“Tiếp lửa” văn hóa đọc
- Cập nhật: Thứ tư, 22/4/2015 | 11:06:34 AM
YênBái - YBĐT - Trong thời buổi số hóa với tốc độ phát triển “chóng mặt” của công nghệ thông tin làm cho việc tìm kiếm thông tin nhanh trở nên dễ dàng và đơn giản đã tác động không nhỏ đến cách sống và lối suy nghĩ của nhiều người, trong đó có sự thay đổi về thói quen đọc sách.
Ngày hội đọc sách thu hút đông đảo học sinh đến tham quan, tìm những cuốn sách yêu thích.
|
>> Ngày hội sách - Không gian văn hóa cho người yêu sách
Giờ đây rất khó có thể bắt gặp hình ảnh một ai đó giở sách ra đọc tại những nơi công cộng mà thay vào đó, khá phổ biến là hình ảnh mỗi người trên tay cầm một chiếc điện thoại vào internet để lướt Facebook, dạo chơi trên các trang mạng xã hội, xem phim hay nghe nhạc. Thói quen đọc sách giấy đang dần mai một. Làm thế nào để giữ lửa đam mê đọc sách cho mỗi người dân là câu hỏi không dễ trả lời!
“Lướt web” thay vì đọc sách
Khi kinh tế tri thức đang ngày càng chứng minh sức mạnh và hiệu quả của nó thì sách trở thành công cụ trí tuệ không thể thiếu được trong thời đại ngày nay. Bởi vậy mà sinh thời, Lê-nin đã từng nói: “Không có sách thì không có tri thức/Không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế thị trường cùng với rất nhiều loại hình thông tin giải trí đa phương tiện thì việc đầu tư thời gian đọc một cuốn sách giấy bỗng trở thành “xa xỉ”.
Tình trạng này xảy ra ở tất cả các thành phần, lứa tuổi. Việc đọc nhanh, đọc lướt, đọc ngắn trở nên phổ biến. Hình ảnh của lũ trẻ ngày xưa với khuôn mặt hớn hở khi chuyền tay nhau những cuốn sách cũ rích, sờn gáy rồi ngấu nghiến đọc, rồi tụm năm tụm bảy lại hả hê tranh luận về những gì đã được đọc chỉ còn là dĩ vãng. Những cuốn sách hồi ấy dù đã sờn vì qua tay nhiều người đọc nhưng sao quý giá đến thế! Rồi tuổi thơ của lớp người ấy cứ lớn dần theo những trang sách.
Trong cuộc sống hiện đại bây giờ, điều kiện được tiếp cận với thế giới tri thức của mỗi người trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết bởi thị trường sách ngày nay vô cùng phong phú về nội dung cũng như hình thức lại chưa kể vô vàn cách tiếp cận. Nhưng văn hóa đọc lại đang định hình một “phong cách mới”. Có những bạn trẻ cho rằng đọc sách bây giờ là lạc hậu. Đây là thời đại công nghệ thông tin thì phải lên mạng đọc vừa nhanh vừa dễ, lại đỡ tốn kém! Không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội mang lại song dường như đa số người dân ngày nay đang bị đắm chìm trong thế giới ảo mà quên đi việc trau dồi cho mình những tri thức vô giá từ những cuốn sách giấy bổ ích. Không chỉ riêng các bạn trẻ mà sự hiện đại của khoa học kỹ thuật đã len lỏi, tác động đến tâm lý của cán bộ công chức, viên chức và người dân.
Chị Trần Tâm Tư - một công chức chia sẻ: "Thời đại thông tin ngày nay đã tạo điều kiện và cơ hội cho con người giao lưu, gắn kết, chia sẻ những sở thích, sự quan tâm, những ý tưởng hay qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Với sự tiện ích, hấp dẫn của mạng xã hội thì lãng quên việc đọc sách cũng có phần đúng bởi có bao nhiêu thời gian thì mọi người đều đã dành cho việc sử dụng công nghệ rồi". Ý nghĩ đó không sai nhưng rất may, cũng không phải là tất cả...
Giữ “lửa” tình yêu với sách
Người dân phố Trung Tâm, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) và nhiều người dân trên địa bàn thành phố Yên Bái đã quá quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi luôn cặm cụi bên những cuốn sách tại thư viện sách miễn phí của mình. Đó là bà giáo Lưu Thị Nguyệt Minh. Là một giáo viên dạy Văn đã nghỉ hưu, bà Lưu Thị Nguyệt Minh luôn đau đáu một suy nghĩ là làm thế nào để văn hóa đọc sẽ được thế hệ trẻ ngày nay yêu thích và lưu giữ khi mà ở thời đại bùng nổ thông tin, có rất nhiều “thư viện ảo” được các em tiếp nhận. Suy nghĩ đó đã thôi thúc bà mở Thư viện sách miễn phí Minh Ân với mong muốn tạo điều kiện cho các em được tiếp cận với nguồn sách bổ ích, phong phú, phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu.
Bà Minh chia sẻ: “Sách như một người bạn thân thiết của tôi nên từ lâu tôi luôn có thói quen sưu tầm những cuốn sách hay, sách quý. Thấy nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có sách, truyện để đọc nên khi về nghỉ hưu tôi đã mở thư viện sách miễn phí này. Tôi nghĩ đây là việc làm xuất phát từ cái tâm của mình thôi, vừa để cho các cháu có nơi sinh hoạt bổ ích sau những giờ học căng thẳng vừa là nơi để những người có chung sở thích yêu sách gặp gỡ nhau, tiếp thêm niềm đam mê đọc sách cho mọi người”.
Luôn chịu khó sưu tầm sách và hàng tháng ông bà trích ra 2 triệu đồng tiền lương hưu để mua sách và làm từ thiện, thư viện của gia đình bà đã dày theo năm tháng với 13.000 cuốn sách đủ các thể loại. Ngoài ra, thư viện của gia đình bà còn được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trên địa bàn tỉnh. Thư viện tỉnh Yên Bái cũng đã ủng hộ bàn, ghế và sách cho Thư viện miễn phí Minh Ân.
Văn hóa đọc hiện nay đang trở thành một đề tài nóng và được sự quan tâm của dư luận; nhiều vấn đề được đặt ra như: Văn hóa đọc đang bị mai một hay thế hệ trẻ thờ ơ với văn hóa đọc... Những điều đó là một sự thách thức. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ từ năm 2014 đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời cũng nhằm tôn vinh giá trị của sách trong đời sống xã hội và tôn vinh người đọc, người sáng tác, sưu tầm, lưu trữ... |
Để tiếp lửa văn hóa đọc, thời gian qua, những người làm công tác thư viện ở Yên Bái đã lặng thầm góp công chuyển tải những tri thức vô tận đến với bạn đọc. Bà Lê Tú Anh – Giám đốc Thư viện tỉnh Yên Bái cho biết: Khi các phương tiện giải trí nghe nhìn ngày càng phát triển thì thời gian dành cho văn hóa đọc của người dân ngày càng ít đi. Điều đó đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống thư viện. Từ những năm 2006 trở về trước, phòng đọc Thư viện tỉnh có 100 chỗ ngồi phục vụ bạn đọc và hầu như không đủ chỗ, Thư viện thường phải lấy thêm ghế để phục vụ. Nhưng từ năm 2007 đến nay, với sự phát triển của các phương tiện thông tin thì lượng bạn đọc đến với Thư viện đã giảm mạnh.
Để thu hút và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân đến đọc sách, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, Thư viện tỉnh đã đơn giản hóa các thủ tục khi bạn đọc đến đăng ký cấp thẻ và tìm kiếm sách, mượn sách. Như trước đây là kho tài liệu kín, bạn đọc phải viết phiếu yêu cầu để thủ thư vào lấy sách thì nay bạn đọc có thể tự vào để lựa chọn những cuốn sách mình yêu thích.
Cần nhiều hơn nữa những triển lãm sách để người dân có được những thông tin hay về các loại sách.
Trong ảnh: Cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Phúc trong Ngày hội đọc sách 2015.
Chị Quách Thị Thương - tổ 27, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) là một bạn đọc thường xuyên của Thư viện tỉnh cho biết: "Sở thích của tôi là đến thư viện để tìm đọc và nghiên cứu sách. Tôi thấy đọc trên Internet thì câu chữ đi qua rất nhanh, không đọng lại trong đầu mình được nhiều nên khi có thời gian là tôi lại đến với thư viện. Qua quá trình tự học, tự nghiên cứu qua sách vở, tài liệu tôi thấy vốn văn hóa sống của mình phong phú hơn”.
Cùng với đó, Thư viện tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách và văn hóa đọc đến các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh. Năm 2014, với hoạt động hướng về cơ sở, xe thư viện lưu động tỉnh đã phục vụ trên 60 điểm tại 9/9 huyện, thị, thành phố với 194 buổi phục vụ lưu động, tổ chức tuyên truyền, giới thiệu về sách tại các trường học trên địa bàn. Còn ở vùng miền núi, nông thôn, nơi còn gặp nhiều thiếu thốn về sách, Thư viện tỉnh cũng đã phục vụ sách đến người dân theo hai hình thức là mượn tập thể và mượn cá nhân để người dân có được những thông tin hữu ích áp dụng vào phát triển kinh tế, để trẻ em vùng cao có được những cuốn sách bổ ích đỡ đi phần nào sự thiệt thòi. Những nỗ lực ấy đã góp phần hiện đại hóa công tác thư viện, từng bước đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc trong việc tiếp cận tri thức của nhân loại.
Nhằm xây dựng và phát triển thói quen đọc sách cho mọi người, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội, nhất là đối với các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong thời gian qua, các cấp, các ngành tỉnh Yên Bái đã có nhiều hoạt động thiết thực trong dịp hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4 như: tổ chức Ngày hội đọc sách tại các trường học trên địa bàn tỉnh, trưng bày triển lãm sách với pano giới thiệu sách và các mô hình sách được xếp nghệ thuật, bắt mắt, hấp dẫn bạn đọc. Qua những ngày hội như thế, các em học sinh được tham gia vào các hoạt động lý thú, bổ ích và được tham quan các gian trưng bày hàng trăm cuốn sách với nhiều thể loại đặc sắc... giúp cán bộ giáo viên, học sinh và nhân dân hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách nhằm gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hoá của nhân loại, tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam góp phần thúc đẩy văn hoá đọc ngày càng phát triển, đặc biệt là trong các trường học.
Khi mà khoa học, công nghệ sẽ ngày càng phát triển thì việc truyền lửa đam mê đọc sách cho mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Để hình thành thói quen đọc sách cho mỗi người, dần hình thành lòng ham mê đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ mỗi cá nhân thì trước hết bản thân mỗi người phải tự rèn luyện. Cùng với đó, cần nhiều hơn nữa những thư viện sách như của bà Minh, những triển lãm sách để giới thiệu thông tin về sách hay cho độc giả... Có như thế mới thu hút được người dân mua sách, đọc sách để sách trở thành nhu cầu không thể thiếu của những công dân văn minh, cùng hướng đến một xã hội học tập trong thời đại ngày nay.
Thanh Chi
Các tin khác
Ngày 21/4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học. Theo đó, chính thức bỏ quy định liên thông chính quy phải thi chung với đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
YBĐT - 5 năm qua, Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” tại 10 xã vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên đã mang lại hiệu quả rõ nét, nhận thức của các đối tượng chuyển biến tích cực, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm… Phóng viên (PV) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thiên - Giám đốc Trung tâm Dân số, Kế hoạch hóa gia đình huyện về vấn đề này.
Sáng nay 21/4, Hội Nhà báo Việt Nam cùng với Hội Nhà báo của các tỉnh thành trong cả nước với nhiều phóng viên, nhà báo đã có mặt tại Thái Nguyên để trở về thôn Ròong Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, thăm lại nơi khai sinh ra Hội Nhà báo Việt Nam.
Thông báo chính thức của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 gồm 6 ngày liên tục, từ 28/4 - 3/5. Tuy nhiên, việc quy định nghỉ này chỉ giới hạn trong một số nhóm đối tượng.