Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe”

Cần hơn nữa sự vào cuộc của cả cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/6/2014 | 10:00:27 AM

YBĐT - Nhiều năm trở lại đây, Châu Quế Hạ đã nỗ lực thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là công tác chăm sóc bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi. Nhờ vậy, chất lượng sức khỏe của bà mẹ, trẻ em ở địa phương đã chuyển biến tích cực.

Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em luôn được quan tâm hàng đầu.
Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em luôn được quan tâm hàng đầu.

Ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa thì tình trạng kết hôn và mang thai sớm, đẻ dày, đẻ nhiều và đẻ tại nhà vẫn còn diễn ra và xã Châu Quế Hạ (Văn Yên) không phải là ngoại lệ. Song nhiều năm trở lại đây, Châu Quế Hạ đã nỗ lực thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là công tác chăm sóc bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi. Nhờ vậy, chất lượng sức khỏe của bà mẹ, trẻ em ở địa phương đã chuyển biến tích cực.

Là xã thuộc vùng 135 của huyện Văn Yên, Châu Quế Hạ có các dân tộc Dao, Xa Phó, Tày chiếm 90%, còn lại dân tộc Kinh chiếm 10%. Đời sống người dân địa phương chủ yếu dựa vào phát triển nông - lâm nghiệp, trình độ dân trí không đồng đều. Đặc biệt, xã có 14 thôn, trong đó thôn Mộ 100% là đồng bào Dao, tỷ lệ hộ nghèo 74%, đường giao thông đi lại khó khăn và cách xa trung tâm xã khoảng 15km, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng.

Theo số liệu báo cáo của Trạm Y tế xã, tình trạng mang thai sớm vẫn còn xảy ra trên địa bàn, đặc biệt ở thôn có đồng bào Dao đỏ sinh sống. Riêng thôn Mộ có 125 hộ người Dao thì hầu như các bà mẹ, trẻ em đều ít được tiếp xúc với các dịch vụ y tế; tỷ lệ mang thai lần đầu ở độ tuổi 17 - 19 còn chiếm khá cao; bà mẹ sinh con tại nhà chiếm gần 13%; trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chiếm tỷ lệ khá cao là 20%... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bà mẹ và đặc biệt với trẻ mới sinh có thể gặp các bệnh về đường hô hấp, biến chứng nguy hiểm, sức đề kháng kém.

Có thể thấy rằng, với đặc thù địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn vùng cao ít được tiếp cận thông tin, nhất là những kiến thức làm mẹ và chịu ảnh hưởng trực tiếp của tập quán lạc hậu nên chỉ số phát triển con người được đánh giáở mức thấp và những người chịu nhiều thiệt thòi nhất vẫn làphụ nữ và trẻ em. Dù đã có sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương song trong điều kiện của một trong những xã được xếp vào hàng khó khăn nhất, nhì của huyện thì công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em còn khá hạn chế.

Nhìn từ thực tế quá trình thực hiện Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe”, đồng chí Nguyễn Đức Quảng - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Có Dự án, chúng tôi họp và chỉ đạo các ngành liên quan triển khai thực hiện ngay. Ba năm trở lại đây, tình hình công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em cũng đã có những tín hiệu đáng mừng. Để đạt được kết quả như vậy, chúng tôi đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe như:nói chuyện chuyên đềcho phụ nữ mang thai,cho thanh thiếu niên lồng ghép qua các buổi họp thôn; nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các đối tượng hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp của Dự án; phát các thông điệp trên đài truyền thanh của xã… Hơn nữa, chúng tôi giao cho Trạm Y tế xã là nòng cốt trong công tác tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản”.

Đặc biệt là đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế thôn bản, các cặp vợ chồng trẻ, mẹ chồng, thanh thiếu niên; phát tài liệu với nhiều nội dung: kết hôn và mang thai sớm, chuẩn bị cho cuộc đẻ an toàn, mất cân bằng giới tính khi sinh, những dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian mang thai...

Theo bác sỹ Nguyễn Đức Ích - Trưởng trạm Y tế xã cho biết, từ nhiều năm nay, cùng với việc vận động nhân dân thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được quan tâm hàng đầu. Trạm đã xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, làm tốt công tác tham mưu cho Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân, UBND xã; chỉ đạo y tế thôn bản phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể trong thôn tích cực tuyên truyền, vận động các đối tượng thấy rằng, việc sinh đẻ là hết sức quan trọng, do vậy phải đến cơ sở y tế để sinh đẻ an toàn.

 Đồng thời, đơn vị cùng với cán bộ y tế thôn chủ động tổ chức các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, đặc biệt chú trọng đến những vùng còn khó khăn, vùng có mức sinh cao; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ tại các cơ sở y tế, duy trì tỷ lệ giảm sinh, giảm có thai ngoài ý muốn, đa dạng hóa các phương pháp tránh thai và cung cấp các biện pháp tránh thai có chất lượng.

Trẻ em dưới 5 tuổi triển khai cân, đo 2 lần/năm, tẩy giun, uống vitamin A; trẻ dưới 2 tuổi cứ 3 tháng cân một lần; trẻ từ 0 - 5 tuổi bị suy dinh dưỡng được kiểm tra định kỳ một tháng/lần; tỷ lệ trẻ em được quản lý đạt 100%, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm đáng kể; phần lớn các bà mẹ đến theo dõi thai và sinh tại cơ sở y tế đều được chăm sóc sau sinh, đặc biệt không có tai biến sản khoa, sau khi sinh được cán bộ y tế thôn bản thăm và tư vấn.

Sự can thiệp của Dự án là tiền đề quan trọng song cũng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền - đây là điều kiện căn bản để công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số ở Châu Quế Hạ có sự chuyển biến rõ rệt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trần Minh

Các tin khác
Tuyên truyền biện pháp kế hoạch hóa gia đình đến đối tượng trong vùng chiến dịch.

YBĐT - Chiến dịch tăng cường tuyên truyền lồng ghép dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ của huyện Văn Yên (Yên Bái) là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần tích cực vào công tác ổn định dân số, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ.

Cán bộ Tòa án nhân dân huyện Văn Chấn tiếp nhận, giải quyết án dân sự.

YBĐT - Thời gian qua, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Văn Chấn đã phối hợp tốt với các ngành trong khối nội chính nâng cao chất lượng xét xử các vụ án, đồng thời đưa ra xét xử nhiều vụ án lưu động ở những địa bàn phức tạp về trật tự xã hội nhằm tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL), góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội địa phương.

YBĐT - Những năm trước đây, đặc biệt trong thời kỳ bao cấp, phát thanh luôn là kênh thông tin không thể thiếu trong đời sống xã hội, hầu như nhà nào cũng có ít nhất 1 chiếc đài ra-đi-ô để nghe tin tức.

Ảnh minh họa.

Chiều 18-6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Tổng hợp số liệu của 60 Sở GD-ĐT tính đến chiều ngày 18-6, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của cả nước đạt 98,99%, tỷ lệ đỗ ở hệ bổ túc THPT đạt 88,91%. So với năm trước, tỷ lệ tốt nghiệp THPT vẫn ổn định, hệ bổ túc THPT có tiến bộ hơn (tăng 10%).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục