Hiệu quả từ mô hình trợ giảng bằng tiếng mẹ đẻ

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/11/2014 | 2:54:58 PM

YBĐT - Ở một số địa phương vùng cao hoặc những xã vùng cao thuộc các huyện: Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, đồng bào Mông, Dao thường cư trú khá thuần nhất thành từng xã, bản. Vì vậy, trong giao tiếp thường nhật, bà con chỉ sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình hay nói cách khác là chỉ dùng tiếng mẹ đẻ.

Các đại biểu tham dự tọa đàm “chính sách, vai trò tiếng mẹ đẻ trong giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số.
Các đại biểu tham dự tọa đàm “chính sách, vai trò tiếng mẹ đẻ trong giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số.

Qua đó, trẻ nhỏ cũng chỉ giao tiếp hàng ngày bằng tiếng dân tộc mình, không thạo tiếng phổ thông nên đây là trở ngại lớn trong việc tiếp thu kiến thức khi các em bước vào học phổ thông. Để khắc phục tình trạng này, ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều giải pháp như đầu tư mọi điều kiện để huy động trẻ vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đi học mầm non, giúp các cháu được chăm sóc tốt về thể chất, trí tuệ, trong đó có việc giao tiếp tiếng phổ thông. Giáo viên ở vùng cao được tổ chức học tiếng dân tộc nhằm giao tiếp, truyền thụ kiến thức tốt nhất cho học sinh dân tộc…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những giải pháp này cũng chỉ khắc phục được một phần những hạn chế về tiếp thu kiến thức của học sinh thông qua tiếng phổ thông ở những năm đầu cấp. Bởi vì, khi các em nghe thầy cô giảng bài có thể nghe được tiếng phổ thông nhưng nhiều câu từ không hiểu nghĩa và rất cần được giải thích bằng tiếng dân tộc của mình. Trẻ không nắm được kiến thức ngay từ năm đầu sẽ dẫn đến rỗng kiến thức, chán học và chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Cùng với đó, trẻ không thạo tiếng phổ thông khi đi học thường có tâm lý nhút nhát, tự ti, ngại giao tiếp với thầy cô…

Để góp phần khắc phục tình trạng trên, từ năm 2009, tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision) đã triển khai mô hình bà mẹ trợ giảng ở một số huyện của tỉnh Điện Biên và Yên Bái. Tại Yên Bái, mô hình được triển khai ở một số xã của huyện Văn Chấn. Trước khi làm bà mẹ trợ giảng, các bà mẹ đã được tập huấn kỹ năng trợ giảng và được hưởng một khoản thù lao gần 1,2 triệu đồng/tháng.

Ông Lý Hữu Ngân - một "bà mẹ" trợ giảng tiếng Dao cho học sinh tiểu học xã Nậm Lành cho biết, ông nhận làm trợ giảng là vì "danh dự" của đồng bào mình. "Danh dự" mà ông muốn nói đến đó là ông muốn được đóng góp công sức của mình để con em người Dao trong xã được học tập tốt nhất giúp sau này cuộc sống ngày càng phát triển.

Khi mới được tập huấn và chưa đi vào thực tế trợ giảng, ông không nghĩ việc trợ giảng lại quan trọng đến thế. Bởi vì, con em của mình nghe được hết tiếng phổ thông do cô giáo giảng nhưng nhiều nội dung cô giáo truyền thụ từ đồ vật, sự việc đến hiện tượng thiên nhiên… trẻ chỉ biết đến qua cách gọi hoặc giải thích bằng tiếng Dao, thế nên ông lại phải giải thích cho trẻ bằng tiếng dân tộc chúng mới hiểu. Học sinh tiểu học ở Nậm Lành đã quen gọi ông là thầy Ngân.

Chị Giàng Thị Nu là bà mẹ trợ giảng tiếng Mông cho học sinh tiểu học ở xã Suối Giàng thì tâm sự, từ ngày đi làm trợ giảng, chị thấy mình tự tin hơn rất nhiều trong giao tiếp. Con em người Mông ở lứa tuổi tiểu học rõ ràng là không thạo tiếng phổ thông. Bởi thế, khi có bà mẹ trợ giảng đã giúp các cháu học tập tốt hơn. Điều hay nữa là khi đi làm trợ giảng chị đã biết được nhiều cách dạy con cái để dạy con mình và trao đổi kiến thức dạy con cái học tập cho nhiều chị em trong xã, bản.

Cùng tâm sự như chị Nu nhưng chị Triệu Thị Thương - một bà mẹ trợ giảng tiếng Dao ở xã Nậm Lành còn cho biết thêm, đi làm trợ giảng rất vui vì khi chị lên lớp nhiều bà con đã nhờ chị đưa các cháu đi học. Có sự xuất hiện của chị thì trẻ vui hơn, đỡ nhút nhát, học tập hứng thú. Mỗi khi lên lớp cô giáo chưa đến, chị thường dùng tiếng Dao để hỏi han các cháu học có hiểu bài không? Về nhà có làm theo những điều cô giáo dặn không? Ngoài việc trợ giảng kiến thức trong bài vở, chị Thương còn giúp cô giáo truyền đạt những kỹ năng sống cho con em người Dao trong xã. Nhiều điều các em chưa hiểu thì chúng mạnh dạn nhờ chị Thương bảo cô giáo giảng lại.

