Đìu hiu làng cá
- Cập nhật: Thứ ba, 15/7/2014 | 3:02:34 PM
YBĐT - Khúc sông Chảy đoạn qua xã Hán Đà (Yên Bình) giờ trở nên đìu hiu và vắng vẻ. Ít ai nghĩ đây từng là một làng cá trù phú. Nước sông không còn là màu xanh trong như thuở nào mà đã trở thành một màu đen đục. Nguồn nước ô nhiễm, khí hậu thay đổi khiến cho mấy chục hộ nông dân chuyển nghề nuôi cá lồng và chài lưới tìm nghiệp khác mưu sinh.
Nước sông ô nhiễm khiến nguồn lợi thủy sản trên sông Chảy dần cạn kiệt.
|
Trên sông giờ chỉ còn lại ông Mai Văn Thi ở thôn Hán Đà 3 mặn mà với nghề nuôi cá lồng. Bao năm trời gắn bó với sông nước, xem ra ông vẫn còn nặng lòng lắm. Cái giọng nói của lão ngư hơn 70 tuổi này chất đầy sự tiếc nuối và buồn bã: "Sông Chảy trước nuôi cá tốt lắm, nước trong xanh suốt bốn mùa, sinh vật phù du nhiều, cá lớn nhanh. Các loại chép và trắm cỏ ở đây cứ được 4 - 5kg chuyên bán cho các hàng đặc sản ở thành phố Yên Bái. Nhưng 4 năm nay, nước ô nhiễm quá, cá chết sạch. Tháng 6 vừa rồi, thời tiết nắng nóng quá, nhà tôi cũng chết mất 2 lồng cá, dân chúng tôi thất thu nhiều lắm".
Cái làng nghề nuôi cá lồng trù phú với hàng chục lồng cá san sát nhau chạy kín mặt sông cứ teo tóp dần theo thời gian, rồi cũng đến lúc phải bỏ nghề hẳn, giờ chỉ còn lại lồng không, thuyền rỗng. Làm sao người dân có thể tiếp tục nuôi khi vốn và công sức ngày đêm bỏ ra gần năm trời nhưng chỉ trong một đêm cá chết sạch, nổi trắng cả mặt sông?
Nếu như nghề trồng lúa, người dân phải "trông trời, trông đất" thì cái nghề nuôi cá lồng ở đây lại phải "trông nước". Mỗi năm, người dân ở đây chỉ nuôi cá được vài tháng, người ta bảo nhau tránh những tháng từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau - khi đó vào vụ thu hoạch sắn. Vì đó là thời điểm Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Bình tại xã Vũ Linh hoạt động, nước thải từ nhà máy với nhiều chất thải độc hại theo các ngòi, lạch đổ ra sông Chảy. Thứ nước có mùi nồng nồng khó chịu đó chảy đến đâu làm cá sông, cá nuôi của người dân chết đến đó.
Ông Thi cho biết thêm: "Lúc chạy nước cũng vất vả lắm. Loại to nhà hàng mới mua, loại bé lại phải đưa lên ao chờ vụ sắn qua đi mới cho ra lồng. Nếu những gia đình ở gần ngòi, gần lạch nhìn thấy nước nhà máy sắn xả kịp thời báo cho chúng tôi biết thì còn vớt vát được chút ít, lần nào không kịp thì cá chết trắng cả. Mấy năm nay đều như vậy".
Không chỉ nghề nuôi cá lồng tàn lụi mà nghề đánh bắt cá tự nhiên cũng không còn đất mưu sinh. Ở cái đất ít rừng, ít ruộng này, hầu hết trai tráng đều là những tay chài lưới cừ khôi. Ấy vậy nhưng có những ngày, nước trong veo, nhìn đến tận đáy cũng không còn thấy bóng tôm, hình cá. Khúc sông nhộn nhịp thuở nào người quăng chài, kẻ thả rọ mỗi đêm giờ gần như khúc sông "chết". Những loại cá quý hiếm từng không thiếu trên sông Chảy như cá chiên, cá hảo, cá anh vũ… thì nay cũng gần như tuyệt chủng, chỉ còn trong những lời kể của các bậc cao niên về một thời đã xa…
Đã treo lưới từ lâu chuyển sang những công việc khác, ông Mai Thế Anh ở thôn Hán Đà 3 cho biết: "Trước kia, mỗi ngày cũng bắt được chục cân tôm, cá là chuyện bình thường nhưng nay, có khi thả rọ cả đêm chỉ được cân tôm, bán được 70.000 đồng, trừ các chi phí mua rọ, mồi không còn được là bao". Thu nhập giảm sút, không đủ trang trải cho cuộc sống ngày một đắt đỏ nên mấy chục ngư dân làng này dần chuyển qua nghề khác như thợ xây, phơi ván cho các xưởng chế biến gỗ rừng trồng và đi làm ăn xa.
Ông Nguyễn Minh Chính - Bí thư Đảng ủy xã Hán Đà cho biết: "Chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị nhiều lần, đề nghị Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Bình cần có biện pháp xử lý nước thải và không xả ra sông Chảy ảnh hưởng đến việc nuôi cá lồng của người dân thông qua các lần tiếp xúc cử tri và kiến nghị đến các cấp, các ngành cũng như cần đền bù thiệt hại cho người dân trong nhiều năm qua. Nhưng đến nay, tình trạng chưa được cải thiện và người dân cũng không được đền bù thiệt hại gì".
Không chỉ có người dân xã Hán Đà mà còn nhiều hộ nuôi cá xã Đại Minh cũng không thể khôi phục nghề nuôi cá này. Những người nông dân này, cuộc sống vốn đã khó khăn, vốn có được hầu hết vay ngân hàng nên khó khăn chồng chất khó khăn.
Vừa qua, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 267 ngày 28/2/2014, trong đó yêu cầu Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Bình tại xã Vũ Linh (Yên Bình) của Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Yên Bình phải thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong thời gian xử lý triệt để theo danh mục và các biện pháp xử lý đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; bố trí kinh phí của doanh nghiệp thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo nội dung và biện pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian hoàn thành trong năm 2014. Chế tài đã có, các ngành chức năng cần theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện xử lý nước và chất thải từ nhà máy trước khi xả thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, để gây dựng lại nghề cá cần có chính sách hỗ trợ người dân được vay vốn, đầu tư đóng mới lồng, mua con giống. Người dân cũng cần áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho cá, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đặc biệt đưa những giống cá đặc sản thích hợp với điều kiện sống trên sông Chảy như: cá chiên, trắm cỏ, chép... vào chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Hồng Khanh
Các tin khác
YBĐT – Nhân dịp kỷ niệm 64 năm ngày thành lập lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam (15/7/1950 – 15/7/2014), sáng 15/7, tại Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Yên Bái, Hội cựu TNXP tỉnh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị đánh gia kết quả hoạt động phối hợp giai đoạn 2005 – 2014 và ký kết chương trình giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh thiếu nhi và giải quyết chế độ cho cựu TNXP giai đoạn 2014 – 2017.
Hôm nay (15/7), Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an sẽ tổ chức họp báo về nạn đánh bạc trực tuyến.
YBĐT – Sáng ngày 15/7, Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế Nhật Bản tổ chức Lễ khai trương Văn phòng đại diện tại thành phố Yên Bái.