Lính cụ Hồ
- Cập nhật: Chủ nhật, 15/2/2015 | 8:39:28 AM
YBĐT - “Bộ đội tỉnh Yên Bái” đã biết cách xây dựng hình ảnh đẹp của “bộ đội Cụ Hồ” trong mắt người dân, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều được các chiến sỹ “dân vận khéo”, tuyên truyền thông qua các thiết chế văn hóa, liên hoan văn nghệ ở cơ sở...
Thắm tình quân dân (Ảnh: Thanh Miền).
|
Sớm cuối đông Nậm Có (huyện Mù Cang Chải), cái lạnh e ấp nép mình vào tán rừng, nhường chỗ cho ánh ban mai mang theo mùa xuân tới. Khi những đám mây nhô ra khỏi đầu thung lũng, trượt dài theo dòng Nậm Có, ngược về phía chân đèo Khau Phạ vươn mình làm nên khung cảnh mờ ảo huyền thoại ở “cổng trời”, cũng là lúc phía bên kia, đỉnh Tà Sua, Lùng Cúng, Phình Ngài hùng vĩ của Nậm Có bắt đầu khoác lên mình màu áo mới - màu của hoa mơ, hoa mận, hoa tớ dày đỏ, trắng một vùng… Nơi đỉnh trời này, mùa xuân rất đặc biệt, vẻ đẹp ấy khiến ai từng chứng kiến cứ ngất ngây, đắm mình tận hưởng, để rồi nhớ da diết không thể nào quên… Chúng tôi đã đến đây vào một ngày như thế…
Chiếc U-oát như chú ngựa thồ cần mẫn, rẽ lớp sương mù dày đặc, đưa đoàn công tác từ thành phố Yên Bái ngược lên vùng núi rừng Tây Bắc theo trục quốc lộ 32, đến với đồng bào dân tộc Mông ở xã Nậm Có. Đây là chuyến đi dài ngày, hứa hẹn những trải nghiệm mới mẻ đối với những chiến sĩ trẻ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở vùng đặc biệt khó khăn, giúp bà con nhân dân các dân tộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và chuẩn bị tinh thần đón thêm một mùa xuân “ăn chung một tết Nguyên đán” nữa theo chủ trương của tỉnh.
Biết chúng tôi đến, Bí thư Đảng ủy xã Khang A Chua ra tận cổng trụ sở đón. Sau cái bắt tay thật chặt, đồng chí phấn chấn: “Tết này, người Mông Nậm Có được quây quần, sung túc hơn hẳn rồi. Nhiều nhà đã đủ ngô, đủ lúa để ăn, có con lợn, con gà mổ để đón tết, sắm cái xe máy để đi, mua cái mới ti vi để xem, để nghe và biết được chính sách của Đảng và Chính phủ. Bà con vui cái bụng, ấm cái lòng lắm!”.
Đại tá Đỗ Chí Thanh - Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tặng chăn ấm cho các hộ nghèo xã Nậm Có.
Thật dễ hiểu cho sự vui mừng phấn khởi cùng lời bộc bạch chân thành ấy của Bí thư Chua. Được biết, trước đây, cũng như nhiều xã vùng cao của Mù Cang Chải, Nậm Có còn rất nhiều hủ tục lạc hậu. Các bản người Mông thường làm việc cưới, việc tang kéo dài rất nhiều ngày; đồng bào ăn tết Mông đến cả tháng. Vẫn chưa hết, những khi con, cháu đi học xa, nghỉ tết Nguyên đán về nhà, lại “ăn tết” nữa, vừa phải giết thêm con trâu, mổ thêm con lợn, nghỉ việc làm nương, làm rẫy.
Trước kia, khi “bộ đội tỉnh Yên Bái” (là cách gọi thân mật của đồng bào nhân dân các dân tộc ở xã Nậm Có đối với cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Bộ CHQS tỉnh chưa lên thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) trực tiếp giúp đồng bào, người Mông nơi đây chưa biết trồng cây lúa nước, cây ngô năng suất cao, chưa quen nuôi nhốt con trâu, con ngựa trong chuồng, thậm chí đến gần tết, rét nhiều, gia súc, gia cầm cứ “lăn ra” chết rét và chết vì bệnh dịch. Vì vậy, rất ít khi đồng bào có đủ lúa, đủ ngô để ăn khiến cái đói, cái nghèo cứ đeo bám lấy từng nhà, từng hộ người Mông đời này sang đời khác, năm này qua năm khác…
Nay thì khác rồi. Từ khi các CBCS phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương bắt tay xây dựng nếp sống mới, vận động từng hộ gia đình đăng ký thực hiện nếp sống văn hóa và ăn chung một tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc; việc cưới, việc tang không kéo dài ngày như trước nữa; đồng bào được tư vấn về kỹ thuật, hỗ trợ về vốn, giống cây trồng, vật nuôi nên đã chuyển đổi, thực hiện thâm canh, tăng vụ, đưa giống lúa, ngô có năng suất cao vào gieo cấy…
Tiêu biểu nhất phải kể đến kết quả của vụ đông xuân năm 2013 - 2014, toàn xã gieo cấy được 250ha lúa, năng suất trung bình gần 56 tạ/ha, sản lượng gần 1.400 tấn; vụ ngô xuân hè 500ha, năng suất 46 tạ/ha; gia súc, gia cầm nuôi nhốt trong chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh và giữ ấm khi mùa rét đến nên phát triển nhanh và nhiều hộ đã mạnh dạn đưa các giống cây có giá trị kinh tế cao như sơn tra, thảo quả… vào trồng trên diện tích đất rừng, đồi được giao nhận. Trên đà phát triển theo hướng tiến bộ, biết làm và biết học cách làm, từ một xã gần như 100% hộ nghèo (năm 2011), đến nay, Nậm Có đã có 30% hộ đã thoát nghèo, nhiều nhà mua được xe máy, ti vi; hoàn thành 8 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 100% học sinh trong độ tuổi đến trường…
Trao đổi với chúng tôi về những việc làm giúp đồng bào vùng cao Nậm Có, Đại tá Nguyễn Văn Ngọc - Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh chia sẻ: “Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái (theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 19/10/2011), Bộ CHQS tỉnh đã tiến hành khảo sát, trực tiếp tham gia giúp đỡ toàn diện xã Nậm Có. Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức hàng nghìn lượt cán bộ, nhân viên trực tiếp xuống địa bàn, bám xã, bám bản, nắm tình hình, tư tưởng, dư luận nhân dân; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào; phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản; thực hiện “ba bám, bốn cùng”, “nói đi đôi với làm”; gắn tuyên truyền, vận động với phổ biến, triển khai các chủ trương, chính sách mới của địa phương; lồng ghép các phong trào thi đua với nâng cao trách nhiệm của từng tổ chức, của đội ngũ cán bộ, đảng viên bằng nhiều nội dung, hình thức đa dạng”.
“Bộ đội tỉnh Yên Bái” đã biết cách xây dựng hình ảnh đẹp của “bộ đội Cụ Hồ” trong mắt người dân, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều được các chiến sỹ “dân vận khéo”, tuyên truyền thông qua các thiết chế văn hóa, liên hoan văn nghệ ở cơ sở hoặc duy trì “nền nếp, thời gian công sở”; tổ chức tọa đàm với các chủ đề “thanh niên vùng cao lập thân, lập nghiệp”; tổ chức các hoạt động “Ngày vì người nghèo”, “vì tương lai trẻ em, học sinh vùng cao”... Với phương châm “chung tay vì cuộc sống đồng bào”, CBCS còn giúp đỡ đồng bào bằng những việc làm cụ thể, vì vậy, “lời nói hay, việc làm tốt” của bộ đội đã “thấm” vào lòng dân.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư Nậm Pẳng, xã Nậm Có.
