Văn Chấn: Lao động nông thôn ổn định cuộc sống nhờ được đào tạo nghề

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/3/2015 | 10:02:46 AM

YBĐT - Một trong 29 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Chấn lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đề ra là đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 32% trở lên. Để thực hiện mục tiêu này, Huyện ủy-HĐND-UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, vận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo việc làm...

Nông dân Văn Chấn chăm sóc rau màu.
(Ảnh: Hồng Duyên)
Nông dân Văn Chấn chăm sóc rau màu. (Ảnh: Hồng Duyên)

Từ năm 2010 – 2014, các cơ sở dạy nghề sử dụng đúng chương trình giáo trình dạy nghề, tài liệu chung cho 34 nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp (sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đặt hàng biên soạn đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong 4 năm, đã tập trung đào tạo 17 nghề cho lao động nông thôn, gồm: 8 nghề cho lao động phi nông nghiệp là kỹ thuật xây dựng, may dân dụng, sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa thiết bị máy nông cụ, sửa chữa xe máy, thêu dệt thổ cẩm, chạm khắc đá, chế biến chè; lao động nông nghiệp được đào tạo 9 nghề: chăn nuôi - thú y, trồng trọt và chế biến nông sản, nuôi cá nước ngọt; kỹ thuật trồng nấm, trồng ngô, trồng lúa; chăn nuôi lợn, chăn nuôi lợn nái sinh sản; sản xuất rau an toàn.

Căn cứ vào nhu cầu của địa phương và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của huyện đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn các UBND xã, thị trấn khảo sát nhu cầu, lựa chọn nghề phù hợp, bền vững, có khả năng thu hút nhiều lao động vào làm việc để đào tạo nghề.

Từ năm 2010 – 2014, đã xây dựng và triển khai có hiệu quả 9 mô hình thí điểm đào tạo nghề với số lao động đào tạo là 265 người. Nổi bật là mô hình kỹ thuật trồng nấm tại các xã Sơn A, Phúc Sơn. Lao động qua đào tạo đã sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm nấm sản xuất ra của các hộ được các chủ đầu tư bao tiêu, thu nhập bình quân từ trồng nấm đạt 2 triệu đồng/người/tháng. Mô hình chăn nuôi lợn thịt mở tại xã Tân Thịnh giúp cho lao động nông thôn tự tạo việc làm, sản xuất lợn thịt tại địa phương với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình đào tạo kỹ thuật xây dựng tại xã Thượng Bằng La tạo nghề cho lao động trong xã đi làm việc tại các doanh nghiệp xây dựng trong và ngoài tỉnh, mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình chạm khắc đá tại xã Sơn Thịnh đem lại việc làm và thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng ...

Trong số những lao động được đào tạo nghề, ổn định cuộc sống nhờ có thêm thu nhập có hộ chị Mã Thị Chương ở thôn Gốc Bục, hộ Đinh Văn Thiếng ở thôn Ao Luông 1; hộ chị Lò Thị Huế, Hà Thị Yến   ở thôn Bản Lụ 2 xã Phúc Sơn thu nhập bình quân tháng đã tăng thêm 2 – 2,3 triệu đồng nhờ trồng nấm. Ở xã Tân Thịnh, thôn 4 có hộ chị Bùi Thị Phương, từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sau khi qua đào tạo nghề đã phát triển đàn lợn, thu nhập tăng thêm bình quân 8 triệu đồng/tháng; thôn 13 có hộ anh Lê Văn Song nhờ được đào tạo nghề đã có thu nhập tăng thêm 6 triệu đồng/tháng từ chăn nuôi lợn.

Trường hợp anh Hà Văn Dưỡng ở Bản Phiên 1, xã Sơn Thịnh là một ví dụ sinh động về hiệu quả của công tác đào tạo nghề, từ một lao động chưa có việc làm ổn định, anh Dưỡng tham gia lớp đào tạo nghề chạm khắc đá mỹ nghệ. Sau khi được đào tạo, anh đã được nhận vào làm việc ở cơ sở chạm khắc đá tại thị trấn, tới nay anh đã ổn định cuộc sống nhờ có tay nghề với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng...

Công tác đào tạo nghề ở Văn Chấn đang đi đúng hướng, tập trung hướng mạnh vào nghề cho lao động nông thôn gắn với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nếu như 5 năm từ 2006 – 2010, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 3.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 18,56%, tỷ lệ hộ nghèo còn 30,44% thì tới năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng lên 32,57%, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 20,62%, trên  5.150 lao động được đào tạo nghề, riêng đào tạo nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã đào tạo cho 4.106 lao động.

Quốc Khánh

Các tin khác
Tiêm chủng cho trẻ em ở Hà Nội.

Thời gian vừa qua đã xảy ra hiện tượng thiếu vắcxin tiêm chủng dịch vụ, đặc biệt là vắcxin 6 trong 1 và 5 trong 1 đã gây bức xúc trong dư luận và dẫn đến tâm lý chờ đợi tiêm vắcxin dịch vụ của người dân, tạo nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn trao tặng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bộ Bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”.

Ngày 11-3, tại Hà Nội, Bộ Thông tin - Truyền thông đã trao tặng bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa - Những bằng chứng lịch sử” cho Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

YBĐT - Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Yên Bái vừa tổ chức Hội nghị triển khai Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ VII mùa giải 2015 - 2016 và Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 11. (ảnh)

YBĐT - Sáng 11/3, Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh Yên Bái phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm Trung ương Đoàn tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghề nghiệp cho học sinh khối THPT năm 2015 tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, TP Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục