Tăng cường đầu tư các công trình nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn
- Cập nhật: Thứ tư, 18/6/2014 | 9:05:16 AM
YBĐT - Thực trạng cấp nước và VSMT trong các trường học, công sở công cộng, làng nghề nông thôn ở Văn Chấn nhìn chung được đầu tư tốt và đáp ứng được nước sạch và VSMT, trong đó có 70 trường học được sử dụng nước và nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 82,4%, 25/28 trạm y tế được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Người dân ở xã Sơn Lương (Văn Chấn) được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
|
Năm 2014, huyện Văn Chấn tiếp tục thực hiện Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn trên địa bàn. Kết quả theo dõi và đánh giá tại 28 xã, 3 thị trấn cho thấy, toàn huyện có trên 134 nghìn nhân khẩu, trong đó có gần 51 nghìn khẩu thuộc hộ nghèo. Trong số đó, 82.493 người được dùng nước hợp vệ sinh, chiếm 61,4%; 24.879 người nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh, bằng 49,1%.
Toàn huyện có 7.164 trụ, vòi nước máy tại nhà riêng với 32.187 người sử dụng, trong đó có 9.854 người nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh từ loại hình này. Trong năm 2013 và đầu năm 2014, có trên 600 công trình nước hợp vệ sinh được làm mới, bao gồm 632 công trình cấp nước nhỏ lẻ phục vụ trên 2 nghìn người sử dụng và 2 công trình cấp nước tập trung phục vụ cho gần 1 nghìn người. Có 14 công trình cấp nước bị hư hỏng, trong đó có 4 công trình cấp nước nhỏ lẻ của 26 người sử dụng, hỏng 8 công trình cấp nước tập trung cho trên 5 nghìn người sử dụng.
Về thực trạng VSMT hộ gia đình tại 28 xã: qua thực hiện điều tra tại 32.219 hộ, trong đó có 12.019 hộ nghèo thì số hộ có nhà tiêu 31.666 hộ, hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh 13.996 hộ, hộ nghèo có nhà tiêu hợp vệ sinh 3.681 hộ, chiếm khoảng 30%. Số nhà tiêu xây mới trong năm 2013 đến nay có khoảng 800 cái, nhà tiêu hư hỏng không sử dụng được gần 500 cái.
Thực trạng cấp nước và VSMT trong các trường học, công sở công cộng, làng nghề nông thôn ở Văn Chấn nhìn chung được đầu tư tốt và đáp ứng được nước sạch và VSMT, trong đó có 70 trường học được sử dụng nước và nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 82,4%, 25/28 trạm y tế được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Tổng số công trình cấp nước tập trung ở Văn Chấn (tính đến đầu năm 2014) có 75 công trình, cấp nước cho trên 32 nghìn người. Mô hình cấp nước do cộng đồng quản lý có 66 công trình, hợp tác xã quản lý 5 công trình. Tình trạng hoạt động bền vững có 34 công trình, hoạt động bình thường có 24 công trình và không hoạt động 13 công trình.
Với việc thực hiện Bộ chỉ số theo dõi nước sạch và VSMT đã cho thấy, số người được sử dụng nước hợp vệ sinh có tăng khá so với vài năm trước đây. Vùng đông dân, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được quan tâm xây dựng công trình cấp nước. Tuy nhiên, số hộ và nhân khẩu được sử dụng nước hợp vệ sinh chủ yếu là người ở các xã vùng ngoài, vùng thấp, các thị trấn, tập trung ở các dân tộc: Kinh, Tày, Mường.
Các xã: Suối Giàng, Suối Quyền, Sùng Đô, Nậm Mười, Nậm Lành, Nghĩa Sơn… là những xã có các điểm di dân tránh sạt lở đất, lũ quét và có đồng bào Mông, Dao, Khơ Mú… sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh còn thấp. Nguyên chủ yếu là do đồng bào sống phân tán xa nguồn nước, gây khó khăn trong đầu tư công trình cấp nước hợp vệ sinh.
Việc duy tu, bảo dưỡng công trình cấp nước còn hạn chế nên hiệu quả sử dụng chưa cao. Tình trạng thả rông gia súc ở vùng cao cũng gây ô nhiễm mạnh cho các nguồn nước. Đời sống người dân còn khó khăn nên chưa có điều kiện xây dựng các công trình đưa nước sạch về nhà.
Số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh ở vùng nông thôn còn thấp, chỉ đạt 43,44% và hộ nghèo có nhà tiêu hợp vệ sinh chỉ chiếm 30,63%. Nguyên nhân chủ yếu là do tập quán sinh hoạt, chưa coi trọng xây dựng cho gia đình mình nhà tiêu hợp vệ sinh. Vì thế, có những hộ đồng bào Mông sau khi được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, họ chỉ dùng một thời gian rồi chuyển sang làm nhà chứa củi, nông cụ.
Ngoài ra, sự bất cập trong sử dụng nước hợp vệ sinh cũng như VSMT còn do một số nơi chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nhận thức và hành động, thậm chí có nơi chưa coi trọng bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt cũng như bảo vệ nguồn nước…
Thực trạng trên đòi hỏi huyện trong thời gian tới cần tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cũng như giữ gìn VSMT vùng nông thôn, nhất là đối với các hộ nghèo, hộ dân tộc ít người ở vùng cao vì mục tiêu nâng cao sức khỏe của nhân dân, vì tiêu chí chuẩn y tế quốc gia cũng như những tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Năm học 2014-2015, học sinh tiểu học và trung học cơ sở sẽ được cập nhật những thông tin mới về công tác quân sự và giáo dục quốc phòng an ninh.
Lo lắng khả năng vỡ quỹ lương hưu, bức xúc với đề xuất tăng tuổi làm việc, mong mỏi lương tối thiểu tăng tương xứng với thực tế cuộc sống… Rất nhiều kiến nghị của cử tri gửi tới Chính phủ, UB Các vấn đề xã hội trước kỳ họp Quốc hội thứ 7.
Ngày 17.6, tổng kết 20 năm có mặt tại Việt Nam, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) đã công bố tổng số tiền tài trợ cho Việt Nam ở 75 dự án là 1,5 tỉ euro tập trung chủ yếu trong lĩnh vực hạ tầng phục vụ dân sinh các vùng nông thôn, phát triển lĩnh vực năng lượng, cấp thoát nước, môi trường…
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập Việt Nam cho rằng, việc đỗ tốt nghiệp THPT với tỷ lệ gần 100% thì cũng nên xem lại cách thi, cách ra đề của Bộ GD-ĐT.