Có trách nhiệm với thực phẩm, vì mình và cộng đồng
- Cập nhật: Thứ ba, 7/7/2015 | 10:09:25 AM
YênBái - YBĐT - Bạn đã bao giờ nghĩ về công thức này chưa: Thực phẩm + sự lãng phí = mất tiền của + hao hụt tài nguyên + hủy hoại môi trường + vấn đề đạo đức? Có thể bạn chưa bao giờ hoặc ít nghĩ về nó nhưng tin tôi đi, bạn đã và đang góp tay vào công thức đó.
Mỗi ngày trên thế giới có trên 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị chết đói là một con số ám ảnh mỗi chúng ta.
|
Người đàn ông Nhật Bản cùng cô gái Việt dùng bữa sáng ở một quán bánh cuốn. Vẻ như khá no, cô gái buông đũa dừng ăn khi trên đĩa vẫn còn lại chút bánh. Người đàn ông dùng hết khẩu phần ăn đã gọi, thấy trên đĩa của cô gái vẫn dư đồ, chợt nhìn cô gái vẻ rất không bằng lòng, anh chỉ tay vào chỗ thức ăn còn lại…
Chứng kiến sự việc đó, tôi không thể không nghĩ đến nhiều điều liên quan đến thực phẩm và sự lãng phí. Tôi nghĩ đến những lần tự tay mình trút bỏ thức ăn thừa trong bữa ăn gia đình vào thùng rác vì đã chế biến quá nhiều. Tôi nghĩ đến một vài bữa ăn cơm khách ở nhà người bạn với bao nhiêu đồ ăn mà chẳng bao giờ chúng tôi ăn hết nổi, nhà bạn lại không có thói quen dùng đồ thừa, để rồi lại trút bỏ. Tôi nghĩ đến những bữa tiệc tùng ở nhà hàng, thức ăn đầy bàn mà người ta mải mê nâng cốc chúc tụng, tàn tiệc, đồ ăn bỏ đó. Tôi nghĩ đến những cỗ bàn đám cưới linh đình, hàng chục, có khi hàng trăm mâm mà chả mấy mâm cỗ khách ăn hết đồ. Thực phẩm bỏ thừa quá nhiều. Tôi nghĩ đến sau ba ngày tết, người ta vứt bánh chưng, chuối, xôi... vào thùng rác vì không thể dùng hết. Tôi nghĩ đến những bữa tiệc buffet, có người lấy đầy đồ ăn vào đĩa mình, rồi bỏ thừa vì có ăn hết được đâu…
Bạn có hiểu là chúng ta đã làm gì không? Đó là góp phần vào con số 1,3 tỷ tấn thực phẩm lãng phí mỗi năm, tương đương 1/3 sản lượng toàn cầu - theo ước tính của tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO). Trong khi đó, cũng theo FAO, trên toàn cầu cứ 7 người thì có 1 người bị đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị chết đói mỗi ngày.
Bạn đã bao giờ bị ám ảnh bởi sự đói khát của ai đó chưa? Tôi thì có, đó là hình ảnh đói khát qua bức ảnh nổi tiếng thế giới của nhiếp ảnh gia người Nam Phi Kevin Carter. Bức ảnh chụp ở một ngôi làng trên đất nước Sudan, ghi lại hình ảnh một em bé châu Phi yếu ớt, gầy trơ xương, gục xuống đất vì đói; cách đó mấy bước chân, một con kền kền đang đứng chờ. Bạn sẽ cho rằng tôi “thương vay khóc mướn” cho những điều ở tận đâu. Có thể bạn đúng.
Nhưng còn những hình ảnh khác về sự thiếu thốn thức ăn, không hề xa, đủ sức ám ảnh tôi. Đó là, hình ảnh bữa ăn chỉ có cơm và muối trắng của nhiều học trò vùng cao mà tôi đã gặp; là câu chuyện về hai đứa trẻ chỉ có một miếng thịt chia nhau trong bữa ăn mà tôi được nghe từ một đồng nghiệp; là cả gia đình một người Mông ở địa bàn vùng cao của tỉnh nhịn đói bữa trưa vì không có gì để nấu mà tôi từng chứng kiến… Vì thế, dù bạn rất dư giả nhưng khi lãng phí một phần thực phẩm nào đó, hãy nghĩ đến những người đang thiếu thốn kia. Trong đạo Phật, từ lâu cũng thể hiện rõ quan điểm: phung phí thức ăn là một tội trọng và quý trọng thực phẩm cũng là một biểu hiện của từ bi.
Hãy cân nhắc khi chế biến thực phẩm để không đổ bỏ một cách lãng phí! (Ảnh minh hoạ)
Nếu như việc thiếu ăn của người khác không làm bạn bận tâm thì ít nhất cũng nên bận tâm tới túi tiền của bạn. Sao lại chọn cách trả tiền cho những khẩu phần mà chúng ta không thể dùng hết. Và nếu như một chút chi phí cho phần lãng phí đó chẳng có ý nghĩa gì trong cuộc sống khá giả của bạn thì hãy nghĩ đến nguồn tài nguyên bị hao hụt theo số thực phẩm mà bạn lãng phí. Người ta tính toán, hoạt động sản xuất thực phẩm trên toàn thế giới sử dụng tới 25% tổng diện tích đất cư trú và 70% tổng lượng nước tiêu thụ.
Đơn cử, để sản xuất được 1kg gạo tốn hơn 1.400 lít nước.Trong 1 giây, 1ha lúa cần lượng nước tương đương nước sinh hoạt cho 1.000 người.Vì thế, một bát cơm bạn bỏ đi không có nghĩa là bạn chỉ lãng phí một bát cơm. Còn nếu như bạn bảo rằng tài nguyên là thứ bạn khó nhìn thấy trực diện thì làm ơn hãy nghĩ đến môi trường bị hủy hoại. Thực phẩm khi trở thành rác thải trước hết là bốc mùi trong không khí, rồi rò rỉ nước bẩn ngấm vào đất, nước và phát thải khí nhà kính.
Để giảm bớt tình trạng lãng phí lương thực như hiện nay, nhiều quán ăn, nhà hàng trên thế giới đã áp dụng một vài biện pháp theo lời kêu gọi của tổ chức “Cứu nguy lương thực” (Save food) được thành lập bởi Chương trình lương thực thế giới - chương trình viện trợ lương thực của Liên hợp quốc, một tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới giải quyết nạn đói. Ở một số quán ăn ở Mỹ, nếu số thức ăn bỏ phí đủ mức chịu phạt, khách hàng sẽ phải trả thêm 30% giá trị bữa ăn.
Tại Hồng Kông, khách hàng phải trả thêm 1,5 đô la Hồng Kông cho mỗi món ăn gọi ra nhưng không dùng hết. Ở một số nước Châu Âu, khách hàng phải trả gấp đôi số tiền trong hóa đơn nếu để đồ ăn thừa quá nhiều. Nhà hàng trong một khách sạn 4 sao ở Thụy Sĩ thường gắn một biển hiệu trên bàn ăn: “Vì lý do đạo đức và đạo lý, chúng tôi không vứt bỏ bất kỳ miếng thức ăn nào. Xin vui lòng chỉ lấy những gì bạn ăn. Cảm ơn sự thấu hiểu của quý khách!”. Mới đây nhất, tại Pháp, quốc hội nước này vừa thông qua một đạo luật trong đó các đại siêu thị buộc phải mang thực phẩm ế thừa còn dùng được cho các tổ chức từ thiện hoặc sử dụng làm thức ăn cho gia súc thay vì đổ bỏ như trước…
Đương nhiên, sự lãng phí thực phẩm xảy ra trong suốt quá trình từ nông trại đến bàn ăn nhưng ít ra sẽ chẳng cần đến các biện pháp hay các điều luật nếu từ mỗi con người luôn ý thức được việc mua bán và sử dụng đủ cho nhu cầu bản thân. Cô gái Việt mà tôi gặp trong quán ăn sáng cuối cùng đã phải ăn nốt mấy miếng bánh một cách chán ngán, vì thái độ kiên quyết của người bạn. Nếu ngay từ đầu cô ấy gọi bớt đi một phần ăn thì chắc không phải khổ vì ăn đến vậy. Dẫu sao, cô ấy cũng không bỏ nó đi.
Làm ơn, hãy ăn một cách có trách nhiệm, vì mình và vì cả cộng đồng!
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Cuộc thi viết "Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam" được phát động từ tháng 10/2014 đã có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh tham gia. Cuộc thi đã cho thấy sự quan tâm sâu sắc của người dân tỉnh miền núi Yên Bái với nội dung, ý nghĩa và những đổi mới của các bản hiến pháp, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013.
YBĐT - Nhằm tăng cường giáo dục kiến thức quốc phòng và giúp các em học sinh quen với đời sống chiến sĩ, tăng cường kỹ năng sống để biết khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách trong học tập và cuộc sống. Hàng năm, Tỉnh đoàn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức chương trình “Học kỳ quân đội” với nhiều hoạt động thiết thực và bổ ích.
Bão số 2 đang di chuyển với sức gió 90km/h, giật cấp 11 trên vùng biển phía Tây Bắc đảo Lu-dông (Phi-líp-pin).
Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2015 quyết định giữ nguyên đáp án và hướng dẫn chấm môn Vật lí.