Niềm tin yêu của nhân dân vùng Đông hồ Thác Bà

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/11/2017 | 8:19:40 AM

YBĐT - Những năm gần đây, cùng không ngừng cải thiện cơ sở vật chất khang trang phục vụ dạy và học, Trường THPT Cảm Nhân đã giành nhiều thành tích trong đào tạo, nhận được niềm tin yêu của nhân dân các dân tộc vùng Đông hồ Thác Bà.

Học sinh Trường THPT Cảm Nhân trong giờ thực hành Tin học.
Học sinh Trường THPT Cảm Nhân trong giờ thực hành Tin học.

Đưa chúng tôi tham quan cơ sở vật chất nhà trường với các phòng học, nhà làm việc kiên cố, khuôn viên có thảm cỏ, cây xanh, bảng tin... tạo sự thân thiện không chỉ cho mỗi học sinh mà cho cả những người lần đầu đến thăm, thầy giáo Nguyễn Văn Lịch - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Xứng đáng với truyền thống 45 năm xây dựng và phát triển, sự tin yêu của nhân dân các dân tộc vùng Đông hồ Thác Bà, thầy trò chúng tôi đang phấn đấu xây dựng nhà trường thành trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh tích cực”.

Để nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên là nội dung được nhà trường luôn quan tâm. Từ đào tạo, bồi dưỡng đến nay 100% giáo viên nhà trường xếp loại chuyên môn từ đạt yêu cầu trở lên, trong đó 92% đạt loại khá giỏi; có 14 giáo viên giỏi cấp cơ sở; 3 giáo viên giỏi cấp tỉnh; 4 người có trình độ thạc sỹ.
 
Đồng thời, nhà trường tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua của ngành và địa phương phát động như: "Dạy tốt - Học tốt", "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và đặc biệt là đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... một cách cụ thể, thiết thực, không chung chung, hình thức.
 
Do đó, cùng việc tăng cường công tác quản lý như: kiểm tra chuyên môn đối với giáo viên và kiểm tra thực hiện nề nếp đối với học sinh; triển khai việc soạn bài giảng điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và đổi mới phương pháp dạy học...
 
Hàng năm, nhà trường động viên tất cả cán bộ quản lý, giáo viên tham gia viết sáng kiến nâng cao chất lượng giảng dạy. Phát huy được trí tuệ, sáng tạo của từng cá nhân, chỉ tính trong 3 năm (từ 2014 đến 2017), đã có 21 sáng kiến của cán bộ, giáo viên nhà trường được Hội đồng Sáng kiến ngành Giáo dục và Đào tạo đánh giá, xếp loại từ khá trở lên.

Đặc biệt, có 3 mô hình tiêu biểu, có hiệu quả đã làm thay đổi bộ mặt cũng như chất lượng giảng dạy của nhà trường. Cụ thể, để bồi dưỡng học sinh giỏi, nhà trường đã triển khai mô hình "Tăng cường sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi”.

Do đó hàng năm, nhà trường theo dõi phát hiện những học sinh có năng khiếu, tố chất để giao cho các tổ chuyên môn phân công giáo viên trực tiếp xây dựng kế hoạch bồi dưỡng.
 
Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được xây dựng trên tinh thần tự giác của giáo viên không tính thù lao. Tổ chuyên môn với Công đoàn, Đoàn thanh niên nhà trường dựa trên tình hình thực tiễn của hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi, nghiên cứu đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Ban Giám hiệu để quyết định điều chỉnh hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi trong toàn trường.
 
Nhờ áp dụng mô hình này, chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi của nhà trường được nâng lên rõ rệt. Năm học 2014-2015, học sinh nhà trường đạt 4 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, năm học 2015-2016 đạt 5 giải và năm học 2016-2017 đạt 6 giải. 

Bên cạnh đó, để phát huy tính sáng tạo của học sinh, mô hình "Hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT)” được triển khai.
 
Theo đó mỗi năm học, nhà trường tổ chức hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu KHKT, từ đó chọn ra các đề tài, dự án khả thi để hướng dẫn, đầu tư, hoàn thiện tham gia Cuộc thi Sáng tạo KHKT cấp tỉnh và cấp quốc gia. 

Việc triển khai mô hình đã có ngay kết quả khi năm học 2014-2015, học sinh nhà trường đạt 1 giải cấp tỉnh, đến năm học 2015-2016 đạt 3 giải cấp tỉnh và năm học 2016-2017 đạt 6 giải cấp tỉnh. Xây dựng trường học thân thiện, nhà trường tập trung xây dựng mô hình "Xây dựng cảnh quan nhà trường xanh - sạch - đẹp”.
 
Qua đó, nhà trường đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh cùng chung tay xây dựng cảnh quan nhà trường, tạo một môi trường học tập lành mạnh, trong sạch, giáo dục ý thức về việc bảo vệ môi trường cho học sinh. 

Sau khi mô hình được triển khai, cơ sở vật chất nhà trường được bổ sung, củng cố và tăng cường. Đã huy động hàng trăm triệu đồng từ xã hội hóa để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp phòng học, sân chơi, bãi tập cho học sinh...

Hoạt động trên địa bàn xa trung tâm huyện lỵ, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhất là về tinh thần nên phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao nhân dịp các ngày lễ... được tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia. 

Qua các hoạt động này, giúp cán bộ, giáo viên và học sinh thêm phấn khởi, yêu trường, yêu lớp, được ngành giáo dục, Huyện đoàn Yên Bình đánh giá cao trong số các đơn vị Đoàn trường học.

Nâng cao chất lượng đào tạo qua các phong trào thi đua là nguyên nhân đưa tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng của trường đạt từ 96% trở lên, trong đó tỷ lệ học sinh học lực khá, giỏi chiếm 35%; học sinh hạnh kiểm khá trở lên đạt 97%; học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98%; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hàng năm đều tăng đạt từ 50 đến 65%. Trường THPT Cảm Nhân ngày càng nhận được sự tin yêu của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng Đông hồ Thác Bà trong sự nghiệp trồng người.

Nguyễn Đình


45 NĂM VINH DỰ VÀ TỰ HÀO

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh:



Tôi rất tự hào được học tập dưới mái trường này từ năm 1989 - 1992. Những năm ấy, nhà trường gặp muôn vàn khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Kinh tế khó khăn, giao thông đi lại không thuận lợi cùng với nhận thức của không ít phụ huynh về việc học của con em mình còn hạn chế nên nhiều bạn bỏ học, chỉ tính riêng khóa học của tôi lúc vào lớp 10 có 25 bạn, đến cuối cấp còn 8 bạn. Nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Trường, tôi muốn gửi đến các bạn trẻ thông điệp: dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, các bạn hãy cố gắng, tự tin, có chí tiến thủ, tuyệt đối không tự ti, ắt sẽ thành công trong con đường học tập và công tác!
 
Đồng chí Lý Ánh Dương – Chủ tịch UBND xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình:



Là cán bộ trưởng thành từ cái nôi đào tạo của nhà trường, tôi cảm thấy rất vinh dự. Vượt qua mọi khó khăn, đến nay, nhà trường có hệ thống cơ sở vật chất khá khang trang, đội ngũ cán bộ, giáo viên đồng đều. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, đặc biệt tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp hàng năm đều tăng. Trường THPT Cảm Nhân đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho nhiều xã vùng Đông hồ.

Đồng chí Đinh Xuân Cường – Phó Giám đốc Sở Nội vụ:

 Tôi là học sinh của Trường khóa 1979 – 1981. Ngày đó, trường học chỉ là những dãy nhà tranh tre, vách nứa, đường đến trường vô vàn khó khăn, những bữa ăn đạm bạc không đủ no nhưng thầy và trò luôn có một tình cảm đặc biệt... Năm tháng qua đi, rất nhiều học sinh của Trường đã trưởng thành, giữ những chức vụ quan trọng, chủ chốt của tỉnh, các sở, ban, ngành. Tôi cũng muốn nói với các bạn học sinh hôm nay rằng, mọi thành công đều phải bắt đầu từ sự cố gắng học tập và tu dưỡng. Luôn có ước mơ, hoài bão để trở thành những công dân tốt, những cán bộ gương mẫu và xem đó như một sự đền đáp ý nghĩa nhất đối với tất cả những gì mà các thế hệ thầy cô giáo và cán bộ của Trường đã dành cho chúng tôi.
 
Em Dương Mỹ Lộc - học sinh lớp 11A4, Trường THPT Cảm Nhân:



Chúng em rất tự hào khi được học tập dưới mái trường có bề dày truyền thống. Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự quan tâm, dạy bảo của các thầy cô giáo, chúng em nguyện hứa sẽ ra sức học tập tốt, lao động tốt, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Văn Tuấn (thực hiện)

Các tin khác
Người cao tuổi ở thành phố Yên Bái luyện tập thể dục thể thao chăm sóc sức khỏe.

YBĐT - Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Năm 2016, Yên Bái bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ người cao tuổi trên 10% dân số toàn tỉnh. 

Chị Giàng Thị Chư, Chi hội trưởng Chi hội Tà Dông giành giải Nhì tại Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII” khu vực phía Bắc.

YBĐT - Hội Phụ nữ xã Chế Tạo đã thành lập nhóm phụ nữ, hội viên nòng cốt tổ chức các buổi đến trực tiếp các hộ gia đình hướng dẫn từ những việc đơn giản, tỉ mỉ và hướng dẫn nhiều lần về việc làm thế nào nhà sạch, bếp sạch; hướng dẫn và đề nghị các gia đình phải có nhà tắm, mỗi thành viên trong gia đình phải có khăn mặt riêng.

YBĐT - Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga, phóng viên Báo Yên Bái đã gặp gỡ những người con Yên Bái để được chia sẻ những tình cảm hết sức trân trọng mà đất nước và con người Xô Viết dành cho chúng ta.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng với một số Bộ, ngành liên quan sớm trình phương án hỗ trợ các địa phương thiệt hại nặng theo thứ tự ưu tiên để khôi phục đời sống nhân dân; dự kiến nguồn kinh phí này khoảng 1.000 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục