành ở Văn Yên quan tâm chăm lo. Do vậy, tỷ lệ học sinh ra lớp ở các bậc học cơ bản đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học, nhất là các trường học vùng cao đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn.

Hồng Vân

Các tin khác
Tiểu phẩm dự thi thực hiện nếp sống văn minh đô thị của khu dân cư Điện Biên, phường Đồng Tâm.

YBĐT - Xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị theo tinh thần Nghị quyết số 05 của Thành ủy Yên Bái, ngay từ đầu năm 2013, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) phường Đồng Tâm đã cụ thể hóa phương thức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, sâu rộng tới tất cả các khu dân cư.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga (thứ ba, phải sang trái) kiểm tra thi ở ĐH Thủy lợi.

Đến 5/11 các trường ĐH, CĐ sẽ nộp báo cáo kết quả tuyển sinh để Bộ GD&ĐT xem xét phương án cho khoảng 20 trường ĐH Ngoài công lập (NCL) chưa tuyển đủ người học.

YBĐT - Nhân kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất (18/11/1930 – 18/11/2013), ngày 14/11, khu dân cư thôn Bóng Bưởi, xã Xuân Ái (Văn Yên) đã tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, một trong những điểm mới trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm tới là điều chỉnh chế độ ưu tiên khu vực cho hợp lý hơn với tình hình thực tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục