Dấu ấn một chuyến đi

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/11/2014 | 3:31:29 PM

YBĐT - Đó là chuyến đi đầu tiên được tổ chức cho đại biểu người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh đi thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại thủ đô Hà Nội và tỉnh Phú Thọ. Với mỗi đại biểu người có uy tín được tham gia, hành trình đó sẽ mãi là chuyến đi bổ ích, ấn tượng, ghi dấu trong cuộc đời.

Đoàn tham quan Bảo tàng Hùng Vương nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Đoàn tham quan Bảo tàng Hùng Vương nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Chuyến đi cũng đồng thời khẳng định sự quan tâm của tỉnh đối với người có uy tín trong đồng bào các DTTS - những người có tiếng nói và vai trò hết sức quan trọng ở cơ sở.

Là lần đầu tiên tổ chức cho các đại biểu người có uy tín đi thăm quan, học tập kinh nghiệm ở tỉnh ngoài, điều mà lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh và cán bộ phòng dân tộc các huyện, thị lo lắng nhất là sức khỏe của đại biểu. Vậy mà cả 32 người có uy tín đã ở tuổi ông, tuổi bà đều khỏe mạnh và sôi nổi trên suốt cả hành trình.

Bà Hoàng Thị Đại, dân tộc Nùng - thôn Ngòi Bang, xã Bảo Ái (Yên Bình) nói: “Tôi hay bị say xe lắm, lâu nay không dám đi đâu vì cứ sợ nhưng lần này lại không say. Lạ thật! Chắc là lần đầu tiên được đi tham quan phấn khởi quá nên quên cả say xe”. Ai cũng bảo có được đi thế này rồi mới được mở mang tầm mắt, chứ suốt ngày chỉ quanh quẩn vào ra ở thôn, ở bản chẳng biết những đổi thay, cung cách làm ăn ở nơi khác ra sao. Theo đoàn cả hành trình, tôi nhận ra rằng chuyến đi thực sự bổ ích với các đại biểu là người DTTS từ những điều đơn giản nhất.

Còn nhớ, khi đi qua cánh đồng đang có người phun thuốc bảo vệ thực vật, câu chuyện về bảo vệ môi trường được một bác châm ngòi, vậy là bao nhiêu ý kiến chung quanh vấn đề ô nhiễm môi trường được đưa ra. Nhiều người đồng quan điểm rằng những bao bì của thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng vứt vương vãi trên đồng ruộng không chỉ nguy hại với môi trường, cảnh quan mà còn hết sức nguy hiểm, có khi ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của con người, nhất là với trẻ em. Đơn giản khi chúng thấy một cái lọ đẹp vốn đựng thuốc bảo vệ thực vật đã bỏ đi trên cánh đồng, chúng có thể sẽ nhặt về làm đồ chơi, đồ dùng mà không cần biết nguồn gốc, sự nguy hại của nó. Mỗi người mỗi ý, câu chuyện đã trở nên có ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, cảnh quan và sức khỏe con người.

Riêng ông Hà Đình Nghiêm ở bản Phiêng 2, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) thì chia sẻ ngay một giải pháp hết sức thiết thực của bản ông: “Chỗ tôi cứ đổ những cái bể bằng xi măng đặt ở những điểm thuận lợi trên cánh đồng để mọi người bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng vào đấy, khi đầy thì lại tẩm dầu vào đốt”. Nhiều người tán đồng: “À, hay đấy nhỉ! Thế dân tự khác góp tiền vào xây à ông?” Ông Nghiêm bổ sung thêm: “Mỗi bể xây được xã hỗ trợ một tạ xi măng, còn lại là do nhân dân góp công, góp của thêm vào cùng làm. Giờ đã thành nề nếp, không còn thấy một bao bì, chai lọ nào vứt vương vãi trên đồng bãi như trước đây”.

Cách làm hay ở bản Phiêng 2 của ông Hà Đình Nghiêm đã được rất nhiều người quan tâm và rất có thể sẽ được nhiều người có uy tín tuyên truyền, phổ biến đến địa phương mình như một giải pháp cho vấn đề bảo vệ môi trường, cảnh quan từ những phế thải hết sức phức tạp là bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Đó còn là những câu chuyện phổ biến những kinh nghiệm làm ăn, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả, năng suất cao giữa những người có uy tín ở các địa phương cùng tham gia trong hành trình ấy. Khi thấy bà Hoàng Thị Đại ở thôn Ngòi Bang xã Bảo Ái (Yên Bình) và bà Hoàng Thị Hào ở thôn Làng Lớn, xã An Thịnh (Văn Yên) trao đổi nhau số điện thoại và những lời dặn dò, hứa hẹn, tôi đùa: “Hai bà đã kết thân rồi đấy ạ!”. Bà Đại nhanh nhảu: “Gặp nhau đây rồi thì cũng như chị em mà”. Rồi bà giải thích thêm: “Hai chị em nói chuyện với nhau về trồng cấy, cây con giống của nhà nông, cháu ạ. Bà nói chuyện về giống lúa nếp Lếch truyền thống rất dẻo, rất thơm vẫn được cấy từ xa xưa. Bà Hào thích quá muốn xin giống”. Ra vậy, Tôi vỡ lẽ câu chuyên của hai người phụ nữ uy tín từ hai địa phương cách nhau cả dặm đường mà thấy thú vị. Quả thực thêm một điều nữa để khẳng định chuyến đi đúng là bổ ích với những người có uy tín trong đồng bào DTTS từ những điều giản đơn như thế.

