Nỗ lực vì học trò vùng cao
- Cập nhật: Thứ năm, 20/11/2014 | 8:24:52 AM
YBĐT - Nửa thế kỷ kể từ ngày thành lập, trải qua nhiều khó khăn, gian khó nhưng trong bất kì hoàn cảnh nào, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS huyện Mù Cang Chải vẫn vươn lên xứng đáng là một điểm sáng của sự nghiệp giáo dục vùng cao.
Thế hệ học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Mù Cang Chải hôm nay.
|
Dẫn tôi đi thăm một vòng khu lớp học và dãy nhà nội trú khang trang, cô giáo Nguyễn Thị Tâm - Hiệu trưởng nhà trường nhắc lại những ngày đầu đầy gian khó của trường. Năm học 1964 - 1965 – năm học đầu tiên, mới chỉ có 3 thầy giáo người miền xuôi, là những thanh niên tình nguyện đi xây dựng văn hóa miền núi theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ. Lúc đó, thầy Vũ Hải Cường được bổ nhiệm làm Hiệu phó quyền Hiệu trưởng. Ban đầu, việc vận động học sinh ra lớp rất khó khăn do phong tục tập quán lạc hậu, nạn tảo hôn phổ biến. Các thầy phải đi bộ hàng hai, ba ngày đường để đến từng xã, từng bản xa xôi cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với người dân để làm quen, sau dần vận động họ cho con em đi học.
Gọi là trường huyện nhưng lúc đó vận động các em về phải ở nhờ nhà dân và trụ sở UBND xã Kim Nọi. Lương thực, thực phẩm chủ yếu tự cấp tự túc, chỉ có muối, sách vở là Nhà nước cấp phát nhưng cũng phải đi bộ mấy ngày, dùng ngựa thồ mới có hàng về đến nơi. Sau hơn 1 năm vận động xây dựng trường lớp, dù còn tạm bợ song với công sức của thầy và trò, được nhân dân địa phương góp công gắng sức, ngôi nhà tranh vách nứa đã được dựng lên làm chỗ ở cho cả thầy và trò.
Ngày ấy, 3 thầy giáo phụ trách 44 học sinh toàn trường, tuổi từ 7-15. Từ lớp học đầu tiên, chương trình của lớp vỡ lòng, thầy phải dạy xen hai thứ tiếng, tức dạy tiếng phổ thông nhưng phải dịch ra tiếng Mông các em mới biết. Khi thầy đã quen dần trò, bắt đầu dạy các em những thói quen vệ sinh tắm giặt, cắt tóc ngắn, ăn cơm bằng bát, bằng đũa, không ăn bốc, ăn chín uống sôi...
Khi học tập và sinh hoạt đang đi vào nền nếp, niềm vui của thầy và trò đang nhen nhóm thì đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Thầy vừa phải dạy học vừa phải dạy các em chịu đựng gian khổ, dạy các em tinh thần "tương thân tương ái' giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, trong lao động, học tập; rèn luyện các em tính kiên trì, tính tự chủ độc lập và sáng tạo; vừa phải tổ chức nuôi dưỡng chăm sóc sức khỏe vừa phải bảo đảm an toàn tính mạng cho các em. Công sức của các thầy đã được đền đáp. Những lớp học sinh đầu tiên của Trường đã đọc thông viết thạo, cộng trừ nhân chia trong phạm vi 100, rồi học hết cấp 1.
Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Trường không còn phải đi sơ tán nữa và được chuyển về trung tâm huyện lỵ nhưng vẫn phải di chuyển địa điểm từ bản Thái Kim Nọi đến xã Chế Cu Nha. Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhà tranh vách đất nhưng các điều kiện tối thiểu phục vụ cho dạy và học đã từng bước được cải thiện, nơi ăn chốn ở cho thầy và trò cũng đã được đáp ứng.