Theo chân những “chuyên gia” đi rừng, trèo đèo, vượt suối, chúng tôi đến Lùng Cúng - một bản người Mông xa trung tâm xã và khó khăn nhất ở Nậm Có hiện nay. Vừa bước đi trên con đường mới mở, Trưởng bản Chang A Của vừa chia sẻ: “Bản mình có 103 hộ, với hơn 730 nhân khẩu. Trước đây, chưa có đường, người dân bản mình đi lại khó khăn lắm, nhất là trẻ con đến trường, người già đi chữa bệnh càng vất vả. Giờ, có con đường mới, việc xuống xã, xuống huyện thuận lợi nhiều rồi. Ô tô từ dưới huyện chở được nhiều hàng hóa lên bản cho bà con đón tết, giá cũng không còn cao như trước nữa".
Con đường mà Trưởng bản Của nói đến ấy chính là công sức của CBCS Bộ CHQS tỉnh phối hợp với bà con dân bản mà thành. Có con đường, ánh sáng văn minh đã tới gần hơn với đồng bào nơi đây, cái đói nghèo dần nhường chỗ cho những bài học làm kinh tế, những mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Già bản Chang Nhà Dê, 95 tuổi, không giấu được niềm xúc động: “Vui cái bụng già lắm! Cái đói, cái nghèo đang từng bước rời xa người Mông mình rồi, cán bộ à! Bộ đội giúp dân làm đường, giúp dân trồng cấy, giúp dân có cuộc sống ngày thêm no ấm, ưng lắm”.
Chia tay Nậm Có trong hơi thở ấm áp hiện hữu của mùa xuân, phảng phất mùi thơm ngào ngạt của những đám mạ non xanh rì trên những tràn ruộng mà ai cũng thấy lưu luyến, thân thương xen lẫn tự hào. Bởi nơi đây, từng việc làm của những người lính Cụ Hồ đã và đang chung tay, góp sức xoá đói, giảm nghèo, củng cố thêm niềm tin của đồng bào với Đảng. Tuy cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, song những đổi thay của các bản làng như ở Nậm Có đã tạo nên một diện mạo mới, sức sống mới nơi vùng cao Tây Bắc.
Thiên Cầm - Hoàng Chung
Các tin khác
YBĐT – Chiều ngày 14/2, Văn phòng UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015.
YBĐT - Thực hiện chương trình tình nguyện mùa đông – xuân 2015 của Hội LHTN Việt Nam tỉnh Yên Bái, nhân dịp chuẩn bị đón xuân mới Ất Mùi, ngày 14/2, Tỉnh đoàn Yên Bái, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Yên Bái phối hợp với Hội Doanh nhân Việt Nam tỉnh Yên Bái, cửa hàng thiết bị âm thanh R8 Tuân Linh đến thăm tặng quà, chúc tết các đơn vị lực lượng vũ trang, y tế đang làm nhiệm vụ trực tết trên địa bàn thành phố Yên Bái.
YBĐT - Tết Ất Mùi 2015 là Tết Nguyên đán thứ 3, đồng bào Mông ở Yên Bái ăn Tết chung cùng cả nước làm ấm thêm tình người quê núi cứ mỗi độ xuân về! Với sự quan tâm, chăm lo của chính quyền các cấp, đồng bào Mông sẽ được đón một cái Tết vui vẻ, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm, thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
YBĐT - Nhân dịp đón Tết Ất Mùi 2015, chiều ngày 13/2, Trường Mầm non Lê Quý Đôn (thành phố Yên Bái) tổ chức chương trình “Bé vui đón tết”, giúp các bé được hòa mình vào các trò chơi dân gian bổ ích, đồng thời cũng giúp cho các bé hiểu biết thêm về Tết cổ truyền của dân tộc.