Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp ở Văn Chấn: Bài bản, chặt chẽ và nhân văn

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/6/2016 | 3:20:43 PM

YBĐT - Toàn huyện Văn Chấn hiện có 90 trường mầm non, tiểu học, THCS, TH&THCS với 153 điểm lẻ,

Cơ sở vật chất ở Trường Mầm non Sơn Thịnh (Văn Chấn) được đầu tư tốt, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
Cơ sở vật chất ở Trường Mầm non Sơn Thịnh (Văn Chấn) được đầu tư tốt, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.

Sắp xếp lại mạng lưới quy mô trường lớp là một chủ trương lớn, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện chủ trương này Văn Chấn gặp không ít khó khăn do huyện có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, có số điểm trường lẻ cao nhất tỉnh. Song, để đảm bảo chủ trương được triển khai hợp lòng dân ngay từ bước xây dựng đề án, huyện Văn Chấn đã làm rất bài bản, chặt chẽ và nhân văn.

Những tưởng việc sắp xếp lại mạng lưới quy mô trường lớp sẽ ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng của cán bộ, giáo viên ngành giáo dục, ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh và học sinh, vậy mà, đến Nậm Búng (Văn Chấn) lại khác. Từ học sinh, phụ huynh đến các thầy cô giáo, các cán bộ quản lý đều có sự mong chờ việc phê duyệt và triển khai đề án trên địa bàn xã.

Thầy giáo Nguyễn Đức Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (THCS) Nậm Búng chia sẻ: “Về tư tưởng của cán bộ, giáo viên rất yên tâm công tác. Còn đối với học sinh, phụ huynh ai cũng phấn khởi, dù một bộ phận học sinh sẽ phải đi học xa hơn một chút, nhưng cả phụ huynh và học sinh đều hiểu, nếu được học tập trung tại một điểm trường sẽ được hưởng lợi về cơ sở vật chất và cả sự quan tâm nhiều hơn của giáo viên”.

Để có được kết quả này, thời gian qua, việc xây dựng Đề án của xã đã được sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân, cán bộ, giáo viên tạo được sự đồng thuận cao.

Đồng chí Phạm Thị Kim Mai - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Búng cho biết: “Sau khi có chủ trương của tỉnh, sự chỉ đạo của huyện, Đảng ủy xã đã họp bàn và ban hành Nghị quyết số 03 ngày 10/4/2016, chỉ đạo UBND xã lập kế hoạch, trong công tác tuyên truyền đến tận thôn. Chúng tôi họp bàn rất nhiều, họp đến từng thôn, bản, triển khai rộng rãi về thuận lợi, khó khăn. Phân công các đoàn thể, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ phụ trách thôn tập trung tuyên truyền, vận động”.

Hiện nay, từ cấp học mầm non tới THCS toàn xã có 3 điểm chính và 6 điểm lẻ với 35 lớp, nhóm lớp, cùng 1 trường phổ thông có học sinh bán trú. Thực hiện theo đúng chủ trương của tỉnh, sự chỉ đạo của huyện, căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, phương án mà Nậm Búng đưa ra đến năm 2020 toàn xã sẽ có 1 trường mầm non với 2 điểm và 1 trường tiểu học với 2 điểm; khối THCS sẽ được sáp nhập về Trường Trung học phổ thông (THPT) Sơn Thịnh phân hiệu Nậm Búng để thành trường liên cấp 2 - 3. Từ đó, toàn xã giảm từ 9 điểm xuống còn 4 điểm.

Cũng theo mục tiêu này, số học sinh được hưởng các chế độ bán trú của xã sẽ tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh. Đồng thời, số cán bộ giáo viên, nhân viên sẽ được điều động, thay đổi, đào tạo lại trên tinh thần ai cũng có việc làm, ai cũng được sắp xếp theo đúng năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Cô giáo Trịnh Thị Kim Anh - Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học và THCS Nậm Búng cho biết: “Tính nhân văn của Đề án là tiến tới vì một nền giáo dục chất lượng hơn nhưng không một cán bộ, giáo viên nào không có việc làm. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm, tin tưởng thực hiện theo Đề án đã xây dựng”.

