Gửi những ông bố, bà mẹ đang định ly hôn
- Cập nhật: Thứ tư, 26/11/2014 | 8:43:37 AM
YBĐT - Có thể không ly hôn được không bố mẹ? Đó là suy nghĩ và cũng là ước muốn của bao đứa trẻ tội nghiệp mà tôi đọc được khi nhìn vào ánh mắt chúng. Gia đình tan vỡ - điều mà chẳng một người đàn ông hay phụ nữ nào muốn nếu nó ập đến với gia đình bé nhỏ của mình, đặc biệt khi giữa họ lại có một sợi dây gắn bó máu thịt - những đứa con bé bỏng.
Bước chân vào ngành tòa án được một năm, cô gái 24 tuổi như tôi, chưa có gia đình nhưng lại liên tiếp được chứng kiến những sự chia lìa của những đôi vợ chồng từ già đến trẻ. Tôi hiểu, chẳng sung sướng gì khi phải tìm đến tòa án nộp đơn xin “đường ai nấy đi”. Tôi hiểu, ai cũng mong muốn mình có được một gia đình hạnh phúc, cực chẳng đã họ mới tìm đến lối thoát cuối cùng này.
Một cô gái chưa kết hôn như tôi thật chẳng dám khẳng định mình “hiểu hết” về cuộc sống vợ chồng, những khó khăn của cuộc sống gia đình, những mâu thuẫn, trắc trở trong hôn nhân nhưng tôi nghĩ mình hiểu và cảm nhận được sự tổn thương lớn nhất thuộc về những đứa trẻ khi bố mẹ quyết định xa nhau.
Ly hôn, những đứa trẻ sẽ thiếu đi sự chăm sóc của cha hoặc mẹ, trẻ luôn cần cả sự yêu thương, ân cần, bao dung của người mẹ, cần sự dạy bảo, uốn nắn từ người cha. Một người mẹ hay người cha tốt đến mấy, tài giỏi nhường nào cũng không thể làm tốt cả hai vai trò ấy. Người lớn luôn có những lý lẽ của riêng họ, không ít những đôi vợ chồng khi ra tòa đã không ngừng bóc mẽ, nói xấu, đổ lỗi cho nhau, họ chứng minh tình yêu của mình dành cho con cái bằng cách hạ thấp uy tín của người còn lại, cho rằng người đó không quan tâm, yêu thương mình và con.
Nhưng xót xa thay, trong mắt những đứa trẻ vô tội, chúng chưa đủ lớn để hiểu rằng bố mẹ không còn tình cảm để tiếp tục chung sống, chúng chỉ nghĩ bố hoặc mẹ muốn bỏ rơi chúng. Vì con chưa ngoan, vì con học chưa giỏi, vì con chưa nghe lời… nên bố, mẹ mới muốn bỏ con. Đó là suy nghĩ của không ít những đứa trẻ khi thấy bố mẹ không thể chung sống cùng nhau nữa. Tự trách mình, dần dần trở nên tự ti, thu hẹp mình, mất niềm tin vào cuộc sống, nguy hiểm hơn nữa là bỏ bê học hành, sa vào các tệ nạn xã hội… sẽ là những hệ lụy xấu khi những đứa trẻ có bố mẹ ly hôn.
“ Chúng tôi kết hôn trên cơ sở tự nguyện…”, đơn xin ly hôn nào tôi đọc cũng có nội dung ấy. Dường như những ông bố bà mẹ đã quên mất rằng, họ đến với nhau bằng tình yêu và những đứa trẻ ra đời chính là kết quả của tình yêu ấy, là sự yêu thương, gắn kết giữa hai con người. Khi có con chung, đó là niềm hạnh phúc vô bờ, cũng là một trách nhiệm lớn lao. Sinh con ra, nuôi con trưởng thành, đó là quyền và cũng là nghĩa vụ thiêng liêng của cả bố và mẹ. Liệu khi ly hôn, mẹ có đủ sự mạnh mẽ, nghiêm khắc của ba khi con hư; ba có đủ sự ân cần, chu đáo của mẹ khi con ốm? Cuộc sống với bao nhiêu bão tố có thể xảy đến với chúng ta bất cứ khi nào, có một gia đình với cả bố và mẹ, đó luôn là một điểm tựa vững chắc nhất để những đứa trẻ khôn lớn và trưởng thành.
Nhưng đôi khi, ly hôn là giải pháp cuối cùng của một cuộc hôn nhân không có hạnh phúc, thì xin những ông bố, bà mẹ cũng đừng nhồi nhét vào tâm hồn trẻ những suy nghĩ tiêu cực, rằng bố là người xấu, đã ngoại tình bỏ mẹ con mình, rằng mẹ con thật ích kỷ, bà ấy không thương con.
Xin đừng để chúng phải chứng kiến những cuộc cãi vã nảy lửa, những lời lẽ thô tục miệt thị nhau, đặc biệt là cảnh bạo lực gia đình nếu không muốn sau này con trai mình cũng là kẻ bạo lực, con gái mình sẽ hận thù bố, mất niềm tin vào hôn nhân. Chúng đã thiệt thòi lắm khi chẳng đủ cha và mẹ yêu thương như những đứa trẻ khác, hãy để chúng nghĩ rằng, bố mẹ vẫn luôn yêu thương con rất nhiều, chỉ là vì hoàn cảnh bố mẹ không ở được với nhau nữa, lớn lên con sẽ hiểu.
Làm cho đứa trẻ ghét bố, ghét mẹ, không muốn gặp họ sau khi đã đường ai người ấy đi là một sai lầm lớn mà rất nhiều người sau khi ly hôn mắc phải. Đừng áp đặt suy nghĩ của mình lên những đứa trẻ vô tội! Hãy bù đắp sự thiếu thốn tình cảm gia đình cho chúng bằng cách luôn giữ hình ảnh đẹp của bố, mẹ trong tâm hồn trẻ. Để con trở thành người tốt, bố, mẹ chính là tấm gương rõ nhất cho con cái noi theo. Vì vậy, đừng để trẻ nhìn vào bố, mẹ với ánh mắt thiếu tôn trọng. Có những điều rất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến nhân cách và lối sống sau này của trẻ.
Tôi chia sẻ những điều này, trước hết bởi đó là trách nhiệm của một người làm trong ngành tòa án. Mong muốn lớn nhất mỗi lần hòa giải luôn là các cặp vợ chồng được đoàn tụ với nhau nhưng quan trọng hơn, tôi - cũng đã từng là một đứa trẻ, tôi hiểu, trân trọng, quý giá biết bao khi được sống trong tình yêu thương của cả bố và mẹ! Hi vọng, những ông bố, bà mẹ hãy cân nhắc thật kỹ giữa những điều sẽ được và mất trước khi quyết định ly hôn. Hãy nghĩ đến những đứa trẻ vô tội sẽ ra sao khi gia đình chia lìa? Mong rằng, những đứa trẻ luôn được sống trong sự yêu thương, che chở của cả cha và mẹ.
Hà Thị Mai Na (Tòa án nhân dân huyện Văn Chấn)
Các tin khác
Chiều 25-11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Thông tin - Truyền thông đã tổ chức họp báo giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2014), 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014) và 70 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2014).
Chính phủ vẫn kiên trì lộ trình tăng lương tối thiểu vùng để bảo đảm đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động vào năm 2017. Tuy nhiên cũng có một số thay đổi so với dự tính.
Phiên chính thức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ II sẽ diễn ra vào ngày 3/12/2014
YBĐT - Chiều ngày 25/11, Ban chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Yên Bái lần thứ II đã tổ chức cuộc họp tổ chức Đại hội và công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ II.
YBĐT - Trong ngày 24 - 25/11, Chi đoàn Báo Yên Bái tổ chức Đại hội Chi đoàn Báo Yên Bái lần thứ XI, nhiệm kỳ 2014 - 2017 nhằm đánh giá công tác Đoàn và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2012 - 2014 và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2014 - 2017.