Sau chiến thắng biên giới 1950, khu giải phóng của ta nối thông với nước bạn Trung Quốc. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang một giai đoạn mới, thuận lợi hơn.
Được sự giúp đỡ của nước bạn, ngày 1/10/1951, Chính phủ ta thành lập Khu học xá Trung ương đặt nhờ tại trung tâm "Dục tài học hiệu” ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc do thầy Võ Thuần Nho làm Giám đốc, đưa cán bộ giáo viên, học sinh sang giảng dạy và học tập, nhằm đào tạo cán bộ lâu dài cho đất nước, phục vụ cho nền giáo dục mới của nước nhà.
Khu học xá Trung ương ở Nam Ninh (Trung Quốc) bao gồm các trường sư phạm đào tạo giáo viên cho cả 3 cấp. Trường sư phạm sơ cấp đào tạo giáo viên cấp I theo hệ 7+1. Trường sư phạm trung cấp trung ương từ Việt Bắc di chuyển sang, sau đó tách thành trường sư phạm trung cấp tự nhiên và trường sư phạm trung cấp xã hội, đều đào tạo giáo viên cấp II theo hệ 7+2; từ năm 1951 đến năm 1956, các trường này đã đào tạo được 4 khóa học với hơn 300 giáo sinh cho mỗi ban. Trường sư phạm cao cấp đào tạo giáo viên cấp III về khoa học tự nhiên với 3 ban (Toán - Lý, Lý - Hóa, Hóa - Sinh), thời gian học 2 năm; hiệu trưởng là giáo sư Lê Văn Thiêm.
Hồi ký của thầy Dương Trọng Bái kể: "Năm 1951, tôi đang dạy ở trường trung học kháng chiến Đào Dã (Phú Thọ) thì toàn trường được lệnh chuyển sang Khu học xá (Nam Ninh – Trung Quốc). Tôi dạy học ở 2 trường mới thành lập, mầm mống của ngành đại học ta sau này là trường khoa học cơ bản và trường sư phạm cao cấp. Có thể nói, tôi là giáo viên sư phạm từ ngày đó”. Qua lời kể của thầy Dương Trọng Bái, có thể thấy, Khu học xá Trung ương có thêm trường khoa học cơ bản mới thành lập.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, Bộ tổ chức di chuyển các trường khoa học cơ bản, trường sư phạm cao cấp ở Khu học xá Trung ương (Trung Quốc) và trường dự bị đại học, trường Sư phạm cao cấp ở Thanh Hóa về Hà Nội. Năm 1955, Chính phủ đã thành lập 2 trường: Đại học Sư phạm Văn khoa (do Giáo sư Đặng Thai Mai làm Giám đốc) và Đại học Sư phạm Khoa học (do Giáo sư Lê Văn Thiêm làm Giám đốc).
Năm 1956, hai trường nhập lại rồi tổ chức thành 2 trường: Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp. Từ năm 1957, Bộ Giáo dục cho xây dựng khu sư phạm ở Cầu Giấy, Hà Nội để chuyển các trường sư phạm ở Khu học xá Trung ương (ở Nam Ninh, Trung Quốc) về. Năm 1958, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chuyển về Cầu Giấy.
Giáo sinh của Khu học xá Trung ương sau khi hoàn thành các khóa học trở về, mỗi người được phân công đi công tác mỗi nơi với tinh thần "Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì có lợi cho dân, cho nước”. Với thời điểm đó, đời sống cán bộ giáo viên và điều kiện công tác ở trong nước vô cùng khó khăn gian khổ, thiếu thốn nhưng mọi người đều vô tư, trong sáng, đầy ước mơ và tin tưởng.
Trong số các giáo sinh ra trường được phân công đi các nơi công tác, có nhiều người được phân về tỉnh Yên Bái. Đến năm 1998, số người định cư ở Yên Bái còn lại là 35 người, trong đó có 10 người quê hương ở Yên Bái, còn đa số là người quê ở các tỉnh từ Huế trở ra, đã lấy Yên Bái làm quê hương thứ hai của mình để phục vụ, xây dựng sự nghiệp giáo dục.
Có thể kể các thầy với các khóa học từ năm 1951 đến năm 1957 là: Vi Quốc Bảng, Hoàng Lục Chinh, Phan Đình Đài, Lê Đôn, Cù Hữu Giao, Nguyễn Tuấn Minh, Ngô Xuân Na, Trần Đình Quát, Nguyễn Tấn, Hứa Đình Tống, Trương Mai Thăng, Lương Ngọc Trịnh, Phan Tước, Lê Khắc Tường, Nguyễn Đình Vượng, Phan Bá Kháng, Hà Nguyên, Hoàng Đình Phất, Đặng Đức Tăng, Nguyễn Lê Thắng, Phạm Duy Tính, Lương Ngọc Xuân, Lê Đình Đông, Đỗ Chu Đông, Phùng Quang Đĩnh, Trần Văn Tía, Phạm Đông Cổn, Trần Như Ngọ, Hà Đình In, Nguyễn Xuân Mãi, Kim Ngọc Ngụ, Chu Ngọc Lân, Nguyễn Văn Thảo…
Qua quá trình công tác, giảng dạy, nhiều thầy giáo đã được trao giữ những chức vụ như: giám đốc, phó giám đốc (ty, sở), hiệu trưởng, hiệu phó các trường phổ thông, sư phạm… Có thầy giáo được phong tặng các danh hiệu cao quý: Chiến sỹ thi đua, Nhà giáo ưu tú… Tất cả đều được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam.
Hơn nửa thế kỷ, mọi người đều đến tuổi nghỉ hưu, cũng là lúc Nhà nước ta chấm dứt thời kỳ thực hiện cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường, phát triển kinh tế nhiều thành phần, xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa (giai đoạn 1986 trở đi).
Tháng 11/1998, được sự hỗ trợ của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, những cán bộ giáo viên đã từng học ở Khu học xá Trung ương (Trung Quốc) mới có dịp hội tụ, gặp lại nhau. Cũng trong tháng 11/1998, Ban Liên lạc Khu học xá Trung ương (Trung Quốc) tại Yên Bái chính thức được thành lập, bao gồm 35 thành viên. Ban đại diện là các thầy giáo: Lê Đôn, Hà Đình In, Lương Ngọc Trịnh.
Qua các kỳ sinh hoạt, nay chỉ còn 16 người, do thầy Lương Ngọc Trịnh làm Trưởng ban liên lạc. Mặc dù còn ít người nhưng các thầy vẫn động viên nhau cố gắng hàng năm gặp nhau. Các thầy luôn động viên nhau, đùm bọc nhau về tinh thần, tình cảm, chúc nhau có sức khỏe, sống vui và hữu ích với gia đình, xã hội. Một số thầy làm thơ, viết tiểu thuyết, viết hồi ký, viết kỷ niệm sâu sắc về nhà trường và cuộc đời dạy học của mình, để lại nhiều tư liệu, tình cảm và bài học quý giá cho ngành, cho con cháu.
Hoàng Việt Quân