Để việc trợ giảng cho học sinh dân tộc thông qua tiếng mẹ đẻ được hiệu quả hơn nữa, vừa qua, tổ chức Tầm nhìn Thế giới đã tổ chức tọa đàm "Chính sách, vai trò tiếng mẹ đẻ trong giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số" tại huyện Văn Chấn. Hội thảo đã tập hợp được rất nhiều ý kiến xung quanh chủ đề trợ giảng bằng tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc thiểu số. Các ý kiến đều khẳng định, trợ giảng bằng tiếng mẹ đẻ là cần thiết và nó thực sự nâng cao chất lượng dạy kiến thức cho học sinh dân tộc. Bởi vì: "Nó lấp đầy được khoảng cách ngôn ngữ giữa thầy cô giáo và học trò"- ông Bùi Kim Đống - cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn nhận định.

Bà Hà Thị Minh Lý - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái nêu ý kiến: "Ngoài việc trợ giảng kiến thức cho học sinh, các bà mẹ trợ giảng còn là cầu nối ngôn ngữ giúp đỡ các thầy cô giáo vận động chính quyền, nhân dân tham gia tích cực vào xây dựng sự nghiệp giáo dục ở cơ sở. Cho nên, mô hình bà mẹ trợ giảng còn là một trong những nhân tố quan trọng để lĩnh vực giáo dục nâng cao được hiệu quả bền vững".

Tuy nhiên, làm thế nào để mô hình này phát huy hiệu quả vẫn đang là vấn đề nan giải do mới chỉ được tổ chức Tầm nhìn Thế giới thực hiện ở một số huyện của tỉnh Điện Biên và một số xã của huyện Văn Chấn. Trong khi đó, huyện Trạm Tấu đang cần tới 19 bà mẹ trợ giảng ở 13 trường và huyện Mù Cang Chải cũng có nhu cầu lớn vì huyện cũng chủ yếu là đồng bào Mông… Trước những khó khăn này, nhiều ý kiến đã đề xuất Trung ương cần có chính sách phù hợp trong tương lại khi mô hình bà mẹ trợ giảng bước đầu đã khẳng định hiệu quả.

Dẫu vậy, khi chưa xây dựng được chính sách liên quan đến phát huy vai trò trợ giảng bằng tiếng mẹ đẻ với học sinh dân tộc thiểu số thì ngành giáo dục và đào tạo ở những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số vẫn phải chủ động thực hiện tốt và linh hoạt những giải pháp hỗ trợ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra đối với những vùng miền núi và dân tộc như: triển khai tốt các chương trình tập huấn tiếng dân tộc cho giáo viên; triển khai tốt các chương trình hỗ trợ học tập đối với học sinh dân tộc; tăng cường công tác thi đua khen thưởng với những thầy cô sử dụng tốt tiếng dân tộc vào nâng cao chất lượng giảng dạy; tổ chức hội giảng, thi sáng kiến kinh nghiệm gắn với sử dụng tiếng dân tộc trong giảng dạy.

 Hoàng Nhâm

Các tin khác
Các hội viên CCB xã Nậm Búng luôn quan tâm, động viên và giúp nhau phát triển kinh tế.

YBĐT - Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng việc cải tạo vườn tạp kém hiệu quả, chuyển sang trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như chè, cây ăn quả và chăn nuôi trâu, bò theo hướng bán công nghiệp; đưa 100% giống lúa lai, lúa thuần có năng suất, chất lượng cao vào thâm canh.

Công chức, viên chức có thể được nghỉ Tết từ ngày 15/2/2015 đến hết 23/2/2015. Tổng số ngày nghỉ là 9 ngày nghỉ liên tục với 4 ngày cuối năm Giáp Ngọ và 5 ngày đầu năm Ất Mùi.

Tình hình an ninh trật tự được bảo đảm, nhân dân trong xã yên tâm lao động sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

YBĐT - Xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có 254 hộ, trên 1.400 nhân khẩu, với trên 90% là đồng bào dân tộc Mông. Do đặc thù địa phương vùng cao, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế cộng thêm địa hình đồi núi phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Đồng chí Trần Quang Vinh - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác Hội. (Ảnh: Quỳnh Nga)

YBĐT - Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Hội Luật gia Việt Nam và Nghị quyết Đại hội lần thứ II Hội Luật gia tỉnh Yên Bái, nhiệm kỳ qua, các cấp hội luật gia trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ II đã đề ra; đặc biệt, đã tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm trong các hoạt động chính trị, xã hội và pháp luật ở địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục