Chọn trường, chọn nghề trước kỳ thi “2 trong 1”: Cơ hội mở

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/3/2015 | 9:41:26 AM

YBĐT - Đến hẹn lại lên, học sinh lớp 12 đang chạy nước rút chuẩn bị bước vào chặng đường thử thách, kết thúc 12 năm đèn sách. Năm nay, có nhiều điểm mới trong thi cử và chỉ còn duy nhất một kỳ thi quốc gia cho hai mục đích xét tuyển tốt nghiệp THPT và đăng ký tuyển sinh vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).

Cô và trò Trường THPT Trần Nhật Duật, huyện Yên Bình trong giờ ôn tập.
Cô và trò Trường THPT Trần Nhật Duật, huyện Yên Bình trong giờ ôn tập.

Cùng với khoảng 2 triệu thí sinh trong cả nước, các em học sinh lớp 12 ở Yên Bái sẽ đứng trước sự chọn lựa tương lai, nghề nghiệp của mình. Với những đổi mới của kỳ thi “2 trong 1” này, thầy cô và các em học sinh đều nhận định rằng, cơ hội chọn lựa nghề nghiệp được mở rộng hơn.

Trước mỗi kỳ thi ĐH, CĐ, vấn đề chọn trường, chọn nghề luôn luôn nóng bởi đã từng có những con số thống kê, sinh viên ra trường thất nghiệp, làm trái ngành, trái nghề học không phát huy được năng lực, sở trường của bản thân... Vì vậy, vài năm trở lại đây, hoạt động tư vấn hướng nghiệp học sinh lớp 12 chọn trường, chọn nghề phù hợp luôn được các nhà trường, gia đình quan tâm, chú trọng, đặc biệt trước mỗi kỳ thi ĐH, CĐ.

Cô giáo Nguyễn Thị Hường - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A8, Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái cho biết: “Cũng như mọi năm, chúng tôi định hướng các em chọn trường, chọn nghề hãy căn cứ vào khả năng thực tế của bản thân. Nhất là năm nay, chỉ có một kỳ thi chung, chúng tôi luôn nói với các em rằng không được đánh giá quá cao khả năng bản thân để lựa chọn xét kết quả thi tốt nghiệp hay xét kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật thông tin và hướng dẫn các em tìm hiểu thông tin về nhu cầu lao động hiện nay cộng với khả năng, ước muốn của bản thân để lựa chọn cho phù hợp”.

 Sau khi xét trên sở trường, nguyện vọng của bản thân và định hướng của thầy cô, em Dương Ngọc Anh - lớp 12A5, Trường THPT Lý Thường Kiệt đã xác định: “Em xác định được lực học của mình nên em sẽ đi học nghề. Và em yêu thích công việc chăm sóc sắc đẹp. Vì vậy, em chỉ dự thi xét kết quả THPT với 4 môn thay vì 6 môn như mọi năm. Gia đình hoàn toàn ủng hộ với sự lựa chọn của em”. 

Trong thời đại của công nghệ thông tin và bùng nổ thông tin hiện nay, cùng với việc học trò ngày càng năng động hơn rất nhiều, các em dễ dàng tìm hiểu, cập nhật từ nhiều nguồn khác nhau, trang bị cho mình những thông tin trong việc chọn trường, chọn nghề. Em Nguyễn Xuân Tùng - lớp 12A1, Trường THPT Trần Nhật Duật, huyện Yên Bình ước mơ trở thành một lập trình viên nên em sẽ đăng ký ĐH Bách khoa Hà Nội, Khoa Công nghệ Thông tin. Em chia sẻ: “Em thích tìm tòi về máy tính và những ứng dụng hữu ích trong đời sống. Bố mẹ em rất ủng hộ sự lựa chọn này của em”.

Em Trần Khánh Toàn - lớp 12A1, Trường THPT Lý Thường Kiệt cho biết: “Em sẽ dự tuyển vào Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Khoa Cầu đường. Em chọn trường này từ khi em học lớp 10. Gia đình em thuần nông, không có người làm trong ngành này nhưng em đã tìm hiểu rất kĩ về học Khoa Cầu đường ra sẽ làm gì, làm được ở những đơn vị nào. Em rất thích những công việc liên quan đến thiết kế và xây dựng những con đường, những cây cầu”.

Thầy Đào Quang Hải - giáo viên Trường THPT Trần Nhật Duật:

“Kỳ thi chung giúp các em phân định rõ ràng mục tiêu của mình rồi mới lựa chọn cách thực hiện. Tôi thường nói với các học trò của mình hãy chọn nghề phù hợp với năng lực của các em. Đó là yếu tố thành công hàng đầu. Sau đó hãy dựa vào kết quả học tập của mình, xác định hoàn cảnh gia đình để lựa chọn trường, chọn ngành hay chọn học nghề. Từ đó sẽ cho các em 2 phương án thực hiện chọn xét kết quả ĐH, CĐ hoặc xét kết quả tốt nghiệp. Chính điều này làm cho con đường đi tới ước mơ nghề nghiệp của các em rõ ràng nhất”. 

Cũng như hầu hết các bạn, Tùng, Toàn đã lựa chọn cho mình khối thi phù hợp với ngành nghề mà các em xác định từ những năm đầu cấp. Nhưng với sự đổi mới về một kỳ thi chung, “chiến thuật” của các em cũng đã phải thay đổi. Toàn cho biết: “Em xác định khối A từ năm lớp 10 nhưng năm nay kỳ thi chung quốc gia với 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và môn tự chọn, em đã phải gấp rút ôn luyện Văn và Ngoại ngữ. Em sẽ đăng kí môn tự chọn là Hóa học và song song ôn luyện môn Vật lý dự phòng Trường ĐH Xây dựng yêu cầu thêm”. Còn Tùng, ngoài các môn thi tốt nghiệp, em ôn luyện thêm các môn phục vụ cho việc thi chọn của các trường nếu có: “Em đoán các trường tốp trên sẽ thi chọn thêm nên em ôn luyện thêm các môn phục vụ các trường khối A, khối B. Với kỳ thi chung và sự chuẩn bị thêm các môn của em thì cơ hội lựa chọn trường, chọn nghề của em khá rộng”.

Sau những lo lắng, thậm chí là hoang mang ban đầu khi chủ trương một kỳ thi chung của Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra, đến nay, các em học sinh đang thấy được những lợi thế của một kỳ thi chung mà một trong những lợi thế các em thấy rõ nhất là cơ hội mở cho việc chọn trường, chọn nghề của các em. Cô giáo Đồng Thị Xiêm - chủ nhiệm lớp 12A2, Trường THPT Trần Nhật Duật khẳng định: “Kỳ thi chung mở ra cơ hội lựa chọn trường, chọn nghề cho các em nhiều hơn. Sau khi thi, dựa trên kết quả làm bài của mình, các em lựa chọn trường phù hợp và chuẩn hơn rất nhiều”.

Em Đặng Khánh Linh - lớp 12A3, Trường THPT Trần Nhật Duật đã dự định cho mình những nguyện vọng sau nguyện vọng lớn nhất của em vào Học viện An ninh: “Kỳ thi cho em nhiều cơ hội thực hiện nguyện vọng và niềm yêu thích của em. Theo cơ chế, em được dự tuyển 4 trường nữa. Em sẽ sử dụng cơ hội đó để dự tuyển vào các ngành lực lượng vũ trang, bảo vệ an ninh trật tự bởi em khâm phục những vị tướng tài ba của dân tộc”.

Em Nguyễn Thị Liên - lớp 12A1, Trường THPT Trần Nhật Duật chia sẻ: “Năm nay, em đăng kí Học viện An ninh. Em đã tìm hiểu thông tin về nhà trường và các ngành học trên Internet. Sau khi nghiên cứu và được sự tư vấn của thầy cô và gia đình, em chọn ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước sẽ phù hợp với một bạn gái muốn đứng trong hàng ngũ bảo vệ an ninh trật tự. Em đang nghiên cứu về ngành học này ở một số trường khác bởi em có 4 nguyện vọng. Sau khi thi xong, dựa trên kết quả thi, em sẽ lựa chọn ngành học đó ở trường phù hợp”. Một ngành học nào đó có thể có ở nhiều trường khác nhau và kỳ thi chung với ưu điểm thi xong rồi mới chọn trường dự tuyển sẽ cho các em học sinh cơ hội thực hiện ước mơ, ngành nghề phù hợp, yêu thích.

Những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia năm nay theo hướng nhẹ nhàng, thuận lợi, mở ra cho các em nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành nghề phù hợp, làm giảm sức nóng của câu chuyện chọn nghề, chọn trường trước mỗi kỳ thi ĐH, CĐ.

Hoài Anh

Các tin khác
Ảnh chỉ có tính minh họa.

Ngày 10/3, Công an thành phố Hà Nội tổ chức triển khai các phương án bảo vệ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU 132) diễn ra tại Hà Nội.

YBĐT - Ngày 10/3, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi đua – khen thưởng năm 2014, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015. Đồng chí Ngô Thị Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. (ảnh)

Tiểu phẩm “Cây mít bít cây na” của đội hòa giải huyện Trấn Yên tại Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Yên Bái năm 2014.

YBĐT - Phòng Tư pháp huyện Trấn Yên đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL, nâng cao vai trò, trách nhiệm, chủ động của các ban, ngành, tổ chức đoàn thể và các xã, thị trấn đối với công tác này, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương, tạo sự chuyển biến về chấp hành pháp luật trong nhân dân.

YBĐT - Đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi gắn với ứng phó biến đổi khí hậu được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện có kết quả một trong ba khâu đột phá là phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục