Vì nữ công nhân lao động nghèo
- Cập nhật: Thứ hai, 3/3/2014 | 3:10:33 PM
YBĐT - Toàn tỉnh Yên Bái hiện có trên 20 ngàn nữ công nhân viên chức - lao động (CNVCLĐ), chiếm 53% tổng số CNVCLĐ toàn địa bàn. Hằng năm, lực lượng nữ CNLĐ luôn chiếm tỷ lệ cao trong nhóm CNLĐ phải nghỉ tự túc và luân phiên. Trước những khó khăn đó, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh hoạt động vốn Quỹ tiết kiệm Vì nữ CNLĐ nghèo.
Mô hình chăn nuôi gà của gia đình chị Trịnh Thị Phượng ngày một phát triển nhờ nguồn Quỹ tiết kiệm Vì nữ công nhân lao động nghèo.
(Ảnh: Thanh Xuân)
|
Sau 18 năm hoạt động, nguồn quỹ đã có trên 1,6 tỷ đồng, giải ngân cho gần 1.000 lượt nữ CNVCLĐ nghèo, khó khăn được vay vốn. Ban đầu, nguồn vốn quỹ còn ít ỏi, chỉ giải quyết cho mỗi trường hợp được vay 2 triệu đồng, sau đó nâng lên 5 triệu đồng, hiện đã nâng lên 10 triệu đồng/2năm/dự án. Mặc dù số vốn vay chưa đáp ứng được nhu cầu mong muốn của đông đảo nữ CNVCLĐ nhưng đã phần nào giải quyết những khó khăn trong cuộc sống cho một bộ phận nữ CNVCLĐ có thu nhập thấp.
Thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thị xã Nghĩa Lộ đã tiến hành khảo sát, làm thủ tục cho gần 20 đoàn viên vay vốn đúng quy trình, đúng mục đích, đồng thời thường xuyên quản lý, theo dõi hiệu quả nguồn vốn vay. Công đoàn cơ sở có nữ CNLĐ được vay vốn đã phối hợp tốt với công đoàn cấp trên trong việc giao vốn, quản lý vốn. Các hộ vay vốn đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, nộp lãi và gốc đủ theo thời gian quy định.
Bà Bùi Thị Kim Hoa - Chủ tịch LĐLĐ thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Mặc dù nguồn vốn cho vay không lớn, song các đoàn viên được vay vốn đã biết lựa chọn đúng mô hình phù hợp với địa phương, do đó đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trung bình mỗi hộ hàng tháng đã có thu nhập thêm từ 1 đến 5 triệu đồng, tiêu biểu như gia đình đoàn viên Hoàng Thị Duyến với mô hình làm nông nghiệp; Nguyễn Thị Hồng với mô hình chế biến nông sản; Tống Thị Hương với mô hình kinh doanh nhỏ... Từ nguồn vốn này đã động viên, khích lệ được nữ CNVCLĐ trên địa bàn vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, phấn khởi nhất là đã tạo được việc làm cho người thân trong gia đình và mang lại hiệu quả thiết thực với cơ sở trong công tác xoá đói, giảm nghèo”.
Cũng từ nguồn quỹ này, gia đình chị Hoàng Thị Lan Hương – đoàn viên công đoàn cơ sở (CĐCS) xã Đại Lịch (Văn Chấn), sau khi được vay 10 triệu đồng cùng với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã mạnh dạn đầu tư trồng 3ha rừng kinh tế, mua lợn giống, gà giống về phát triển chăn nuôi. Hiện mỗi năm gia đình chị thu nhập khoảng 15 triệu đồng từ chăn nuôi. 3ha rừng cũng đang phát triển rất tốt, sau 5 năm nữa cho thu hoạch, mỗi năm gia đình chị sẽ có thu nhập thêm hàng chục triệu đồng.
Gia đình chị Trịnh Thị Phượng – đoàn viên (CĐCS) xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái) được vay 5 triệu đồng, đầu tư vào chăn nuôi gà. Sau 2 năm đàn gà của gia đình chị đã có trên 100 con. Chị có điều kiện sửa sang lại nhà cửa và nuôi con ăn học. Chị Phượng phấn khởi cho biết: “Nhờ vào việc vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, tôi còn có thêm những kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt và biết cách tính toán hợp lý để vừa đảm bảo tài chính cho sinh hoạt hằng ngày vừa có tích lũy lâu dài”.
Xác định hoạt động của Quỹ vừa có ý nghĩa chính trị vừa có ý nghĩa xã hội, rất phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người lao động, những năm qua, Quỹ luôn được các cấp lãnh đạo đồng tình ủng hộ và được đông đảo CNVCLĐ hưởng ứng tham gia. Quá trình hoạt động không có trường hợp gặp rủi ro, vốn được bảo toàn, không có nợ xấu. Nhiều năm liền, LĐLĐ các huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái, Lục Yên, Yên Bình, các công đoàn ngành giao thông vận tải, công thương, xây dựng... là những đơn vị tiêu biểu trong công tác xây dựng và quản lý nguồn vốn quỹ.
Về những giải pháp phát triển vốn quỹ trong thời gian tới, ông Vương Văn Bằng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Để có nguồn vốn quỹ phát triển, nhằm giải quyết cho nhiều lượt nữ CNVCLĐ khó khăn, có thu nhập thấp được tiếp cận, đồng thời tăng mức vốn vay và kéo dài thời gian sử dụng vốn vay cho mỗi dự án, các cấp công đoàn trong tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa và kết quả hoạt động vốn Quỹ thông qua các mô hình sử dụng vốn quỹ có hiệu quả, gắn với việc thực hiện vận động xây dựng Quỹ vào công tác thi đua khen thưởng công đoàn, mở rộng đối tượng vận động ủng hộ xây dựng Quỹ, đặc biệt quan tâm đến các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên và ngoài địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn chú trọng thực hiện quản lý tốt nguồn vốn Quỹ, cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện vốn Quỹ, góp phần xóa đói giảm nghèo”.
Trong năm 2014, LĐLĐ tỉnh tiếp tục vận động CNVCLĐ tiết kiệm ủng hộ xây dựng Quỹ, phấn đấu nâng nguồn vốn đạt và vượt 150% so với năm 2013, giải quyết cho ít nhất 60 trường hợp nữ CNVCLĐ nghèo, khó khăn có nhu cầu được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu thập, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Với những kết quả đã đạt được, có thể nói hoạt động Quỹ tiết kiệm Vì nữ CNLĐ nghèo đã và đang trở thành chất xúc tác làm tăng thêm sự gắn kết giữa người lao động và tổ chức công đoàn; làm cho hoạt động của ban nữ công CĐCS thiết thực hơn đối với nữ CNLĐ trên địa bàn tỉnh.
Bích Khang – Thanh Xuân
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)” của Công an xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã thu nhiều kết quả từ các mô hình phòng chống ma túy, dòng họ tự quản, câu lạc bộ (CLB) phòng chống HIV/AIDS... góp phần để Liễu Đô luôn được giữ vững an ninh trật tự (ANTT).
YBĐT - Trong cuộc sống, làm việc thiện, nghĩa tình vẫn luôn được nhiều người trân trọng, sẵn lòng và coi đó là cái tâm, cái tình là trách nhiệm với những người kém may mắn hơn mình. Ai mà chẳng đôi lần làm từ thiện, giúp đỡ người khác dưới hình thức này, hình thức kia. Có khi là bằng tiền, có khi là manh áo ấm hay đơn giản chỉ là dựng hộ cái xe trong vụ va quệt...
Ngoài hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, thí sinh được chọn hai trong số sáu môn: Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Sinh học, Vật lý và Ngoại ngữ.
YBĐT - Yên Bái được coi là cửa ngõ của vùng Tây Bắc và là hậu phương trực tiếp của chiến trường Điện Biên Phủ.