Các đại biểu đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay từ mô hình chăn nuôi lợn ở tỉnh Phú Thọ.

Sau những điểm thăm quan đầy dấu ấn từ Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô - Sơn Tây (Hà Nội), khu di tích Nhà sàn Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) điểm đến sau cùng trước khi kết thúc hành trình để trở về là thăm quan, học tập kinh nghiệm tại Công ty TNHH Cấp giống ăn gia súc và thương mại, dịch vụ Toàn Thu tại khu 13 xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Những kinh nghiệm hay về chăn nuôi đã được ông chủ xởi lởi hiếu khách truyền đạt hết sức mộc mạc, đặc biệt là trong chăn nuôi lợn thịt, lợn nái. Tôi cứ nhớ một câu ông chủ ấy bảo: “Tôi sẽ giúp các bác làm giàu trên mảnh đất xấu của gia đình”.

 Những lời ông nói hết sức tự tin bởi chính ông cũng đi lên từ người nông dân, từ làm ăn nhỏ lẻ để đến thành công: trong 3 năm trở lại đây, lợi nhuận luôn đạt trên dưới 1 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí. Sau khi nghe truyền đạt kinh nghiệm, những kỹ thuật cơ bản, các đại biểu được “mục sở thị” khu chăn nuôi lợn nái của gia đình ông.

Điều mà ông Vi Hiển Đu (dân tộc Tày) - người có uy tín thôn Tông Luông, xã Khánh Thiện (Lục Yên) bất ngờ nhất chính là con giống quá tốt. Ông Đu bảo: “Chưa bao giờ thấy con lợn nái nào to thế. Gia đình tôi cũng nuôi lợn nái, từ đó cung cấp giống nuôi lợn thịt nhưng mình không có được giống tốt nên nuôi chậm lớn. Mô hình rất hay đấy, mình có thể học hỏi được ở kỹ thuật chăn nuôi của họ” - ông hào hứng bảo tôi. Đặc biệt, ông tiết lộ một điều rất đơn giản nhưng vô cùng hữu ích với những người nuôi lợn nái và bảo về sẽ áp dụng ngay đó là trong chuồng nuôi lợn nái có một ngăn nhỏ để cho lợn con ăn.

Ông giải thích thêm: Thông thường khi có nái đẻ việc cho lợn con ăn theo chế độ dinh dưỡng riêng khá khó khăn vì con mẹ rất hay ăn tranh phần của con. Nhưng ở đây nhà chủ đổ một ô nhỏ dành riêng cho lợn con vào ăn, lợn mẹ không chui vào được sẽ dễ dàng chăm sóc, nuôi dưỡng lợn con một cách thuận lợi. Hay đó còn là cách khai thác tinh trùng của lợn đực giống giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mà sức khỏe của lợn đực được bảo đảm, khai thác được bền lâu, con giống lại khỏe mạnh, hạn chế nhiễm bệnh đã được ông chủ Công ty Toàn Thu truyền đạt tận tình, kỹ lưỡng.

Có lẽ những điều bổ ích, lý thú sẽ còn nhiều hơn thế nữa đối với mỗi người tham gia trong hành trình ấy. Với các bác, các ông, các bà - những người con của đồng bào các DTTS thì hình ảnh của một thủ đô sầm uất, văn minh hiện đại và phát triển sẽ mãi là niềm tự hào để luôn nhắc nhở mình còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa mà phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, thu hẹp dần khoảng cách với miền xuôi. Đây cũng là một lần họ được về nơi đất Tổ linh thiêng để được tri ân công ơn của các Vua Hùng, cũng mới biết cội nguồn tổ tông chứ không phải chỉ nghe, chỉ xem qua sách báo, truyền hình. Và cả những cảm xúc trong buổi gặp mặt với lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, hay những món quà được mang về từ mỗi địa danh, những bức hình kỷ niệm và cả ăm ắp những ký ức tốt đẹp, những kinh nghiệm quý báu chắc chắn sẽ còn lan tỏa từ mỗi đại biểu để rồi lại tự dặn lòng phải phát huy hơn nữa vai trò của mình trong cộng đồng, phải tiếp tục giữ vững uy tín để góp tiếng nói quan trọng trong công cuộc phát triển dựng xây quê hương.

Ngọc Tú

Các tin khác
Cán bộ, chiến sỹ lực lượng cảnh sát 113 luyện tập sẵn sàng chiến đấu.

YBĐT - Mưu trí, dũng cảm và nhanh nhạy trước mọi tình huống, đó là những phẩm chất của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) thuộc lực lượng cảnh sát 113 Công an tỉnh Yên Bái. Gần 15 năm hoạt động, lực lượng cảnh sát 113 đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn.

Tổ thu gom rác thôn Nước Mát thực hiện nhiệm vụ.

YBĐT - Những năm qua, thôn Nước Mát, xã Âu Lâu được đánh giá cao trong việc thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Ảnh minh họa.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam.

Thời hạn đổi giấy phép lái xe (GPLX) sang vật liệu PET là vào 31/12/2014, không áp dụng với môtô. Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị tăng cường nhân lực để tiếp nhận, và xử lý hồ sơ đổi GPLX.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục