Nghĩa Lộ: Nhân dân biết cách chằng chống nhà phòng mưa bão
- Cập nhật: Thứ năm, 26/5/2016 | 3:14:38 PM
YBĐT - Chằng chống nhà cửa là giải pháp được thị xã Nghĩa Lộ đánh giá là hiệu quả trong chủ động phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) và đã được triển khai đến các hộ dân từ năm 2013. Mùa mưa bão năm nay, thị xã tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt giải pháp này, nhằm đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho người dân.
Nghĩa Lộ là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới. Trên địa bàn thường xảy ra gió lốc, mưa to gây thiệt hại, ảnh hưởng về nhà cửa, tài sản của nhân dân.
Đặc biệt, gió lốc quét qua, tạo thành 2 tuyến: tuyến 1 từ Sơn A (Văn Chấn) qua xã Nghĩa Phúc - Nậm Đông (xã Nghĩa An) - phường Tân An; tuyến 2 từ Phù Nham (Văn Chấn) qua phường Cầu Thia - xã Nghĩa Lợi - phường Trung Tâm của thị xã Nghĩa Lộ. Trong 4 năm từ (2012 - 2015) đã có 2.885 nhà bị tốc mái, sập đổ, trong đó có 173 nhà bị sập đổ, hỏng mái nằm trong diện hỗ trợ với tổng kinh phí là 670,9 triệu đồng. Đã có trường hợp bị thương do tấm lợp rơi vào người.
Trước thiệt hại về nhà cửa, tài sản và ảnh hưởng đến tính mạng con người, thị xã đã chủ động xây dựng kế hoạch và phương án PCTT - TKCN trên địa bàn hàng năm, trong đó, có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình, dự báo. Giải pháp chằng chống nhà cửa được đánh giá là thực hiện tốt nhất phương châm “4 tại chỗ”, nêu cao được tinh thần chủ động phòng chống mưa bão của nhân dân, huy động được lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, chỉ huy tại chỗ.
Đặc biệt, giải pháp này phù hợp với thực tế, bởi thị xã Nghĩa Lộ có tỷ lệ nhà sàn có mái lợp tấm lợp chiếm khá nhiều. Trong quá trình xây dựng, các hộ chưa tính toán được độ an toàn trong mùa mưa bão, nên dễ bị tốc mái khi có gió lốc xảy ra.
Thị xã đã tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão, trong đó xây dựng mô hình chằng chống nhà cửa trực quan để các xã, phường, hộ dân học tập, thực hiện phòng chống mưa bão. Năm 2015, thị xã đã tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão tại phường Cầu Thia, trong đó xây dựng 2 mô hình chằng chống nhà cửa mẫu để các xã, phường nắm bắt được quy trình, triển khai trong các hộ dân.
Nói về ưu điểm của phương án này, Thượng tá Dương Quang Thủy - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã cho biết: “Thực hiện phương pháp này sẽ tiết kiệm và giảm chi phí đến mức thấp nhất cho các hộ dân, đồng thời các hộ có thể chủ động về cây chằng, cọc gỗ và vật liệu khác. Nếu các hộ thực hiện đúng theo kỹ thuật được hướng dẫn thì có thể đề phòng gió giật đến cấp 12”.
Qua diễn tập và xây dựng mô hình trực quan, thăm quan, học tập, các xã, phường trên địa bàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, điển hình như phường Cầu Thia, phường Pú Trạng, xã Nghĩa An.... Nhờ đó, mùa mưa bão năm 2015 có xảy ra mưa to, gió lốc nhưng số nhà bị ảnh hưởng tốc mái, hỏng mái là 47 nhà, giảm nhiều so với mùa mưa bão năm trước, trong đó, chỉ có 3 nhà phải hỗ trợ theo quyết định 04/QĐ-UBND của UBND tỉnh Yên Bái.
Tuy nhiên, việc triển khai giải pháp chằng chống nhà cửa còn gặp nhiều khó khăn. Những hộ nhà bị tốc mái thường là những hộ nghèo, neo đơn, nhà tạm hoặc chưa chắc chắn. Do đó, việc chuẩn bị vật liệu và lực lượng chằng chống nhà cửa còn khó khăn. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa chủ động bố trí lực lượng giúp đỡ các hộ chằng chống nhà cửa. Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng nên phương án triển khai chằng chống nhà cửa, còn mạnh ai nấy làm, chưa thực sự đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền địa phương đến nhân dân, nhất là đối với những hộ nằm trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của gió lốc.
Trên cơ sở đánh giá hiệu quả và khó khăn trong phương án chằng chống nhà cửa mùa mưa bão, Ban chỉ đạo PCTT - TKCN thị xã Nghĩa Lộ năm 2016 đã chỉ đạo các xã, phường tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt phương án này.
Đồng chí Chu Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã, Phó ban Thường trực PCTT - TKCN thị xã Nghĩa Lộ năm 2016 cho biết: “Thị xã chỉ đạo mỗi xã, phường chọn 1 - 2 hộ làm mẫu, sau đó triển khai tới tất cả các hộ dân, đặc biệt là những hộ nằm trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng, các hộ có nhà tạm.
Các xã, phường cử lực lượng dân quân, tự vệ phối hợp với các đoàn thể giúp đỡ về ngày công, kỹ thuật chằng chống cho các gia đình. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn mẫu chằng chống nhà cửa trên hệ thống phát thanh thị xã và các xã, phường để nhân dân nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất số nhà bị tốc mái và không để ảnh hưởng đến tính mạng con người khi mùa mưa bão đến”.
Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và giải pháp chằng chống nhà cửa cũng như nhiều giải pháp quan trọng khác, Nghĩa Lộ bước vào mùa mưa bão 2016 với tinh thần chủ động và quyết tâm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, nhất là không để ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Kỹ thuật chằng chống nhà cửa phòng chống mưa bão Vật liệu: cây tre hoặc cây gỗ, dây thừng, dây thép, cọc tre, cọc sắt, cọc gỗ dài từ 0,5 - 0,7 m. Tùy theo điều kiện từng ngôi nhà mà chuẩn bị cây tre dài hay ngắn và số lượng dây thừng, cọc tre, dây thép buộc. Kỹ thuật chằng chống: Buộc mái nhà: Dùng cây đặt dọc mái nhà, cách nhau từ 2 m - 2,5 m. Dùng cây đặt ngang mái nhà cách nhau 1,5 m (theo hàng tấm lợp). Dùng dây thép buộc chặt liên kết các cây ngang và cây dọc với nhau. Buộc dây từ cây tre trên mái nhà xuống cọc, dùng dây thép phi 4 hoặc phi 6, dây thừng to D20 liên kết tại vị trí cuối cây dọc và kéo xuống đất ngoài nhà một góc khoảng 45o, phía dưới dùng cọc tre, cọc gỗ hoặc cọc sắt đóng sâu xuống đất để buộc cố định dây thừng hoặc dây thép đã liên kết từ cây dọc xuống. Mỗi cây dọc buộc một dây vào một cột. Ngoài ra, cần chặt tỉa cây, cành cây to ở gần nhà để tránh thiệt hại khi có gió to làm gãy cành, đổ cây vào nhà. Không buộc dây vào cây gần nhà vì nếu cây bị đổ sẽ ảnh hưởng đến nhà. |
Hạnh Quyên
Các tin khác
YBĐT - Đã từ lâu, người dân xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên) vẫn mong mỏi có con đường bê tông hóa nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, đi lại và sinh hoạt, nhưng càng chờ càng chưa thấy.
YBĐT - Vừa qua, các cơ quan báo chí của tỉnh Lào Cai do đồng chí Hồ Khánh Quang - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái, Báo Yên Bái, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.
YBĐT - Tư vấn, hướng nghiệp (TVHN) cho học sinh trước kỳ thi THPT quốc gia được xem là vấn đề cấp thiết giúp cho học sinh có cơ sở lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường, tránh lãng phí về nhân lực sau đào tạo.
YBĐT - Theo số liệu thống kê, Trấn Yên hiện có 687 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm gồm: 97 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 406 cơ sở kinh doanh và 184 cơ sở dịch vụ ăn uống.