Xây đền tưởng niệm 64 Anh hùng Gạc Ma
- Cập nhật: Thứ ba, 11/3/2014 | 8:30:42 AM
Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa là chương trình do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa phát động.
Thả vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh tại Gạc Ma. Đó là việc làm không thể thiếu của mọi chuyến tàu đi thăm quần đảo Trường Sa.
|
Thư kêu gọi ủng hộ chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” (11/03)
Mục đích của chương trình là vận động xây đền tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hi sinh trong trận Gạc Ma (14-3-1988), hỗ trợ gia đình của những người đã hi sinh trong hai trận chiến bảo vệ Hoàng Sa (1974) và Gạc Ma thuộc Trường Sa (1988).
Ông Đặng Ngọc Tùng (ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, chủ tịch quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng) vừa có lời kêu gọi ủng hộ chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” của quỹ Tấm lòng vàng. Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ chiều 10-3, ông Đặng Ngọc Tùng cho biết:
- Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng do Tổng liên đoàn Lao động VN thành lập nhằm giúp đỡ công nhân lao động và nhân dân trong cả nước chẳng may gặp phải thiên tai bão lũ, khó khăn, hoạn nạn. Lâu nay quỹ đã hoạt động có uy tín và hiệu quả, trợ giúp kịp thời những hoàn cảnh khó khăn và đã có một số chương trình hướng về biển đảo Tổ quốc. Ví dụ như chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” được thực hiện từ năm 2011 nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, động viên ngư dân, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá, nhất là ngư dân hoạt động trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa chẳng may bị thiên tai, hoặc bị tàu hải giám Trung Quốc xua đuổi, giam tàu, thu lưới, thu cá và ngư cụ, vững lòng tin bám ngư trường truyền thống, bám biển sản xuất, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Lần này chúng tôi phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” với hai mục đích. Thứ nhất, vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ các nguồn lực để xây dựng đền tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân VN đã hi sinh trong trận Gạc Ma (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) ngày 14-3-1988. Thứ hai, hỗ trợ gia đình, thân nhân 64 cán bộ, chiến sĩ hi sinh ở Gạc Ma và gia đình, thân nhân 74 sĩ quan, thủy thủ của VN Cộng hòa đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm vào tháng 1-1974 đang gặp khó khăn. Như vậy đây là hai việc khác nhau, mục đích trước hết là để xây dựng đền tưởng niệm như tôi nói ở trên, còn việc hỗ trợ là hỗ trợ chung những gia đình, thân nhân đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Có thể là hỗ trợ về xây dựng nhà cửa, giúp con em đến trường... Dự kiến ngày 14-3 chúng tôi sẽ tổ chức lễ phát động kêu gọi ủng hộ chương trình tại TP Đà Nẵng.
* Ý tưởng về chương trình này có từ bao giờ, thưa ông?
- Về ý tưởng thì có đã lâu, chúng ta biết rằng trong tâm tư, nguyện vọng của gia đình, thân nhân các liệt sĩ đã hi sinh ở Gạc Ma đều muốn đưa con em mình về thờ cúng ở quê hương. Nhưng giữa biển khơi thì đó là việc không thể. Chúng tôi suy nghĩ rằng những cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh ở Gạc Ma là những anh hùng, cho nên quỹ Tấm lòng vàng muốn làm điều gì đó để ghi công 64 người anh hùng, và đáp ứng nguyện vọng của thân nhân những gia đình này. Nếu chúng ta xây dựng được đền tưởng niệm thì qua đó cũng sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Cách đây ba năm, chúng tôi có làm văn bản xin UBND tỉnh Khánh Hòa một khoảnh đất, đoạn từ sân bay Cam Ranh về Nha Trang, để xây dựng đền tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh ở Gạc Ma. Đây là vị trí nhìn ra biển Đông, nhìn ra Gạc Ma. Lúc bấy giờ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cơ bản đồng ý ngay, tuy nhiên theo quy định thì cần phải làm một số thủ tục cần thiết. Về kinh phí, chúng tôi nghĩ rằng thông qua quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng, có nghĩa là do nhân dân đóng góp tự nguyện chứ không xin ngân sách. Đến nay qua trao đổi, một số bộ ngành liên quan đã có ý kiến ủng hộ chúng tôi về chủ trương.
* Đền tưởng niệm sẽ được thiết kế như thế nào?
- Chúng tôi đã nhờ Hội Kiến trúc sư TP.HCM, hiện mới dừng ở mức độ bản thảo ban đầu để xem thiết kế như thế nào. Có thể là như một công viên mà trong đó có đền tưởng niệm, trở thành không gian nơi để gia đình, thân nhân các anh hùng Gạc Ma có thể đến để tưởng niệm con em mình, cũng là nơi để mọi người VN trong nước, ngoài nước đều có thể đến tham quan, viếng các anh hùng. Chúng tôi đã liên hệ với Đà Nẵng để bàn về việc tạc 64 tượng của các anh hùng Gạc Ma. Thật lòng chúng tôi chưa có kinh nghiệm trong việc này, vì vậy sẵn sàng lắng nghe góp ý của nhân dân, của các chuyên gia.
* Vừa qua có một số ý kiến đề xuất nên có hình thức nào đó để ghi nhận những sĩ quan, thủy thủ người VN đã ngã xuống trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Ông nghĩ sao?
- Như tôi đã nói ở trên, mục đích kêu gọi ủng hộ chương trình “nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” là để thông qua sự đóng góp tự nguyện của nhân dân, trước mắt có kinh phí xây dựng đền tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân VN anh dũng hi sinh ở Gạc Ma. Tùy thuộc vào đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cùng với việc xây dựng đền tưởng niệm, nếu vẫn còn kinh phí chúng tôi sẽ thực hiện việc hỗ trợ không phân biệt đối với tất cả gia đình, thân nhân nào có khó khăn. Chúng tôi nghĩ rằng những sĩ quan, thủy thủ của VN Cộng hòa đã ngã xuống ở Hoàng Sa năm 1974 đều là những người con đất Việt, họ đã vĩnh viễn nằm lại ở vùng biển Hoàng Sa vì sự nghiệp bảo vệ biển đảo mà cha ông ta để lại.
* Chương trình sẽ được thực hiện trong bao lâu và các cá nhân, tổ chức có thể tham gia chương trình này như thế nào?
- Hiện nay chúng tôi dự kiến thực hiện trong vòng một năm (kể từ ngày phát động). Mọi đóng góp xin gửi về quỹ Tấm lòng vàng.
(Theo TTO)
Các tin khác
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tạm dừng cấp phép thành lập các cơ quan báo chí, đồng thời rà soát giảm bớt những báo hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích.
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm hơn nữa đến công tác kiểm soát thủ tục hành chính.
Theo Quyết định số 80/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc (Kiên Giang), kể từ ngày 10.3, khách nước ngoài đến Phú Quốc được miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 30 ngày, so với quy định trước đó chỉ 15 ngày.
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, dự kiến sẽ điều chỉnh lại khu vực trọng tâm cần tập trung lực lượng tìm kiếm, mở rộng về khu vực vị trí mất liên lạc ban đầu của máy bay và khu vực Nam Côn Đảo.