Hàng năm, Trường đã bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, sự chỉ đạo của ngành giáo dục tổ chức tốt công tác dạy và học, nuôi dưỡng chăm sóc sức khỏe học sinh để các em được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể lực, vừa đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực vừa tạo nguồn cán bộ cơ sở cho địa phương. Song song với nhiệm vụ dạy tốt - học tốt, nhà trường đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm giáo dục học sinh có ý thức rèn luyện đạo đức lối sống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Thầy Giàng A Của - người gắn bó nhiều năm với nhà trường cho biết: "Từ vài thầy, cô ban đầu, đến nay nhà trường đã có 44 cán bộ giáo viên, nhân viên. Từ tranh tre, nứa lá, cơ sở vật chất nhà trường nay đã được đầu tư xây dựng với 10 phòng học và 42 phòng ở nội trú cho các em. Nhà ở bán trú hiện tại đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu giáo dục học sinh. Đáng vui hơn, nhà trường luôn duy trì được tổng số 12 lớp với gần 400 học sinh các khối lớp từ lớp 6 đến lớp 9. Để đáp ứng và phục vụ tốt yêu cầu dạy và học, đội ngũ nhà giáo tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, 100% giáo viên đạt chuẩn trở lên, trong đó 89,6% trên chuẩn. Học sinh nhà trường có nhiều tiến bộ, tỷ lệ lên lớp thường xuyên trong những năm gần đây thường đạt từ 98-100%, tỷ lệ chuyển cấp đạt 100%. Đặc biệt, năm học 2012 - 2013, có 2 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó có 1 học sinh đạt giải Nhất môn Lịch sử (giải Nhất duy nhất của cả tỉnh về môn học này). Đó là em Giàng A Vảng. Năm học 2013 - 2014, có 2 học sinh đạt học sinh giỏi môn Ngữ Văn cấp tỉnh. Trường luôn xếp nhất, nhì trong khối thi đua các trường PTDTNT THCS trong toàn tỉnh ".
Em Thào A Vàng – học sinh lớp 9A cho biết: "Em rất vui khi được học ở mái trường này vì từ điều kiện học hành đến nơi ăn ở đều rất tốt. Em được biết từ mái trường này đã có hơn 500 học sinh lớp anh, chị người dân tộc Mông đã trở thành cán bộ của xã, huyện, tỉnh và Trung ương. Em sẽ phấn đấu học hành nên người và mang trí tuệ của mình góp sức xây dựng vùng cao".
Với mục tiêu tiếp tục đổi mới giáo dục, năm 2014-2015, nhà trường phấn đấu 100% học sinh có hạnh kiểm khá, tốt; 100% học sinh xếp loại học lực từ trung bình trở lên (trong đó xếp loại khá, giỏi trên 50%); tỷ lệ lên lớp đạt 100%. Nhà trường tiếp tục đề ra các giải pháp nâng cao công tác giảng dạy theo hướng bồi dưỡng mũi nhọn. Từ những đóng góp, nhà trường đã được Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục tặng nhiều phần thưởng cao quý. Tổng kết 10 năm xây dựng hệ thống trường nội trú (1990-2000), Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ thi đua đơn vị tiên tiến xuất sắc toàn quốc; năm 2002 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2005 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì...
Chia tay mái trường nội trú vùng cao, ngắm nhìn các em học sinh đang phấn đấu học tập cùng sự tâm huyết của các thầy, cô giáo, tin rằng, sự nghiệp giáo dục ở vùng cao này sẽ ngày càng phát triển.
Minh Huyền
Các tin khác
YBĐT - Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái hiện đang quản lý trên 15.000 cán bộ, giáo viên và 169.455 học sinh từ bậc mầm non đến chuyên nghiệp, trong đó, mầm non 187 trường, 1.705 nhóm, 47.290 trẻ; tiểu học 169 trường, 2.994 lớp, 70.837 học sinh; trung học cơ sở 187 trường, 1.465 lớp, 46.343 học sinh; trung học phổ thông 25 trường, 502 lớp, 18.564 học sinh và 4.985 học sinh, sinh viên (HSSV) của các trường chuyên nghiệp.
Bộ trưởng gửi tới các cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý và công viên chức ngành giáo dục những lời chúc mừng nồng nhiệt.
YBĐT – Nhân kỷ niệm 32 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2014), ngày 19/11, trường Mầm non Minh Huệ tổ chức đêm Giao lưu văn nghệ với chủ đề “Mừng ngày hội của cô” và tổng kết trao giải Hội thi giáo viên dạy giỏi và thiết kế đồ dùng dạy học, năm học 2014 – 2015.
YBĐT - Hòa chung không khí cả nước chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các trường học trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân các thầy cô giáo. Đây sẽ là động lực để các thầy cô đem hết năng lực và trí tuệ, trách nhiệm và sự tâm huyết của mình, cống hiến cho ngành giáo dục địa phương, góp phần xây dựng thế hệ tương lai phát triển toàn diện.