Việc triển khai xây dựng Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp ở Nậm Búng cũng như tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Văn Chấn đều thực hiện rất bài bản, chặt chẽ từng khâu từ tuyên truyền, vận động, xây dựng phương án sắp xếp quy mô trường lớp, phương án sắp xếp nhân sự dôi dư... tất cả đều được xây dựng từ cơ sở.

Ông Đặng Duy Hiển - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: “Căn cứ vào hướng dẫn chỉ đạo của tỉnh, của Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Thường vụ Huyện ủy có nghị quyết chuyên đề riêng, UBND huyện thành lập tổ rà soát cấp huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo đảng bộ các xã, thị trấn quán triệt trong cấp ủy, trong cán bộ, đảng viên, nhân dân; cấp ủy các xã, thị trấn ra nghị quyết chuyên đề. Làm bài bản chặt chẽ từ dưới lên trên, mỗi xã, thị trấn xây dựng đề án riêng. Các cấp, ngành đều tham gia xây dựng Đề án này. Đến nay, công tác tuyên truyền, vận động tới toàn thể cán bộ, đảng viên, giáo viên, đặc biệt là phụ huynh học sinh hiểu được thấu đáo, đầy đủ ý nghĩa thiết thực chủ trương của tỉnh, có sự đồng thuận cao. Mục tiêu cuối cùng của Đề án là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, khắc phục bất cập, hạn chế hiện nay trong giáo dục và đào tạo”.

Được biết, toàn huyện Văn Chấn hiện có 90 trường mầm non, tiểu học, THCS, TH&THCS với 153 điểm lẻ, trong đó có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú, 8 trường phổ thông dân tộc bán trú, 7 trường phổ thông có học sinh bán trú. Theo Đề án của huyện, đến năm 2020, toàn huyện sẽ ổn định với quy mô 73 trường, 50 điểm lẻ, trong đó có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú, 13 trường phổ thông dân tộc bán trú, 9 trường có học sinh bán trú.

Như vậy, so với thời điểm trước khi thực hiện Đề án sẽ giảm 17 trường, tăng 5 trường phổ thông dân tộc bán trú, 2 trường có học sinh bán trú. Văn Chấn xác định, lộ trình sẽ được thực hiện theo từng năm, chỉ khi nào đảm bảo mọi điều kiện mới tiến hành sáp nhập điểm lẻ vào điểm chính, sáp nhập bậc học ở một số nơi.

Như vậy, có thể thấy, Đề án sẽ làm thay đổi bộ mặt giáo dục và đào tạo ở huyện, trong đó nổi bật là số trường bán trú và số học sinh được hưởng chế độ bán trú tăng lên tạo điều kiện cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn của huyện có điều kiện học tập tốt hơn. Từ đó, chất lượng giáo dục sẽ tăng lên, chất lượng nguồn nhân lực của huyện sẽ ngày một nâng lên.

Thực hiện Đề án, nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất, nhu cầu xây dựng mới phòng học, nhà ở cho giáo viên, học sinh, dự tính trong cả giai đoạn từ nay đến năm 2018, dự ước khoảng 119 tỷ đồng. Đây là nguồn lực đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước cùng với nguồn xã hội hóa.

Ông Đặng Duy Hiển thông tin thêm: “Đối với Văn Chấn, ngân sách của huyện hàng năm cố gắng đáp ứng từ 10 - 15 tỷ đồng, cùng với ngân sách của tỉnh đảm bảo cho từng giai đoạn. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa, tranh thủ mọi nguồn lực, đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, chỉ khi nào đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất mới chuyển các cháu về. Những năm qua, công tác xã hội hóa ở Văn Chấn làm rất tốt, các ngành địa phương đã tranh thủ được các nguồn, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong tỉnh, ngoài tỉnh. Mỗi năm, riêng nguồn xã hội hóa đạt 2 - 3 tỷ đồng, riêng năm 2016 khoảng 10 tỷ đồng”.

Về việc sắp xếp lại cơ cấu bộ máy các cơ sở giáo dục, theo Đề án, sau sắp xếp, toàn huyện sẽ dư khoảng 28 cán bộ quản lý (17 hiệu trưởng, 11 phó hiệu trưởng). Khẳng định của lãnh đạo huyện, cũng như các ngành chuyên môn thì việc sắp xếp cán bộ, giáo viên dôi dư đặc biệt là cán bộ quản lý sẽ thực hiện đúng theo quy định của tỉnh, theo Kết luận số 100 của Tỉnh ủy, chỉ sắp xếp khi đề án được phê duyệt và quy trình sắp xếp này trên cơ sở cụ thể từng trường, từng địa phương, thực hiện đúng theo quy định, trên tinh thần quan điểm đảm bảo năng lực, phẩm chất đạo đức, chính trị vững vàng sẽ sắp xếp phụ trách ở các điểm thay đổi sáp nhập. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ đúng quy trình, hội đồng thẩm định đúng thành phần.

Phiếu tín nhiệm là một trong những căn cứ để hội đồng thông qua, đảm bảo theo quy trình công khai, dân chủ minh bạch, khách quan, đúng người đúng việc, đúng năng lực. Toàn huyện sau sắp xếp sẽ dôi dư khoảng 200 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tuy nhiên, ngành giáo dục của huyện vẫn đang thiếu khoảng 300 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Vì vậy, số dôi dư sẽ được điều chuyển, sắp xếp và đào tạo lại phù hợp với vị trí đang thiếu.

Dù còn có khó khăn trong thực hiện sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp, song được triển khai bài bản, chặt chẽ được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên nhân dân. Một nền giáo dục hiện đại sẽ từng bước được xây dựng ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Văn Chấn, chất lượng giáo dục sẽ tiến một bước dài, chất lượng nguồn lực từ đó cũng cao hơn rất nhiều góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ông Đặng Duy Hiển - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn:

"Để Đề án đảm bảo tiến độ cần được thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng cốt lõi và trước tiên là công tác tuyên truyền đến được tất cả mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân, các cấp các ngành từ đó có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chủ trương này. Khi có nhận thức đầy đủ thì hành động thuận lợi”.

 

 

 

 

 

 

Thầy giáo Nguyễn Đức Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nậm Búng:

"Sau khi được học tập, quán triệt chủ trương sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp, tôi nghĩ phải quyết tâm thực hiện vì đây là cái lợi cho dân, cho "sản phẩm" của mình là học sinh trưởng thành".  

Thanh Ba

Các tin khác
Điểm

YBĐT - Thực hiện chỉ đạo của các cấp Hội - Đoàn cấp trên, từ hôm nay 30/6, Thành đoàn Yên Bái đã huy động trên 100 đoàn viên thanh niên, thanh niên tình nguyện tham gia vào chương trình "Tiếp sức mùa thi" năm 2016.

Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái phát biểu tại Hội nghị.

YBĐT - Ngày 30/6, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 – CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; triển khai kế hoạch của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 05 – CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thí sinh làm thủ tục dự thi buổi sáng ngày 30/6.

Trao đổi với báo chí ngày 30/6, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Huy Bằng cho biết, cả nước có 134 đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi THPT quốc gia 2016. Trong đó, 120 đoàn thanh tra ở cụm thi và 14 đoàn thanh tra lưu động của Bộ GD&ĐT.

Sáng nay 30-6, Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo đã phê duyệt Chương trình tăng cường đào tạo giáo viên nhằm hỗ trợ nỗ lực đổi mới giáo dục Việt Nam qua việc đào tạo nghiệp vụ thường xuyên cho giáo viên và hiệu trưởng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục