Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, trẻ em trong thiên tai
- Cập nhật: Thứ năm, 9/7/2015 | 2:01:12 PM
Bất cứ thời điểm nào trong cuộc sống, người dân đều cần được hưởng các quyền về chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản.
Cấp phát thuốc và cung cấp các phương tiện tránh thai cho phụ nữ xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy, Nam Định.
|
Chủ đề được Quỹ Dân số Liên hợp quốc lựa chọn cho Ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay tại Việt Nam là “Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai," nhằm hướng tới những người dân thiệt thòi ở vùng khó khăn.
Chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em gái trong tình huống khẩn cấp
Theo thông tin từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), trên thế giới, phụ nữ, trẻ em và thanh-thiếu niên thường chiếm hơn ba phần tư trong tổng số hơn 50 triệu người bị buộc phải di chuyển khỏi nơi mình đang cư trú do những nguyên nhân như xung đột vũ trang và thiên tai. Khi có khủng hoảng xảy ra, phụ nữ và trẻ em gái thường là những người phải gánh chịu rất nhiều rủi ro như bị lạm dụng và bóc lột tình dục, gánh chịu bạo lực, bị cưỡng hôn, mắc các bệnh có liên quan tới sức khỏe sinh sản và tử vong do không được bảo vệ hoặc không được viện trợ để có thể đáp ứng các nhu cầu của họ. Chính vì vậy, phụ nữ và trẻ em gái thường dễ bị tổn thương hơn khi có các tình huống khẩn cấp xảy ra và các nhu cầu cụ thể của họ thường bị bỏ qua khi có khủng hoảng.
Trong khi đó, nhiều nơi trên thế giới còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ cấp cứu sản khoa cơ bản và toàn diện.
Các dịch vụ điều trị cho những nạn nhân sống sót sau khi gánh chịu bạo lực giới thường chỉ ở mức vừa đủ hoặc hoàn toàn không có. Việc chăm sóc và phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục còn rất hạn chế trong trường hợp các cuộc khủng hoảng kéo dài và trong giai đoạn mới bắt đầu phục hồi. Vì vậy, UNFPA cho rằng: Không phải ngẫu nhiên mà 8/10 nước có tỷ lệ tử vong mẹ cao nhất trên thế giới là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự xung đột và bất an.
Để có thể giải quyết tốt các vấn đề liên quan tới chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho người dân ở vùng thiên tai, Quỹ Dân số Liên hợp quốc nhấn mạnh một bước quan trọng đầu tiên cần thực hiện là khuyến khích sự tham gia của thanh, thiếu niên vào quá trình chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với những bất thường xảy ra. Ngoài ra, các hoạt động như chuẩn bị, sắp xếp trước các vật phẩm cần hỗ trợ, chuẩn bị sẵn các thông tin khi cần thiết, cung cấp các tài liệu giáo dục-truyền thông và đào tạo đồng đẳng viên sẽ là những hoạt động đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo đáp ứng các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho thanh, thiếu niên khi bắt đầu xảy ra các tình huống khẩn cấp.
Bên cạnh đó, UNFPA cũng khuyến cáo các quốc gia rà soát chính sách và luật pháp liên quan tới việc giải quyết các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục cho thanh, thiếu niên; đồng thời phân tích các bài học kinh nghiệm, các điển hình thành công và những khó khăn thách thức trong việc giải quyết các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho thanh, thiếu niên rút ra từ công tác ứng phó với các trường hợp khẩn cấp đã từng thực hiện trước đây.
Ví dụ gần đây nhất, trận động đất kinh hoàng xảy ra gần thủ đô Kathumandu, Nepal ngày 25/4 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người, hàng nghìn người bị thương, phá hủy nhà cửa, cơ sở hạ tầng và các di sản văn hóa hết sức giá trị của đất nước này. UNFPA ước tính có 2 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị ảnh hưởng bởi thiên tai, 126.000 phụ nữ mang thai có nhu cầu cấp thiết trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, cơ sở y tế bị quá tải, nhiều nơi bị hư hỏng hoặc bị phá hủy hoàn toàn. Các thiết bị y tế đang bị thiếu một cách trầm trọng. Tất cả những điều này đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận sức khỏe sinh sản, bao gồm sinh đẻ an toàn của các phụ nữ có thai. Mặc dù các lều trại đang được xây dựng nhưng cuộc sống của hầu hết phụ nữ và trẻ em gái nơi đây đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khi thiên tai ập đến, UNFPA đem tới những dịch vụ y tế sức khỏe sinh sản quan trọng cho phụ nữ cùng với bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp đặc biệt. Bộ đồ dùng này sẽ giúp phụ nữ và trẻ em gái bảo vệ bản thân và đáp ứng các nhu cầu vệ sinh cá nhân căn bản trong thiên tai và khủng hoảng nhân đạo.
Bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp mà UNFPA cung cấp được đón nhận như một mặt hàng trợ cấp hết sức cần thiết. Băng vệ sinh làm bằng chất liệu có thể tái sử dụng, quần áo, khăn tắm, xà phòng, bàn chải đánh răng và kem đánh răng là những đồ dùng mà phụ nữ và trẻ em gái cần phải có khi thiên tai xảy ra. Các hạng mục này đáp ứng cả nhu cầu vệ sinh cơ bản trước mắt của những người dân bị ảnh hưởng và tạo điều kiện cho phụ nữ có thể duy trì cuộc sống.
Tùy vào bối cảnh văn hóa của mỗi quốc gia, UNFPA sẽ thay đổi những đồ dùng cụ thể trong bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp, chẳng hạn như ở Nepal thì UNFPA cung cấp áo sari, váy lót và khăn choàng, đây là những đồ dùng mà đa số phụ nữ ở đây sử dụng hàng ngày.
Ngành dân số Việt Nam chủ động ứng phó với các tình huống khẩn cấp
Việt Nam cũng là một trong những nước có ảnh hưởng nặng nề bởi sự tác động to lớn của biến đổi khí hậu như hạn hán, bão lũ, tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn cũng như sự bất thường của lượng mưa và các hình thái thời tiết khác.
Trong nhiều năm qua, ngành Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam đã có nhiều cố gắng cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ để truyền thông vận động và cung cấp dịch vụ với chất lượng ngày càng tốt hơn. Sự nghiệp Dân số-Kế hoạch hóa gia đình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: sớm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu ổn định về quy mô dân số, về duy trì mức sinh thấp hợp lý; việc nâng cao chất lượng dân số bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, những năm gần đây, ngành Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cũng gặp không ít khó khăn thách thức. Nguồn lực bị cắt giảm mạnh trong thời gian vừa qua, có năm cắt giảm tới hơn 50% dự toán kế hoạch nên ngành cũng gặp nhiều khó khăn trong ổn định tổ chức bộ máy cũng như duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động. Năng lực đáp ứng dịch vụ còn nhiều hạn chế vì nguồn lực chưa có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc ứng phó khi thiên tai xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Tân cho biết trong thời gian tới, ngành Dân số-Kế hoạch hóa gia đình sẽ chú trọng nhiều hơn đối với việc tăng cường đảm bảo dịch vụ sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình cho người dân ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai; nâng cao năng lực chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của toàn ngành dân số-kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo việc cung cấp một cách kịp thời, hiệu quả dịch vụ sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình trước, trong và sau thiên tai nhằm giảm rủi ro về bệnh tật và các hệ lụy không mong muốn khác do các nguyên nhân liên quan đến thiên tai.
Ngành tăng cường năng lực hệ thống tổ chức, điều hành, quản lý từ Trung ương đến địa phương nhằm chuẩn bị, đáp ứng và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách trong chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Đối với đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số, ngành sẽ tổ chức các khóa tập huấn, nâng cao năng lực nhằm cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả và kịp thời trong tình huống thiên tai.
Bên cạnh đó, ngành thiết lập cơ chế thông tin trong ngành để đánh giá tác động thiên tai làm cơ sở cho việc chủ động chuẩn bị, ứng phó với thiên tai. Ngành Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cũng triển khai nghiên cứu bổ sung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, kỹ năng ứng phó với thiên tai của cán bộ trong ngành.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Theo ông Nguyễn Khánh Cường, Phó hiệu Trưởng Trường Cao đẳng nghề Lilama 2 (đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận cho Trường Cao đẳng nghề Lilama 2 tổ chức đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng theo chương trình đào tạo căn cứ tiêu chuẩn Level 6 (665) Khung 8 bậc của UNESCO-ISCED 2011.
6 kiến nghị gồm: triển khai Thông tư 30, tổ chức "2 chung" trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, triển khai Nghị định 115…
Trong khi bão số 2 (tên quốc tế Linfa) vào biển Đông chuẩn bị đổ bộ vào Trung Quốc và được dự báo suy yếu dần thì ngoài khơi Thái Bình Dương xuất hiện thêm hai cơn bão di chuyển hướng vào Trung Quốc.
Sáng 7/7, Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo phát động cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống ngành thanh tra” và “Báo chí toàn quốc viết về ngành thanh tra”.