Từ đề thi Ngữ văn, nghĩ thêm về trách nhiệm
- Cập nhật: Thứ tư, 8/7/2015 | 9:34:07 AM
YênBái - YBĐT - Những ngày đầu tháng Bảy, thời tiết trở nên gay gắt hơn với đợt nắng nóng kéo dài. Độ nóng theo đúng nghĩa của nó cũng có thể so sánh với sức “nóng” của một vấn đề mang tính thời sự cùng thời điểm này: kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
|
Chắc chắn là còn rất nhiều điều sẽ được ngành giáo dục đào tạo, các nhà trường, các địa phương, các thí sinh, các phụ huynh cũng như dư luận xã hội nhận xét, đánh giá, bàn luận, phân tích, rút kinh nghiệm... sau kỳ thi này. Nhìn từ góc độ cá nhân, đề thi Ngữ văn năm nay đã gợi thêm suy nghĩ về trách nhiệm giáo dục, dạy dỗ, rèn luyện con trẻ.
Theo đánh giá ban đầu, đề thi Ngữ văn đã thể hiện rõ định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo: chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá kỹ năng đồng thời đáp ứng được hai yêu cầu của kỳ thi: xét tốt nghiệp và tuyển chọn vào các trường đại học, cao đẳng. Ngoài việc phân hóa năng lực, hạn chế cách học vẹt và học tủ, điều quan trọng nhất là trước các vấn đề của đề thi đưa ra, các em phải có ý kiến, quan điểm riêng, thể hiện sự hiểu biết xã hội của bản thân.
Đoạn thơ trích từ tác phẩm “Hát về một hòn đảo” của nhà thơ Trần Đăng Khoa đem đến cảm nhận, cảm xúc và tình yêu với những người lính đảo, sâu xa và thiêng liêng hơn là tình yêu biển đảo quê hương, tình yêu Tổ quốc. Chưa bàn đến điều gì khác, hẳn khi đọc thấy “Hoàng Sa, Trường Sa” và đặt bút viết về tình cảm của mình dành cho những người lính đảo sống một cuộc sống gian khổ và hiểm nguy, mỗi em trong nhận thức của mình đều ít nhiều có thêm đồng cảm và thấu hiểu, có thêm niềm tin và tình yêu, có thêm ý thức và trách nhiệm đối với quê hương, đất nước. Hoàng Sa, Trường Sa - tâm hồn nào không thể không trào dâng cảm xúc: “Nói chẳng đủ đâu, tôi phải hát/ Một bài ca bằng nhịp trái tim tôi”.
Với đoạn trích “Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa” khi bàn về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay, không chỉ riêng các em mà ngay cả người lớn cũng phải tự trông lại mình, tự nhìn lại mình: “Mất một đồng xu, một miếng ăn, mất một phần cơ thể, mất một vật sở hữu, con người nhận biết ngay. Nhưng có những cái mất, cái được nhiều khi lại không dễ gì cảm nhận được ngay. Nhường bước cho một cụ già cao tuổi, nhường chỗ cho bà mẹ có con nhỏ trên tàu xe chật chội, biếu một vài đồng cho người hành khất... có mất có được nhưng không phải ai cũng đã nhận ra cái gì mình đã thu được; có khi là sự thăng hoa trong tâm hồn từ thiện và nhân ái”. Những điều ấy hoàn toàn chúng ta có thể gặp giữa cuộc sống thường ngày nhiều bộn bề và lo toan. Có thể chúng ta đã vô tình đi qua, vô tình lướt qua mà cũng chẳng mấy bận tâm, mà cũng có thể tặc lưỡi tự bao biện cho mình bởi phải vội vàng, bởi còn khó khăn... Trong đoạn trích từ tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu, vượt lên nỗi khổ vì nghèo túng, vì bị hành hạ là tình mẫu tử, lòng bao dung, độ lượng, vị tha của người đàn bà làng chài cứ sáng, cứ đẹp. Vẻ đẹp tựa như ngọc, ẩn sâu, thâm trầm, tươi ngần.
Học văn là học làm người. Học làm người thì suốt đời vẫn cần học. Suốt đời vẫn cần học bởi kiến thức phải được tích lũy hàng ngày. Kiến thức là hiểu biết của con người về mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Hiểu biết là điều kiện để con người sống tốt hơn. Con người có cuộc sống tốt hơn khi có kỹ năng sống. Kỹ năng sống giúp con người thích nghi trước những biến đổi, thử thách của cuộc sống. Vấn đề trau dồi kiến thức và nâng cao kỹ năng sống chính là học và hành. Học và hành thực sự cần thiết và hỗ trợ cho nhau. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của môi trường giáo dục trong nhà trường, ngoài xã hội ảnh hưởng trực tiếp tới mỗi con người nhưng cũng nên nhìn rõ hơn, thấy sâu hơn vai trò và trách nhiệm của từng gia đình trong việc giáo dục, dạy dỗ, rèn luyện con em.
Sự hình thành nhân cách con người là kết quả của các mối quan hệ đan xen, gắn bó mật thiết, không tách rời nhau mà trước hết bắt đầu từ mỗi gia đình. Có một điều rất đơn giản, nếu ông bà, cha mẹ, người lớn không nêu gương, không sống tốt thì sao con cháu có thể noi theo, sống đẹp? Một việc làm tốt, chuẩn mực có ý nghĩa giáo dục, tác động hiệu quả hơn mọi lời dạy suông. Khi con trẻ được yêu thương, đồng cảm, chia sẻ và được tạo lập về ý thức, trách nhiệm với các thành viên trong gia đình thì cũng sẽ biết yêu thương, đồng cảm, chia sẻ, có ý thức, có trách nhiệm với bạn bè, với những người sống bên mình, với cộng đồng, với xã hội. Tình yêu con người, tình yêu quê hương, tình yêu đất nước chẳng hề xa xôi nếu mỗi người có tình yêu dành cho những điều gần gũi, thân thương nhất của mình trong cuộc sống. Tình yêu ấy chẳng khác nào mạch nguồn của những dòng suối chảy về sông, những dòng sông đổ vào biển. Gia đình nền nếp, nhà trường mẫu mực, xã hội kỷ cương - con người được sống trong môi trường như vậy ắt sẽ phát triển nhân cách lành mạnh và toàn diện. Mối quan hệ ấy có thể ví như rễ, thân, lá của một cây xanh.
Cây có ngời sức sống nhờ được thường xuyên chăm sóc, vun xới. Cây có phát triển tốt thì mới hy vọng những mùa thơm hoa, ngọt trái. Góp thêm công sức, chung thêm trách nhiệm là điều hết sức cần thiết để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ của mỗi gia đình, các nhà trường, toàn xã hội. Có kiến thức, có kỹ năng sống, con em chúng ta sẽ có một cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn. Chẳng của riêng ai, mong ước ấy...
Nguyễn Thơm
Các tin khác
Ngày 7/7, Bộ Y tế có công văn hướng dẫn việc thanh toán và quản lý sử dụng 23 thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp ít có cạnh tranh trong đấu thầu và có chi phí cao.
YBĐT - Ngày 7/7, Ban chấp hành Hội Luật gia (HLG) tỉnh Yên Bái khoá III, nhiệm kỳ 2014 - 2019 tổ chức Hội nghị sơ kết nhiệm vụ công tác Hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015 (ảnh).
YBĐT - Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, hàng ngàn người con Văn Chấn đã lên đường ra mặt trận phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Trong số đó, không ít người đã hy sinh hoặc để lại một phần máu thịt để giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận vừa gửi thư cảm ơn các tổ chức chính trị - xã hội và tầng lớp nhân dân trong cả nước đã hỗ trợ và giúp đỡ hiệu quả cho ngành giáo dục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015.