“Đất thiêng” Chiến khu Vần
- Cập nhật: Thứ năm, 18/12/2014 | 9:19:16 AM
YBĐT - Chiến tranh đã qua đi, cuộc sống đã đổi thay nhưng những mốc son lịch sử chói lọi một thời vẫn luôn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người con đất Việt. Với nhân dân Yên Bái, Di tích Chiến khu Vần từ lâu đã trở thành "vùng đất thiêng".
Nhà ông Trần Đình Khánh - một trong những di tích lịch sử cách mạng ở Chiến khu Vần. (Ảnh: Hoài Văn)
|
Chính tại nơi này, Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ được thành lập, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã hình thành và ra đời. Đây cũng là nơi có vai trò quyết định trong việc chuẩn bị lực lượng để đấu tranh giành chính quyền cách mạng ở hai tỉnh Phú Thọ - Yên Bái và huyện Phù Yên (Sơn La), đồng thời là căn cứ bảo đảm cho địa phương trong giai đoạn chuẩn bị cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp quyết liệt (1946 - 1954).
Cái nôi của lực lượng vũ trang
Trở lại Chiến khu xưa, theo sự chỉ dẫn của các đồng chí lãnh đạo xã Việt Hồng (huyện Trấn Yên), chúng tôi tới thăm khu nhà ông Trần Đình Khánh, cây vải của ông Đình Trung, đình làng Vần, cây gạo, cây sữa, hang Dơi - những địa điểm đã ghi dấu những sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Yên Bái và cả nước.
Chiến khu Vần là một vùng đất khá rộng, nằm ở phía nam huyện Trấn Yên và đông nam huyện Văn Chấn. Trước năm 1945, Chiến khu Vần nằm trên địa bàn 3 tổng là: Lương Ca, Giới Phiên (thuộc Trấn Yên) và Đại Lịch thuộc Văn Chấn, nay gồm 3 xã: Việt Hồng, Việt Cường, Vân Hội, trong đó tiêu biểu là 2 điểm làng Vần, xã Việt Hồng (trung tâm chỉ huy của Chiến khu) và làng Đồng Yếng, xã Vân Hội (trung tâm huấn luyện quân sự của căn cứ cách mạng Chiến khu).
Sau khi nhận định tình hình, vị trí địa lý và tinh thần của nhân dân, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ, Đội du kích Âu Cơ đã chuyển lên Đồng Yếng rồi vào làng Vần, lấy Vần làm trung tâm chỉ huy, lấy Đồng Yếng làm trung tâm huấn luyện quân sự cho hình thành Chiến khu. Lúc đó, lãnh đạo Chiến khu gồm các đồng chí: Trần Quang Bình, Bình Phương, Ngô Minh Loan, Nguyễn Phúc, Trần Đức Sắc (tức Giáo sư Văn Tân). Khi đó, Chiến khu là nơi an toàn để đón các đồng chí cách mạng kiên trung vượt ngục nhà tù Sơn La về và một số hoạt động ở miền xuôi bị lộ lên tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.
Một sự kiện trọng đại đã diễn ra tại đây: ngày 30/6/1945, Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú - Yên (Phú Thọ - Yên Bái) được thành lập - một mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự hình thành Chiến khu do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư, lãnh đạo cách mạng tại hai tỉnh Yên Bái và Phú Thọ. Từ đây đã phát triển rộng lên Lào Cai và một phần Sơn La.
Tại đây, lực lượng Đảng hoạt động có tổ chức, có nền nếp, củng cố, phát triển mạnh nên lần lượt ra đời các tổ chức như: Cứu quốc của Việt Minh, Ủy ban Cách mạng lâm thời và Chiến khu được thành lập. Đội du kích phát triển mạnh đã đánh cho chính quyền địch tan rã và đánh bại các cuộc tấn công của quân Nhật cùng bè lũ tay sai, đồng thời đã giác ngộ được các chánh tổng, phó tổng đi theo và ủng hộ cách mạng, bảo vệ vững chắc, an toàn căn cứ cách mạng Chiến khu.
Khi thời cơ đến, từ Chiến khu, quân cách mạng đã tỏa ra 3 hướng đi Phú Thọ, Yên Bái và Nghĩa Lộ để phá kho thóc Nhật chia cho nhân dân đang lúc đói khổ, một cổ hai tròng. Nhân dân càng tin tưởng đi theo cách mạng, đánh đổ chính quyền địch, giải phóng và lập nên chính quyền cách mạng ở Phú Thọ, Yên Bái và Phù Yên (Sơn La) góp phần tích cực vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc tổng khởi nghĩa có một không hai của lịch sử cách mạng - Tổng khởi nghĩa Tháng tám năm 1945.
Phát huy truyền thống anh hùng
Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng anh hùng, ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã: Việt Hồng, Việt Cường, Vân Hội (Trấn Yên) luôn đoàn kết, chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với việc đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật, giống mới cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, gắn với phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và phát triển các ngành nghề phụ, dịch vụ thương mại, đến nay, kinh tế các xã đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân có nhiều khởi sắc.
Ông Nguyễn Tư Thoan - Chủ tịch xã Việt Hồng cho biết: "Hiện, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã bình quân đạt 12%/năm; cơ cấu nông nghiệp chiếm 65%, công nghiệp - xây dựng chiếm 15%, dịch vụ 20%. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4% - 5%; 100% các hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; 70% - 80% số hộ có xe máy và phương tiện nghe nhìn; trên 70% hộ có nhà xây và nhà gỗ vững chãi; 100% trẻ được đến trường đúng độ tuổi; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hàng năm giảm".
Là người sinh ra trên đất Việt Hồng, anh Hoàng Văn Thu bày tỏ: "Tôi cảm thấy tự hào là người con của quê hương cách mạng anh hùng. Cuộc sống vẫn còn những khó khăn, vất vả, song, tôi và gia đình luôn ý thức cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong phát triển kinh tế, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thường xuyên tham gia các phong trào thi đua do tỉnh, huyện, địa phương phát động để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh".
Châu Anh
Các tin khác
Ngày 17-12, nhiệt độ tại khắp miền Bắc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu mùa đông 2014 đến nay.
Chiều 17/1, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tạm đình chỉ thi công thuỷ điện Đa Dâng - Đa Chomo cho đến khi được sự chấp thuận của Bộ Xậy dựng, Bộ Công thương.
YBĐT - Ngày 16 và 17/12, HĐND thành phố Yên Bái khóa XIX, nhiệm kỳ 2011 - 2016, đã tổ chức kỳ họp thứ 12 - kỳ họp cuối năm 2014.
YBĐT - Sáng ngày 17/12, đồng chí Tạ Văn Long - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đã đến thăm hỏi, chúc mừng các cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn căn cứ Sân bay Yên Bái và cán bộ, công nhân viên Chi nhánh Viettel Yên Bái.