Không gian lý tưởng cho văn hóa đọc
- Cập nhật: Thứ tư, 17/12/2014 | 9:48:38 AM
YBĐT - Hoạt động của Thư viện thị trấn Yên Thế bước đầu đã cho thấy những hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân, góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức xã hội. Đây là mô hình rất cần được nhân rộng.
Người dân đọc sách, báo tại thư viện thị trấn Yên Thế.
|
Có diện tích chừng 80m2 với những kệ sách ngay ngắn, những hàng sách, báo, tài liệu được phân loại rõ ràng cùng dãy bàn dài dùng để ngồi đọc, Thư viện thị trấn Yên Thế (Lục Yên) là một không gian lý tưởng cho văn hóa đọc. Dù mới đi vào hoạt động được gần 3 tháng nhưng Thư viện đã cho thấy những hiệu quả rõ ràng.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thế chia sẻ: "Trước đây, cũng như nhiều địa phương khác, điều người dân thị trấn quan tâm hàng đầu là làm thế nào để đủ ăn, đủ mặc chứ mấy ai quan tâm tới đọc sách báo. Vài năm gần đây, đời sống nhân dân trong thị trấn nâng lên, nhiều người quan tâm tới báo chí hoặc muốn tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt hay các chính sách pháp luật của Nhà nước thì lại không có điều kiện do nguồn sách hiếm hoi. Từ đó, chúng tôi nảy ra ý tưởng thành lập một thư viện nhỏ, nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh, những người ham đọc có thể tiếp cận với nhiều đầu sách, báo". Từ ý tưởng đó, địa phương đã sử dụng phòng làm việc trước kia của Ban Công an thị trấn nằm ngay trong khuôn viên của trụ sở thị trấn làm thư viện.
Để hoạt động đi vào nề nếp, hiệu quả, thị trấn đã xây dựng quy chế hoạt động và in bảng lớn treo ngay trong phòng đọc. Cán bộ văn hóa xã là người trực tiếp quản lý Thư viện. Dù mới đi vào hoạt động gần 3 tháng nhưng số đầu sách tại Thư viện khá phong phú với nhiều lĩnh vực như: pháp luật, ngôn ngữ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tác phẩm văn học nước ngoài, văn học Việt Nam, truyện thiếu nhi, chính sách, pháp luật...
Để có lượng sách, báo nhiều, phong phú phục vụ độc giả, Ban Quản lý Thư viện đã vận động nhân dân, các tổ chức cá nhân trong và ngoài địa phương quyên góp sách, báo cho Thư viện. Vừa qua, thư viện đã nhận gần 300 đầu sách, báo của nhân dân phường Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) gửi tặng. Sau khai trương, mỗi tháng thư viện thị trấn đón tiếp khoảng 400 lượt cán bộ, người dân, học sinh trong thị trấn và nhiều người dân xã khác đến đọc, nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu phục vụ cho công việc, giải trí, nâng cao kiến thức. Bước đầu, Thư viện đáp ứng được nhu cầu đọc sách báo và tìm hiểu tài liệu của nhân dân trong thị trấn và các xã lân cận. Anh Nguyễn Ngọc Mai - cán bộ Tư pháp thị trấn cho biết: "Hoạt động thư viện là một hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân rất tốt. Không gò bó thời gian, không gian, cán bộ và người dân chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, tự nâng cao hiểu biết pháp luật của mình. Bên cạnh đó, họ còn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất... từ đó nâng cao dân trí, biết tôn trọng pháp luật, mọi chủ trương của địa phương dễ dàng được người dân ủng hộ, đời sống nâng lên, tai tệ nạn được đẩy lùi".
Thư viện mở cửa hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người muốn đọc tại chỗ và cho mượn về với những thành viên có thẻ. Thủ tục đăng kí thẻ bạn đọc đơn giản và mức phí chỉ là 10 nghìn đồng/năm. Anh Trần Hữu Dũng - cán bộ văn hóa thị trấn, quản lý Thư viện cho biết: "Thẻ thư viện là để quản lý những đầu sách mượn ra khỏi thư viện, tránh tình trạng thất lạc". Đến nay, Thư viện đã có trên 80 thành viên đăng kí thẻ bạn đọc, lượng người đọc tại chỗ và mượn sách cũng tăng lên. Em Nguyễn Thị Hiền - học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Hồng Phong, thị trấn Yên Thế cho biết: "Gia đình em còn nhiều khó khăn, bởi vậy không mua được những sách, truyện thiếu nhi. Từ khi Thư viện thị trấn đi vào hoạt động, em có điều kiện tiếp cận với nhiều loại sách, tài liệu bổ ích, thiết thực phục vụ cho việc học ở trường". Việc đến thư viện đọc sách, báo đã trở thành hoạt động không thể thiếu của nhiều cán bộ hưu trí trong thị trấn. Bác Hoàng Đình Cầu - một độc giả quen thuộc cho biết: "Tôi muốn đọc sách báo, nhất là Báo Yên Bái nhưng không có điều kiện đặt mua. Từ khi thư viện của thị trấn được thành lập, tôi biết nhiều thông tin trong nước, trong tỉnh mình vì ngày nào Thư viện cũng có Báo Yên Bái mới".
Thông tin ngày một phát triển, việc duy trì văn hóa đọc ở nhiều thư viện cấp xã có nhiều khó khăn nhưng cán bộ văn hóa xã lại rất lạc quan: "Nhạt phai hay không là do quản lý, tổ chức. Đầu sách thư viện sẽ ngày một nhiều hơn và đặc biệt theo chu kì thư viện lưu động sẽ đổi mới sách thu hút được độc giả. Và hơn hết, người dân vẫn có nhu cầu đọc, nghiên cứu. Cái mà thư viện cần làm là đổi mới, cập nhật những văn bản, tài liệu về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cập nhật những tài liệu hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật mới vào sản xuất...". Hoạt động của Thư viện thị trấn Yên Thế bước đầu đã cho thấy những hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân, góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức xã hội. Đây là mô hình rất cần được nhân rộng.
Thanh Ba
Các tin khác
Sau nhiều nỗ lực không mệt mỏi, lực lượng cứu hộ đã liên lạc được với các công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm. Sức khỏe của họ hiện vẫn ổn định.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý ứng trước 555 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương cho 18 tỉnh thực hiện 48 dự án ổn định dân di cư tự do cấp bách.
YBĐT - Sáng ngày 16/12, tại tỉnh Yên Bái, Tiểu ban Lý luận về trật tự an toàn xã hội thuộc Hội đồng Lý luận Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở trong đảm bảo ANTT”.
6.000 tỷ đồng là kinh phí được đầu tư để triển khai Đề án tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030.